Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xây dựng người Thủ đô thanh lịch, văn minh

Hoàng Minh| 16/02/2017 07:18

(HNM) - Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội vừa đưa ra dự thảo “Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn TP Hà Nội” để lấy ý kiến góp ý. Dư luận chung cho thấy, người dân rất đồng tình, song vẫn cần điều chỉnh một số nội dung...

Không chiếm dụng vỉa hè là hành vi được nhắc đến trong phần “Không nên làm” của dự thảo “Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn TP Hà Nội”. Ảnh: Thái Hiền


Ông Đỗ Văn Hưng (xã Hòa Thạch, huyện Quốc Oai): Việc làm cần thiết

Tôi rất vui khi biết tin Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội chủ trì xây dựng dự thảo “Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn TP Hà Nội”. Dự thảo có 4 chương, 14 điều, trong đó Quy tắc ứng xử nơi công cộng tập trung tại Chương II - Quy tắc ứng xử chung và Chương III - Quy tắc ứng xử tại một số nơi công cộng cụ thể.

Mục đích chính của “Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn TP Hà Nội” là định hướng văn hóa ứng xử của người dân nơi công cộng bằng những quy định “nên làm” và “không nên làm”. Đây là việc làm rất cần thiết để xây dựng hình ảnh một Hà Nội không chỉ đẹp về cảnh quan mà còn đẹp về thái độ, hành vi ứng xử. Do vậy, việc đưa những quy tắc ứng xử nơi công cộng vào cuộc sống sẽ từng bước xây dựng, hình thành những chuẩn mực đạo đức nhằm điều chỉnh lời nói, thái độ, hành vi của cá nhân, tổ chức nơi công cộng trên địa bàn TP Hà Nội. Theo tôi, Ban soạn thảo nên hướng mạnh hơn vào những quy tắc đạo đức, văn hóa nhằm góp phần giữ gìn và phát triển truyền thống văn hóa tốt đẹp của Thủ đô.

Bà Vũ Thị Minh (phường Mộ Lao, quận Hà Đông): Quy tắc và thực tiễn cần có sự gắn kết

Tôi đồng ý về mặt nguyên tắc, những quy định trong dự thảo chỉ mang tính chất định hướng chứ không phải là bắt buộc mọi cá nhân phải tuân thủ. Khi đọc dự thảo, tôi băn khoăn về quy tắc tại phần “nên làm” ở Điều 4, Chương III ghi: “Đổ rác đúng giờ, đúng nơi quy định”. Thực tế, nhiều khi công nhân của Công ty Môi trường đô thị thu gom rác vào giờ hành chính, thậm chí thu gom vào những giờ không cố định nên buộc nhiều gia đình phải bỏ rác ra khỏi nhà từ sáng hoặc trưa…

Tương tự, ở phần “không nên làm” của Điều 4 cũng ghi “không chiếm dụng vỉa hè, lòng đường”. Điều này là cần thiết nhưng cũng đòi hỏi chính quyền cơ sở phải sát sao trong quản lý và thực hiện xử phạt công bằng giữa các chủ thể khi có vi phạm xảy ra. Tôi cho rằng, Quy tắc ứng xử và thực tiễn phải có sự gắn kết, đồng bộ thì khi đi vào cuộc sống mới thực sự hiệu quả.

Anh Nguyễn Văn Hoàng (phường Kim Liên, quận Đống Đa): Quy định bắt buộc thì không nên đưa vào quy tắc ứng xử

Trong dự thảo Quy tắc ứng xử có một số quy định như: Nên “đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe gắn máy”; “đi đúng tốc độ, làn đường quy định” hay “không dừng, đỗ xe sai quy định”, “không uống rượu bia khi lái xe”, “không chở quá số người quy định”… Tôi cho rằng đây là những quy định đã được pháp luật bắt buộc mọi người khi tham gia giao thông phải chấp hành, nếu không tuân thủ sẽ phải chịu các chế tài cụ thể.

Tương tự, việc định hướng một số việc nên làm trong lĩnh vực môi trường cũng vậy ("Không hút thuốc, khạc nhổ, phóng uế tùy tiện", "Không xả rác thải, chất thải trái nơi quy định"...). Do đó, nếu đưa vào bộ quy tắc với định hướng “nên làm” hay “không nên làm” là chưa đúng tinh thần của pháp luật, vì nếu là quy tắc thì chỉ là định hướng chứ không mang tính áp đặt. Theo tôi, thay vì đưa những việc “nên làm” hay “không nên làm” vào quy tắc mà trước đó đã được pháp luật điều chỉnh, ngay từ lúc này, UBND thành phố chỉ đạo các sở, ngành, chính quyền các quận, huyện, thị xã và cơ sở tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm khắc đối với các vi phạm quy định của pháp luật ở tất cả các lĩnh vực từ an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, đến văn hóa - xã hội, y tế, giáo dục…

Chị Phan Thị Huyền (phường Mai Động, quận Hoàng Mai): Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện

Việc xây dựng và ban hành “Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn TP Hà Nội” là rất đúng, kịp thời trong giai đoạn hiện nay khi Nghị định số 155/2016/NĐ-CP quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực môi trường vừa có hiệu lực. Dự thảo Quy tắc hướng các tổ chức, cá nhân làm việc, sinh sống, công tác, tham quan, học tập trên địa bàn Hà Nội phải tôn trọng không gian chung của cộng đồng; ứng xử lịch thiệp, thân thiện, nhã nhặn, đúng mực; trang phục lịch sự, phù hợp hoàn cảnh, chuẩn mực xã hội.

Hơn nữa, quy tắc còn hướng người dân quan tâm, nhường nhịn, giúp đỡ người khuyết tật, phụ nữ có thai, người già, trẻ em... Nếu những quy tắc trên được người dân tuân thủ sẽ góp phần xây dựng thành phố thanh lịch, văn minh.

Tuy nhiên, để “Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn TP Hà Nội” nhanh chóng đi vào cuộc sống, công tác tuyên truyền cần đi trước một bước. Cùng với đó, cả hệ thống chính trị cần coi đây là việc làm vừa cấp thiết vừa bền bỉ, vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện và tăng cường kiểm tra, xử lý trường hợp vi phạm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng người Thủ đô thanh lịch, văn minh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.