Ngày 25-8, Sở Y tế Hà Nội tổ chức hội thảo nâng cao năng lực quản lý bệnh viện, trong đó tập trung đề cập vai trò của giám đốc bệnh viện trong tình hình mới.
Phát biểu tại hội thảo, Tiến sĩ Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho rằng, hiện nay, nhu cầu và yêu cầu về chất lượng khám, chữa bệnh của người dân ngày càng tăng lên. Để bắt kịp với xu hướng đó, sự thay đổi ở các bệnh viện công lập là điều tất yếu. Không ai khác, người đứng đầu các bệnh viện phải gánh trọng trách này.
“Vai trò của giám đốc bệnh viện đòi hỏi không chỉ là người có trình độ chuyên môn mà còn phải có trình độ quản lý, là người chịu trách nhiệm cho sự phát triển của đơn vị”, Tiến sĩ Trần Thị Nhị Hà nhấn mạnh.
Theo Tiến sĩ Trần Thị Nhị Hà, Chính phủ đã trao quyền tự chủ cho các bệnh viện công. Tuy nhiên, quá trình triển khai đã nảy sinh không ít khó khăn, vướng mắc, thậm chí có đơn vị đã phải xin dừng thí điểm tự chủ toàn diện.
Để giải quyết những vướng mắc đó, nhiều văn bản luật và dưới luật đã được ban hành như: Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi); Luật Đấu thầu (sửa đổi). Tiếp đến, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư 13/2023/TT-BYT (Thông tư 13) quy định khung giá và phương pháp định giá khám bệnh theo yêu cầu do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước cung cấp; Thông tư 14/2023/TT-BYT (Thông tư 14) quy định trình tự, thủ tục xây dựng giá gói thầu mua sắm hàng hóa cung cấp dịch vụ thuộc lĩnh vực trang thiết bị y tế tại các cơ sở y tế công lập…
Tuy nhiên, nhiều quy định mới được áp dụng trong một thời gian ngắn khi triển khai Thông tư 13 và Thông tư 14 cho thấy một số bất cập mới.
Đề cập vướng mắc sau gần 2 tháng triển khai Thông tư 14 trong mua sắm thuốc và trang thiết bị, vật tư y tế, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đức Giang Nguyễn Văn Thường cho rằng, trước đây, công việc của các giám đốc là 80% tập trung chuyên môn và 20% là ngoài chuyên môn như mua sắm, đấu thầu... nhưng nay thì ngược lại.
“Thông tư 14 đã gỡ khó cho bệnh viện rất nhiều vấn đề. Tuy nhiên, còn một số vấn đề vướng mắc như trong thông tư có nêu, khi mua sắm, đầu thầu, bệnh viện có thể thành lập hội đồng nhưng lại không quy định cụ thể, hội đồng này gồm những thành phần nào, tiêu chí hội đồng như thế nào... Ngoài ra, Thông tư 14 cũng không phân nhóm trang thiết bị. Trong khi trang thiết bị ở các hãng sản xuất khác nhau, tiêu chí khác nhau thì cần phải phân nhóm để bệnh viện lựa chọn khi đấu thầu”, ông Nguyễn Văn Thường nêu vấn đề.
Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cũng cho rằng, vấn đề mà các bệnh viện đang quan tâm hiện nay là làm sao mua hàng hóa với giá “hợp tình, hợp lý” và mua được hàng hóa đạt chất lượng như mong muốn, chọn hàng hóa tốt từ hồ sơ thầu mà không vi phạm quy định.
Đề cập đến Thông tư 13, theo Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Duy Ánh, bệnh viện đã điều chỉnh ngay bảng giá mới của dịch vụ khám, chữa bệnh theo yêu cầu từ ngày 15-8. Theo đó, tổng chi phí cho mỗi dịch vụ y tế theo yêu cầu ở bệnh viện đã giảm nhiều so với trước đây.
Lãnh đạo Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cũng chia sẻ, Bộ Y tế có quy định về giá dịch vụ y tế theo yêu cầu là hoàn toàn đúng. Tuy nhiên, việc ban hàng khung giá cố định như hiện nay vẫn có những điểm chưa hợp lý.
Đơn cử ca bệnh “đặt hàng” bác sĩ mổ, chọn giờ mổ vào 3-4h sáng… Theo hướng dẫn của Thông tư 13, giá dịch vụ là gần 7 triệu đồng, sau khi trừ chi phí các loại thì còn khoảng 500 nghìn đồng cho cả ê kíp mổ. Trường hợp này sẽ không có bác sĩ nào nhận với giá như trên. Như vậy, Thông tư 13 đang cố định mức giá khám, chữa bệnh theo yêu cầu trong khi giá cả các mặt hàng như vật tư y tế… luôn thay đổi theo thị trường.
Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Duy Ánh đề xuất, với các bệnh viện tự chủ, Bộ Y tế nên để các đơn vị tự xây dựng giá bảo đảm theo nguyên tắc tính đúng, tính đủ chi phí hợp lý, có tích lũy để tái đầu tư và phù hợp chi trả của người dân. Tức là các bệnh viện tự chủ tự xây dựng giá, công bố công khai mức giá này mỗi năm và tự chịu trách nhiệm. Hằng năm, Bộ Y tế có trách nhiệm hậu kiểm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.