(HNM) - Đúng ngày này cách đây 44 năm (30/4/1975 - 30/4/2019), nhân dân Việt Nam đã làm nên thắng lợi lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Cùng với niềm vui khải hoàn, sum họp Bắc - Nam, chính quyền và nhân dân ta đã nhanh chóng bắt tay vào công cuộc xây dựng đất nước.
Thành phố Hồ Chí Minh ngày càng phát triển văn minh, hiện đại. Ảnh: Đan Toàn |
Mô hình phát triển thành công
Mới đây trang báo Halonoviny (Séc) đã đăng tải bài viết đánh giá Việt Nam đạt được nhiều thành tựu to lớn trong phát triển đất nước và được cộng đồng quốc tế xem là "mô hình phát triển thành công". Theo bài báo, sau khi thống nhất đất nước năm 1975, Việt Nam đã đối mặt với khó khăn trong 10 năm do hậu quả của chiến tranh để lại. Tình hình bắt đầu được cải thiện kể từ khi Việt Nam thực hiện chính sách “Đổi mới” vào năm 1986, với những tư duy mới được áp dụng trong nền kinh tế và đạt được nhiều thành quả ấn tượng.
Thứ nhất, Việt Nam là một trong số ít các quốc gia đã thành công trong cải cách kinh tế và thu hút đầu tư nước ngoài. Từ sau những năm 1990, GDP của Việt Nam đã tăng gấp 3 lần so với thời điểm trước năm 1986 và luôn duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế ổn định với khoảng 7,5% mỗi năm. Năm 2018, mặc dù kinh tế thế giới có nhiều biến động, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam vẫn đạt mức 7,08%.
Thứ hai, đời sống người dân không ngừng được cải thiện và an ninh trật tự xã hội được bảo đảm. Theo đánh giá của Liên hợp quốc, Việt Nam là một trong những quốc gia hàng đầu trên thế giới thành công trong cuộc chiến xóa đói giảm nghèo, đáp ứng các yêu cầu của các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Liên hợp quốc (MDGs). Trước khi thực hiện đường lối đổi mới, tỷ lệ hộ nghèo ở Việt Nam là 58%, đến nay con số này đã giảm xuống dưới 6%.
Thứ ba, vai trò và vị thế của Việt Nam ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế. Với chính sách đối ngoại đa phương và đa dạng hóa quan hệ quốc tế, kể từ khi trở thành thành viên của Liên hợp quốc vào năm 1977, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với gần 180 nước cũng như có quan hệ thương mại với hơn 160 quốc gia và vùng lãnh thổ. Việt Nam đã thể hiện sự chủ động, tích cực trong hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế.
Đặc biệt, những năm gần đây, Việt Nam đã tổ chức thành công nhiều sự kiện quốc tế lớn như Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới lần thứ 132 (IPU-132), Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương 2017 (APEC 2017), Diễn đàn Nghị viện châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 26 (APPF-26)…
Mới đây nhất, Việt Nam được chọn làm địa điểm tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên lần thứ hai. Điều này một lần nữa khẳng định uy tín và vị thế trên trường quốc tế của Việt Nam ngày càng được nâng cao.
“Con hổ” của châu Á
Với tiêu đề “Vị trí của Việt Nam trong thế kỷ châu Á”, Báo điện tử Frontera của Italia cho biết, là một đất nước bị tàn phá bởi chiến tranh và nghèo đói, Việt Nam đang nổi lên như một điều diệu kỳ của châu Á. Kể từ khi thực hiện những cải cách kinh tế vào năm 1986, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn. Với GDP bình quân đầu người mỗi năm khoảng 2.200 USD, người Việt Nam bắt đầu hướng đến "tiêu dùng bền vững", kích thích chi tiêu cá nhân.
Xét trên nhiều khía cạnh, Việt Nam là một mô hình thu nhỏ trong câu chuyện phát triển kinh điển của châu Á trong những thập niên qua. Là thuộc địa cũ của Pháp và tự đứng lên giành lại độc lập, Việt Nam đã thoát khỏi tình trạng cô lập và trở thành một "con hổ" kinh tế, theo đuổi xu hướng toàn cầu hóa và tự do thương mại. Từ một quốc gia nghèo đói, Việt Nam giờ đây là một trong những nhà xuất khẩu thiết bị cầm tay và ti vi màn hình phẳng lớn trên thế giới...
Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), năm 2018, Việt Nam đứng ở vị trí 36/160 quốc gia được đánh giá, xếp hạng về logistics, xếp thứ 3 trong các nước ASEAN, tăng 25 bậc so với năm 2016. WB nhận định, Việt Nam là nền kinh tế mở bậc nhất thế giới, thành công trong việc duy trì được thị trường xuất khẩu đa dạng. Trong số các đối tác thương mại của Việt Nam, Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất, tiếp theo là EU, ASEAN, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc…
Điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư
Không chỉ đạt được thành tựu ấn tượng trong phát triển kinh tế, Việt Nam đang ngày càng trở thành điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Hãng tin tài chính Bloomberg (Mỹ) nhận định, Việt Nam là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới.
Hiện tại, Việt Nam xếp vị trí số 1 trong 7 nền kinh tế mới nổi ở khu vực châu Á về điểm đến của các doanh nghiệp chế biến - chế tạo. Đánh giá được thực hiện dựa trên các yếu tố như cơ cấu dân số, tiền lương, giá điện, xếp hạng về môi trường kinh doanh, logistics và tỷ trọng của ngành chế biến - chế tạo trong đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại mỗi quốc gia.
Theo Bloomberg, có nhiều yếu tố làm nên sức hấp dẫn của Việt Nam đối với nhà đầu tư nước ngoài, trong đó phải kể đến chi phí sản xuất giá rẻ. Cùng với đó, sự tăng trưởng cùng với nền chính trị ổn định là sức hút rất lớn đối với dòng vốn FDI vào Việt Nam.
Tạp chí Forbes cũng cho rằng, Việt Nam đang là điểm đến hấp dẫn của nhiều công ty đa quốc gia bởi có nhiều thuận lợi để xuất khẩu hàng hóa mà không phải chịu thuế. Chính phủ Việt Nam đã và đang tích cực cải cách thủ tục hành chính nhằm thu hút đầu tư nước ngoài nhiều hơn, bảo đảm chi phí lao động thấp hơn.
Bên cạnh đó, Việt Nam đang trong quá trình ký kết một số thỏa thuận thương mại tự do quan trọng, trong đó có Hiệp định Thương mại tự do với Liên minh châu Âu (EVFTA) và Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã chính thức có hiệu lực. Thực tế, Việt Nam đã thành công trong thu hút đầu tư nước ngoài bằng cách giữ chi phí lao động ở mức thấp, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư thông thoáng...
Các chuyên gia quốc tế cho rằng, thành tựu trong những năm qua cho thấy sự lựa chọn và các quyết sách của Việt Nam là đúng đắn, hợp lý và là một mô hình thành công. Đó là nền tảng căn bản, vững chắc để Việt Nam tiếp tục phát triển và hội nhập thành công trong tương lai.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.