Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xây dựng ý thức tự chủ về kinh tế

Hồng Sơn| 04/07/2014 06:16

(HNM) - Thực trạng và những hậu quả đã, đang diễn ra trong quan hệ kinh tế giữa doanh nghiệp Việt Nam với đối tác quốc tế đã được nhận diện, phân tích tại hội thảo

Xuất ít, nhập nhiều

Theo VCCI, hội nhập kinh tế quốc tế là hướng đi đúng, hợp quy luật của nền kinh tế Việt Nam, với nguyên tắc quan trọng là đa dạng hóa nhưng phải gắn liền với tự chủ kinh tế, bảo đảm phát triển bền vững, ổn định. Mặc dù vậy, vì nhiều nguyên nhân mà một số ngành kinh tế của ta đang có sự phụ thuộc quá lớn vào một thị trường nhất định. Thực tế này càng "nóng" và trở nên cấp bách hơn, đòi hỏi được nhận định một cách tỉnh táo, thẳng thắn trong bối cảnh căng thẳng tại Biển Đông hiện nay.

Cụ thể, hơn 10 năm qua, quan hệ kinh tế, tập trung vào hoạt động xuất nhập khẩu song phương giữa Việt Nam và Trung Quốc tăng liên tục, với tốc độ rất cao. Song, đáng lo ngại là Việt Nam luôn bị thâm hụt trong quan hệ thương mại, với mức nhập siêu tăng ở mức "rất đáng lo ngại và hầu như chưa thể kiểm soát", gây ra những hệ lụy khó lường. Nếu lấy năm 2000 làm mốc so sánh, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc 1,5 tỷ USD giá trị hàng hóa, đồng thời nhập khẩu hàng hóa trị giá 1,4 tỷ USD - tức là gần như ở mức tương đương nhau. Nhưng sau đó cán cân thương mại đã thay đổi nhanh chóng, khi kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc năm 2006 đạt 3,1 tỷ USD nhưng kim ngạch nhập khẩu lại tăng lên 7,4 tỷ USD; đến năm 2013 các con số tương ứng tiếp tục "lệch" hơn khi kim ngạch xuất khẩu là 13,3 tỷ USD nhưng kim ngạch nhập khẩu tăng tới 37 tỷ USD.

Những năm gần đây Việt Nam nhập khẩu rất nhiều chủng loại hàng hóa từ Trung Quốc, gồm máy móc, thiết bị công nghiệp; vật tư; nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất hàng dệt may, da giày; hàng tiêu dùng; cây và con giống… Các chuyên gia cho rằng, tâm lý dễ dãi trong lựa chọn hàng hóa nhập khẩu, với chất lượng trung bình thấp nhưng thiếu ổn định, có khi không rõ tiêu chuẩn kỹ thuật, đặc biệt là giá rẻ từ Trung Quốc đã từng bước tạo ấn tượng đối với DN Việt. Mặt khác, thói quen tiêu dùng và sự thuận tiện về vận tải cũng khiến nhiều đơn vị trong nước muốn nhập hàng Trung Quốc. Thực tế này đặt ra vấn đề là, qua thời gian nhiều đơn vị sẽ hình thành thói quen "thích" nhập hàng Trung Quốc và như vậy sẽ vô tình tự đẩy mình vào tình huống phụ thuộc vào một nguồn cung ứng cố định và khó đối phó khi có sự thay đổi hay bất trắc xảy ra.

Tăng tỷ lệ nội địa hóa sẽ giúp ngành công nghiệp Việt Nam phát triển ổn định, bền vững và không bị phụ thuộc vào quốc gia khác. Ảnh: Khánh Nguyên


Thiệt đơn, thiệt kép

Một thực tế đáng lo ngại, có tính chất "sự đã rồi" là việc rất nhiều DN, nhà thầu Trung Quốc đã và đang đảm nhận vai trò nhà thầu thi công các công trình, dự án quan trọng ở Việt Nam. Theo ông Nguyễn Văn Thụ, Chủ tịch Hiệp hội DN cơ khí Việt Nam, nhiều năm qua, do cơ chế đấu thầu lựa chọn nhà thầu dựa vào tiêu chí giá thấp nên dẫn đến thực trạng DN Trung Quốc trúng thầu xây dựng hàng loạt dự án, công trình công nghiệp và giao thông ở nước ta, cụ thể gồm 5/6 nhà máy hóa chất, 2 nhà máy chế biến khoáng sản, 49/62 nhà máy xi măng. Trong số 22 dự án xây dựng nhà máy nhiệt điện thì DN Trung Quốc làm tổng thầu 16 dự án. Mặc dù vậy, có không ít DN Trung Quốc đã không làm tốt vai trò nhà thầu của mình, bị chậm tiến độ cũng như chưa bảo đảm chất lượng. Ông Thụ cho biết, một số dự án chậm tiến độ từ 3 tháng đến 3 năm, chất lượng thiết bị không đồng đều, có khi bị thay thế không rõ nguyên nhân. Thậm chí, có trường hợp tiêu chuẩn vật liệu xây dựng công trình bị thay đổi, thay đổi cả nhà cung cấp hoặc đội giá hợp đồng… Đáng nói là nhiều nhà thầu Trung Quốc đã đem toàn bộ vật tư, phụ tùng từ trong nước sang Việt Nam mặc dù đó là những sản phẩm có thể chế tạo ngay tại Việt Nam, làm mất cơ hội sản xuất và tham gia thị trường của DN nội. Bên cạnh đó, phần lớn nhà thầu Trung Quốc đều hạn chế việc sử dụng nhà thầu phụ Việt Nam. Việc sử dụng nguyên vật liệu và máy móc, thiết bị đồng bộ từ Trung Quốc của nhà thầu cũng làm tăng mức nhập siêu của Việt Nam trong giao thương với Trung Quốc. Dư luận còn quan ngại hơn khi nhà thầu Trung Quốc chủ động đưa vào sử dụng gần như toàn bộ chuyên gia, lao động phổ thông mà không thuê công nhân tại chỗ, gây mất cơ hội việc làm và thu nhập đối với người dân tại những địa phương có dự án triển khai.

DN của ta khi bị mất cơ hội tham gia nhận thầu sẽ lãng phí nguồn lực bởi máy móc, thiết bị "đắp chiếu"; năng lực cán bộ bị mai một; nhất là ảnh hưởng đến khả năng chế tạo thiết bị so với yêu cầu vươn lên, bứt phá trong quá trình thực hiện CNH-HĐH đất nước.

Giải pháp khắc phục

Đại diện một số hiệp hội DN Việt Nam đã kiến nghị Chính phủ tăng cường giám sát, đánh giá toàn diện các dự án quan trọng do nhà thầu Trung Quốc thực hiện để tăng cường tính chủ động trong quản lý cũng như tạo điều kiện cho DN nội. Vấn đề ở đây là chủ động thiết lập sự công bằng và cơ hội cạnh tranh bình đẳng giữa các DN. Bên cạnh đó, cộng đồng DN Việt mong muốn Nhà nước có cơ chế bắt buộc đối với chủ đầu tư về tỷ lệ sử dụng nguyên liệu, thiết bị do đơn vị trong nước sản xuất một cách hợp lý; từ đó kích thích công nghiệp phụ trợ phát triển và kết hợp nâng cao tỷ lệ nội địa hóa các loại sản phẩm.

Các chuyên gia kinh tế nhận định, Việt Nam có vị trí địa chính trị quan trọng, dễ dàng trong giao thương với các nước và cần tận dụng vị trí bên cạnh Trung Quốc - thị trường lớn nhất thế giới để phát huy những lợi thế, điểm mạnh của mình. Vấn đề là mỗi đơn vị cần xác lập hướng đi và sản phẩm phù hợp, có chất lượng và sức cạnh tranh cao để xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Về lâu dài, DN Việt phải tìm được cách tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu trên cơ sở nâng cao hàm lượng chất xám trong sản phẩm và hiệu quả quản trị DN. Nếu DN Việt tạo được sự khác biệt về sản phẩm tức là sẽ đứng vững trong quan hệ với các đối tác. Các chuyên gia cũng khuyến cáo, DN cần tự giảm tình trạng phụ thuộc vào một thị trường và sẵn sàng tìm thị trường khác thay thế. Hiện, Việt Nam sắp kết thúc đàm phán Hiệp định Thương mại tự do với EU và Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương và DN sẵn sàng xuất, nhập khẩu với các đối tác trong khuôn khổ các hiệp định này. Mặt khác, với vị trí của nhà nhập khẩu thì DN Việt cũng nên biết cách bảo vệ mình, phát huy hết quyền hạn của bên mua hàng để phòng tránh tình trạng bị ép giá, làm giá từ đối tác quốc tế nói chung. Các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh tuyên truyền, nêu cao tinh thần yêu nước của các tầng lớp nhân dân thông qua việc sử dụng hàng nội, đồng thời thúc đẩy hun đúc ý chí vươn lên của cộng đồng DN trong quá trình hội nhập.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng ý thức tự chủ về kinh tế

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.