Công nghệ

Nỗ lực tự chủ bán dẫn của Nhật Bản có động lực mới

Nguyễn Thúc Hoàng Linh 28/09/2023 - 09:09

Giữa bối cảnh cuộc chiến công nghệ, đặc biệt là đảm bảo nguồn cung bán dẫn, đang diễn ra khốc liệt, Nhật Bản tiếp tục theo đuổi nhiều kế hoạch nhằm đạt sự tự chủ trong lĩnh vực này.

3212.jpg
Phối cảnh nhà máy của Rapidus tại Chitose (Hokkaido).

Nỗ lực này đã có một bước tiến mới khi ASML (Hà Lan), công ty sở hữu hầu hết các công nghệ và công cụ liên quan tới sản xuất linh kiện bán dẫn hiện đại, thông báo sẽ thành lập một trung tâm hỗ trợ ở đảo chính Hokkaido (phía Bắc Nhật Bản).

Theo hãng thông tấn Kyodo, trung tâm này hợp tác với nhà sản xuất chip Nhật Bản Rapidus. Ban đầu, ASML sẽ gửi khoảng 40-50 kỹ sư đến làm việc tại thành phố Chitose, là nơi nhà máy mới của Rapidus vừa làm lễ động thổ.

Được thành lập vào năm ngoái bởi 8 công ty lớn của Nhật Bản, trong đó có Toyota Motor Corp. và Sony Group Corp, Rapidus có mục tiêu đảm bảo nguồn cung linh kiện bán dẫn thế hệ tiếp theo cho thị trường nội địa.

Liên doanh này nhận được sự hỗ trợ toàn diện, bao gồm cả tài chính của Chính phủ Nhật Bản, vốn coi nguồn cung bán dẫn là yếu tố quan trọng đối với việc đảm bảo chuỗi cung ứng và an ninh kinh tế của đất nước.

Rapidus hiện hướng tới việc sản xuất thế hệ chip 2 nanomet (2nm) hiện đại. Đây cũng là mục đích chính của nhà máy mới ở Chitose. Hãng có kế hoạch bắt đầu sản xuất thử nghiệm tại đây vào tháng 4-2025.

Theo các nhà phân tích, Nhật Bản đang bị tụt lại rất xa so với các nước khác trong lĩnh vực bán dẫn, nhưng với tiềm năng của nền kinh tế, nước này hoàn toàn có thể trở lại là cường quốc số 1 thế giới.

Nhật Bản từng dẫn đầu toàn cầu về sản xuất chất bán dẫn, cho đến những năm 1980, khi những nhà sản xuất khác vượt lên chiếm lĩnh thị phần. Trong nỗ lực xây dựng lại cơ sở sản xuất bán dẫn hàng đầu và phát triển ngành kỹ thuật số, Nhật Bản không chỉ tăng nguồn tài chính cho chiến lược này, mà cũng đã bắt tay với các công ty, nhà đầu tư nước ngoài.

Chiến lược phát triển mới của Nhật Bản không chỉ hướng tới mục tiêu khôi phục vị trí cường quốc bán dẫn, mà còn nhằm đảm bảo sự sẵn sàng của nước này trước các thách thức về an ninh kinh tế và xu hướng số hóa đang lan rộng.

Tuy nhiên, thách thức lớn là liệu khu vực công và tư nhân có thể hợp tác với nhau hiệu quả hay không. Theo một số tính toán, để thực hiện được mục tiêu trên, ngành công nghiệp bán dẫn Nhật Bản sẽ cần khoản vốn đầu tư theo diện công - tư là hơn 10.000 tỷ yên trong 10 năm tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nỗ lực tự chủ bán dẫn của Nhật Bản có động lực mới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.