(HNM) - Từ vị trí số 11/19 đơn vị được xếp hạng năm 2016, chỉ sau một năm, Bộ Y tế bất ngờ “tụt dốc” 7 bậc, xuống áp chót về Chỉ số cải cách hành chính năm 2017 (PAR INDEX 2017) do Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ công bố mới đây.
Không những thế, Bộ Y tế là đơn vị đứng cuối về Chỉ số thành phần cải cách thủ tục hành chính, với kết quả chỉ dừng lại ở mức 49,78%.
Sự kiện Bộ Y tế “tụt hạng” về Chỉ số cải cách hành chính thu hút sự quan tâm của dư luận, bởi từ lâu y tế vẫn là lĩnh vực liên quan mật thiết đến “cơm áo, gạo tiền” của người dân, đặc biệt với những bệnh nhân nghèo. Vì thế, mọi thay đổi của ngành Y tế liên quan đến cải cách thủ tục hành chính, điều chỉnh các điều kiện kinh doanh, đều tác động trực tiếp hoặc gián tiếp đến một bộ phận không nhỏ người dân.
Không thể phủ nhận những thay đổi tích cực của ngành Y tế thời gian qua khi thực hiện chủ trương “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng đến sự hài lòng của người bệnh”. Thế nhưng, bên cạnh đó vẫn còn tình trạng phiền phức trong thủ tục đăng ký khám, chữa bệnh. Cùng với đó là một loạt bất cập liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Y tế như: Quản lý thị trường dược phẩm, giá thuốc, đấu thầu thuốc tại các bệnh viện... khiến mục tiêu quản lý thị trường dược phẩm, giảm giá thuốc cho người bệnh chưa đạt được yêu cầu; gây không ít khó khăn cho cả doanh nghiệp và người bệnh.
Trước những bất cập đó, Bộ Y tế mới đây công bố dự thảo Nghị định sửa đổi một số quy định liên quan đến điều kiện đầu tư, kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ; theo đó, dự kiến cắt giảm 1.151/1.680 điều kiện đầu tư, kinh doanh và 168/338 thủ tục hành chính. Với 9 lĩnh vực quan trọng được đề cập, dự thảo Nghị định được Bộ Y tế soạn thảo theo nguyên tắc cố gắng cởi bỏ những ràng buộc, các thủ tục gây khó khăn, kể cả với cơ quan quản lý, cộng đồng doanh nghiệp cũng như bệnh viện và người bệnh. Mục tiêu đặt ra là thay đổi cách thức tiếp cận để quản lý chất lượng dịch vụ y tế ngày càng tốt hơn, nhất là tăng sự hài lòng của người bệnh.
Trong bối cảnh các bộ, ngành đang tích cực cải cách thủ tục hành chính khi cắt bỏ hàng loạt thủ tục, điều kiện không cần thiết, gây phiền hà cho doanh nghiệp và người dân, việc Bộ Y tế dự kiến cắt giảm tới gần 70% điều kiện đầu tư, kinh doanh và gần 50% thủ tục hành chính là điều đáng ghi nhận. Điều này thể hiện quyết tâm cao của Bộ Y tế nhằm góp phần cùng các bộ, ngành, xây dựng Chính phủ “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả”.
Sự hài lòng của người bệnh tỷ lệ thuận với sự phát triển của ngành Y tế. Tiền lương của cán bộ, nhân viên y tế đã được tính vào giá dịch vụ khám, chữa bệnh, nếu ngành Y tế không nỗ lực cải cách hành chính, làm hài lòng người bệnh thì ngành sẽ khó phát triển.
Để đạt được mục tiêu trên, Bộ Y tế cần tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống quy định quản lý nhà nước, đặc biệt, rà soát thủ tục hành chính, loại bỏ các thủ tục, điều kiện không cần thiết… Ngoài ra, Bộ Y tế cần sớm hoàn thiện hệ thống tổ chức từ trung ương đến địa phương theo hướng tinh gọn, hiệu quả, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà nước và trong các đơn vị y tế công lập. Nhiệm vụ này cần được gắn với điểm thi đua và trách nhiệm của người đứng đầu từng đơn vị. Thông qua việc cải cách hành chính, những điểm còn hạn chế sẽ được nhận diện, khắc phục, qua đó tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và mang đến sự hài lòng cho người bệnh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.