Y tế

Đưa dịch vụ y tế chất lượng đến gần dân

Thu Trang 30/07/2023 - 06:51

Sau 15 năm mở rộng địa giới hành chính, một trong những bước chuyển mình dễ nhận thấy của ngành Y tế Thủ đô là hàng loạt cơ sở y tế tuyến huyện được xây dựng mới hoặc cải tạo, nâng cấp khang trang, sạch sẽ hơn.

Đặc biệt, nhờ đẩy mạnh phát triển các kỹ thuật cao, chuyên sâu cùng với việc đổi mới phong cách, tinh thần phục vụ người bệnh, ngành Y tế Thủ đô đã đáp ứng tốt hơn nhu cầu khám, chữa bệnh, đưa dịch vụ y tế chất lượng đến gần người dân.

Bệnh viện tuyến huyện “thay da, đổi thịt”

Có mặt tại Bệnh viện Đa khoa Vân Đình (huyện Ứng Hòa) vào những ngày tháng 7 này, chúng tôi rất ngạc nhiên trước sự “thay da, đổi thịt” ở nơi đây. Thay đổi không chỉ từ cơ sở vật chất khang trang, sạch đẹp, quy trình khám, chữa bệnh được sắp xếp khoa học, hợp lý mà ngay cả phong cách, thái độ của đội ngũ y bác sĩ cũng tận tình, chu đáo. Tiến sĩ - bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Khuyến, Giám đốc Bệnh viện cho biết, cùng với việc không ngừng phát triển chuyên môn kỹ thuật, cải tiến quy trình khám bệnh, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, bệnh viện còn tập trung đổi mới, nâng cao kỹ năng giao tiếp, ứng xử của nhân viên y tế đối với người bệnh.

Nếu như năm 2008, Bệnh viện Đa khoa Vân Đình chỉ có 230 giường bệnh, thì đến năm 2023 đã tăng lên 420 giường bệnh. Từ năm 2011, bệnh viện đã được nâng hạng từ hạng III lên hạng II. Đến nay, các y, bác sĩ của bệnh viện đã điều trị thành công nhiều trường hợp mắc bệnh nặng, phức tạp mà không phải chuyển tuyến. Do đó, lượng bệnh nhân đến khám và điều trị tăng hơn nhiều so với trước. Trung bình số lượt người khám bệnh tại đây khoảng từ 650 đến 1.000 lượt/ngày.

Cũng là bệnh viện hạng II trực thuộc Sở Y tế Hà Nội, trung bình mỗi ngày, Bệnh viện Đa khoa huyện Ba Vì tiếp nhận từ 1.000 đến 1.200 lượt bệnh nhân tới khám. Riêng trong 6 tháng đầu năm 2023, bệnh viện đã thực hiện khám cho hơn 120.000 lượt người; tổng số điều trị ngoại trú là hơn 18.000 lượt bệnh nhân; số bệnh nhân điều trị nội trú là gần 10.000 lượt. Để có được kết quả này, bệnh viện đã không ngừng triển khai nhiều kỹ thuật mới, kỹ thuật khó mà trước đây không thực hiện được, phải chuyển bệnh nhân lên tuyến trên, như: Phẫu thuật thay khớp háng, phẫu thuật khớp gối, phẫu thuật lấy sỏi, tán sỏi niệu quản nội soi...

Đơn cử như trường hợp bệnh nhân V.B.S (96 tuổi, ở xã Thuần Mỹ, huyện Ba Vì) nhập viện sau khi bị trượt chân ngã, không đi lại được. Các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa huyện Ba Vì chẩn đoán, bệnh nhân bị gãy cổ xương đùi trái và cần tiến hành phẫu thuật. Tuy nhiên, bệnh nhân tuổi cao lại có các bệnh nền như bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, tim mạch, tăng huyết áp đi kèm. Thậm chí, bệnh nhân cũng đã từng mổ thay khớp háng phải. Do đó, trước khi tiến hành phẫu thuật, các bác sĩ đã phải cân nhắc, tính toán rất kỹ lưỡng để tránh những rủi ro có thể xảy ra. Kết quả, 7 ngày sau khi được phẫu thuật, cụ S đã bắt đầu tập đi.

Không chỉ vậy, thời gian qua, nhiều bệnh viện tuyến huyện còn chú trọng triển khai ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, giảm thời gian chờ đợi của người bệnh. Đồng thời, duy trì tổ tiếp đón, bổ sung ghế chờ, quạt mát, điều hòa, nước uống... Ông Lê Quang Biên (67 tuổi, ở xã Tản Lĩnh, huyện Ba Vì) chia sẻ: “Thay đổi từ những điều nhỏ nhất như nhà vệ sinh bệnh viện, khu vực chờ, lối đi, điện nước… cho đến thái độ của nhân viên y tế, chất lượng chuyên môn đã khiến người bệnh cảm thấy rất hài lòng, không còn muốn chuyển lên tuyến trên”.

Tiếp tục tăng số lượng bác sĩ, giường bệnh
Sự hài lòng của người bệnh là thước đo quan trọng phản ánh quá trình đổi mới, phát triển của ngành Y tế và của từng cơ sở y tế ở Hà Nội. Số lượng bệnh nhân đến khám và điều trị tại các bệnh viện tuyến huyện ngày càng đông đã góp phần giảm tải cho tuyến trên. Tuy nhiên, sau khi mở rộng địa giới hành chính, quá trình đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ cũng đã đặt ra cho ngành Y tế Thủ đô nhiều khó khăn, thách thức. Cụ thể là ô nhiễm môi trường, một số dịch bệnh truyền nhiễm như Covid-19, sốt xuất huyết, sởi, tay chân miệng, thủy đậu… tiềm ẩn diễn biến phức tạp. Trong khi đó, hệ thống cơ sở y tế chưa được đầu tư đồng bộ, chưa đáp ứng được nhu cầu bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong điều kiện kinh tế - xã hội ngày càng phát triển. Thêm vào đó, nguồn nhân lực y tế còn thiếu đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng khám, chữa bệnh thời gian qua.
Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà cho rằng, dân số Hà Nội sau khi mở rộng cũng tăng nhanh, dẫn đến cần phải tăng số lượng bác sĩ, điều dưỡng… Tuy nhiên, việc thu hút bác sĩ vào làm việc tại khối y tế công lập, đặc biệt là y tế tuyến huyện, xã còn hạn chế do một số nguyên nhân. Đó là chưa xây dựng được thêm các bệnh viện, chưa tăng được số lượng giường bệnh cho các bệnh viện hiện có, chưa có cơ sở pháp lý để tăng định mức nhân lực cho cơ sở y tế công lập, chưa có các chính sách hỗ trợ thu hút nhân lực…
Hiện nay, tổng số giường bệnh của Hà Nội đạt 22.796 giường, tương ứng với tỷ lệ 27,5 giường bệnh/vạn dân. Mục tiêu đến năm 2025, thành phố đạt 30-35 giường bệnh/vạn dân. Ðể đạt được mục tiêu này, thời gian tới, ngành Y tế Hà Nội tiếp tục triển khai các dự án xây dựng mới các bệnh viện theo quy hoạch đã đề ra; đồng thời, khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng bệnh viện tư nhân; cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng các bệnh viện cũ, tăng cường đầu tư trang thiết bị y tế; đẩy mạnh triển khai các kỹ thuật cao, kỹ thuật mới trong chẩn đoán, điều trị. Đặc biệt, ngành Y tế sẽ không ngừng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực y tế, nhất là có chính sách khuyến khích cán bộ y tế có trình độ cao về công tác tại khu vực khó khăn.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đưa dịch vụ y tế chất lượng đến gần dân

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.