LTS: Trong một năm qua, rút kinh nghiệm từ vụ vi phạm pháp luật tại xã Đồng Tâm (huyện Mỹ Đức), TP Hà Nội đã tạo ra bước chuyển mới trong việc giải quyết và ngăn ngừa phát sinh “điểm nóng” tại cơ sở trên toàn thành phố...
Đồng chí Đào Đức Toàn, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội, Trưởng ban Chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 15-NQ/TU và Chỉ thị 15-CT/TU của Thành ủy làm việc với Huyện ủy Mỹ Đức về công tác tổ chức cơ sở Đảng.Ảnh: Anh Tuấn |
Bài 1: Củng cố niềm tin của nhân dân
Về những “địa chỉ” trước đây từng có diễn biến phức tạp về khiếu nại, tố cáo, an ninh trật tự, thậm chí là “điểm nóng” mới thấy hết ý nghĩa lớn lao của hai chữ “bình yên”. Với sự vào cuộc kiên trì, bền bỉ và quyết tâm của cả hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở trong một năm qua đã “hạ nhiệt” được nhiều “điểm nóng”. Những vấn đề bức xúc được tập trung giải quyết đã củng cố niềm tin của nhân dân đối với cấp ủy, chính quyền các cấp.
Làm nguội “điểm nóng”
Trở lại huyện Mỹ Đức sau một năm xảy ra vụ vi phạm pháp luật tại xã Đồng Tâm, tình hình đang được duy trì ổn định. Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Mỹ Đức Lê Văn Sơn cho hay: “Huyện Mỹ Đức xác định, thực hiện Nghị quyết 15-NQ/TU ngày 4-7-2017 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về “Xây dựng tổ chức cơ sở Đảng trong sạch, vững mạnh, củng cố cơ sở Đảng yếu kém; giải quyết các vấn đề phức tạp về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn xã, phường, thị trấn thuộc TP Hà Nội” là cơ hội tốt để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, củng cố các tổ chức cơ sở Đảng yếu kém”.
Thực hiện nghị quyết quan trọng này, riêng đối với xã Đồng Tâm, Ban Thường vụ Huyện ủy đã ban hành Đề án “Củng cố hệ thống chính trị xã Đồng Tâm” và Kế hoạch “Củng cố tổ chức cơ sở Đảng và hệ thống chính trị, giải quyết những vấn đề phức tạp về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn xã Đồng Tâm”. Kết quả đến nay, phần lớn trong số 34 vụ việc liên quan đến xã đã được giải quyết. Hệ thống chính trị của Đồng Tâm đã được kiện toàn, củng cố, nhất là đã tiến hành xử lý kỷ luật nghiêm cán bộ vi phạm, luân chuyển cán bộ từ huyện về nắm giữ vị trí chủ chốt.
Trong khi đó, niềm vui của cán bộ, đảng viên xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì cũng dần trở lại. Khác hẳn những năm 2015, 2016 và đầu năm 2017, khi trên địa bàn xảy ra 68 vụ vi phạm trật tự xây dựng. Dư luận cán bộ, nhân dân bức xúc, mất lòng tin vào cấp ủy, chính quyền. Trong bối cảnh đó, Nghị quyết 15-NQ/TU ra đời thôi thúc cấp ủy, chính quyền huyện Thanh Trì chỉ đạo quyết liệt khắc phục tình hình. Đảng ủy xã Tả Thanh Oai được đưa vào danh sách 4 đảng ủy xã, thị trấn cần củng cố ngay, với 3 nội dung hạn chế.
Cùng với sự vào cuộc của Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội, Huyện ủy quyết liệt xử lý nghiêm cán bộ vi phạm, tăng cường cán bộ từ huyện về nắm vị trí chủ chốt của xã. Cụ thể, đồng chí Lê Thùy Linh là cán bộ huyện được luân chuyển và được tín nhiệm bầu làm Bí thư Đảng ủy xã Tả Thanh Oai. Kết quả, đến nay, trong 68 công trình vi phạm trật tự xây dựng, xã đã xác định 23 công trình phù hợp quy hoạch được đăng ký đất đai, 5 công trình đang lập hồ sơ tiếp tục xử lý, còn lại cơ bản đã xử lý.
“Công việc nhìn chung có sự chuyển biến tích cực. Được cán bộ, nhân dân tin tưởng, chúng tôi càng có thêm động lực phấn đấu làm tốt hơn” - đồng chí Lê Thùy Linh cho hay.
Vào cuộc đồng bộ, quyết liệt
Tăng cường công tác tiếp dân góp phần xử lý những “điểm nóng” ngay từ cơ sở. Trong ảnh: Một buổi tiếp dân tại trụ sở UBND TP Hà Nội. Ảnh: Thái Hiền |
Những thay đổi ở hai địa chỉ trên nằm trong guồng chuyển động mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị thành phố suốt một năm qua. Tất cả bắt đầu từ khi đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải thay mặt Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội ký ban hành Nghị quyết 15-NQ/TU ngày 4-7-2017 về “Xây dựng tổ chức cơ sở Đảng trong sạch, vững mạnh, củng cố cơ sở Đảng yếu kém; giải quyết các vấn đề phức tạp về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn xã, phường, thị trấn thuộc TP Hà Nội” với quyết tâm ngăn ngừa không để xảy ra “điểm nóng”.
Còn nhớ, khi chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 15-NQ/TU, đồng chí Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải nhấn mạnh: "Giải quyết những vấn đề dân sinh bức xúc, các vụ việc phức tạp, nhạy cảm về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vừa là nhiệm vụ, giải pháp, vừa là thước đo năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng và hệ thống chính trị ở cơ sở". Thực tiễn một năm qua cho thấy, chủ trương và chỉ đạo quan trọng trên đây nhanh chóng biến thành hành động. Một cuộc “ra quân” rộng khắp, mạnh mẽ được tiến hành trong cả hệ thống chính trị.
Cùng với xã Đồng Tâm, Ban Thường vụ Huyện ủy Mỹ Đức đã rà soát, đánh giá tình hình ở tất cả các xã, thị trấn; chỉ ra 6 xã khác có những vấn đề phức tạp ảnh hưởng đến an ninh trật tự. Mức độ quan tâm, nhận thức về tầm quan trọng của việc nắm bắt tình hình, củng cố tổ chức cơ sở Đảng yếu kém đã được nâng lên trong toàn hệ thống chính trị của huyện.
Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Mỹ Đức Lê Văn Sơn chia sẻ: “Ban Thường vụ Huyện ủy đã thành lập nhiều tổ công tác thường xuyên đi dự sinh hoạt với cấp ủy chi bộ và các đoàn thể để nắm tình hình. Có vấn đề gì phát sinh, chúng tôi xem xét ngay và định hướng xử lý”. Còn tại huyện Thanh Trì, Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Phạm Nguyên Nhung cho biết, Ban Thường vụ Huyện ủy chỉ rõ từng nội dung hạn chế cần khắc phục ở các tổ chức cơ sở Đảng, định ra thời hạn khắc phục, ràng buộc rõ trách nhiệm cá nhân gắn với công tác đánh giá cán bộ.
Thực tế cho thấy, tất cả các tổ chức, địa phương, đơn vị, địa bàn đã được rà soát và được yêu cầu tự rà soát để chỉ ra ở đâu, việc gì tiềm ẩn nguy cơ. Ban Tổ chức Thành ủy trên cơ sở tổng hợp báo cáo từ các ban đảng Thành ủy, các cơ quan thành phố đã lập được danh sách 200 vụ việc phức tạp về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn Hà Nội; phân tích 17 vụ việc phức tạp có nguy cơ trở thành “điểm nóng” nhất. Cấp ủy 30 quận, huyện, thị xã cũng chỉ đạo rà soát thống kê được 326 vụ việc phức tạp khác.
Các cấp ủy còn lập danh sách 86 tổ chức cơ sở Đảng cần được củng cố, trong đó có 82 đảng bộ xã, phường, thị trấn. Nói về ý nghĩa của những con số này, đồng chí Nguyễn An Huy, Chánh Thanh tra thành phố nêu rõ: “Trước khi có Nghị quyết 15-NQ/TU, ngay cả Thanh tra thành phố cũng khó kiểm soát được con số những vụ việc phức tạp. Nhờ có Nghị quyết 15-NQ/TU, chúng ta đã kiểm soát được tình hình”.
Điểm mấu chốt là nhận thức của các cấp, ngành, nhất là người đứng đầu các cấp đã chuyển biến mạnh. Theo chỉ đạo của Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng, mỗi tổ chức đoàn thể phải nhận một “điểm nóng” trên địa bàn quản lý để vận động, giải quyết trên tinh thần lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và ý kiến đóng góp của nhân dân.
Thực tế ở cơ sở đã chứng minh, việc ban hành Nghị quyết 15-NQ/TU là quyết định lãnh đạo kịp thời, sáng suốt và đem lại hiệu quả cả trước mắt và lâu dài của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội. Lợi ích to lớn nhất đó là sự bình yên cho Thủ đô.
(Còn nữa)
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.