Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vi phạm bản quyền phim: Cần có biện pháp mạnh

Trà Giang| 12/05/2023 06:10

(HNMCT) - Mặc dù các nhà sản xuất đã nhiều lần lên tiếng, thậm chí đòi kiện bồi thường nhưng tình trạng quay lén, vi phạm bản quyền trong lĩnh vực điện ảnh vẫn liên tục diễn ra với nhiều chiêu thức tinh vi.

Có rất nhiều video quay lén phim “Lật mặt 6: Tấm vé định mệnh” và "Con nhót mót chồng" được tung lên mạng xã hội.

Tràn lan clip vi phạm

Chỉ một ngày sau khi công chiếu, nhà sản xuất Minh Hà, vợ của đạo diễn Lý Hải đã phải lên tiếng vì phim “Lật mặt 6: Tấm vé định mệnh” bị livestream tràn lan trên TikTok, Facebook. Trên trang cá nhân, chị viết: "Hiện đã bắt đầu có các clip livestream và quay lén “Lật mặt 6” trong rạp. Cám ơn các bạn rất nhiều vì đã liên tục báo tin và giúp mình report (báo cáo). Vừa qua, khi tổ chức ở Định Yên dù chiếu công khai nhưng không hề có một clip quay lén nào được đăng lên, thật quá tuyệt vời. Nhưng giờ thì “Lật mặt 6” đã khởi chiếu toàn quốc - trên một không gian rộng hơn rất nhiều, mình rất mong mọi người thương tình không quay phim đăng lên mạng và rất mong cả nhà chung tay giám sát phụ mình”. Nhà sản xuất Minh Hà cũng kêu gọi: “Khi thấy hành vi quay lén, nhờ mọi người báo quản lý rạp hoặc nhắn vào số hotline vì mình biết nhiều bạn cũng ngại và sợ, nhất là bạn nữ. Còn nếu thấy clip quay lén, mọi người gửi link ở bình luận hoặc inbox page dùm mình nha”.

Cùng thời điểm này, có cả nghìn video liên quan đến bộ phim "Con nhót mót chồng" trên TikTok, trong đó, đa số đều vi phạm bản quyền. Trước đó ít lâu, nhà sản xuất bộ phim “Chị chị em em 2” cũng đã kịch liệt lên án hành vi quay lén, phát tán phim chiếu rạp trên mạng. Ngay khi vừa ra rạp, bộ phim này đã bị quay lén và đưa lên mạng tràn lan dưới dạng loạt video ngắn.

Đặc điểm chung của các vi phạm trong thời gian gần đây là đối tượng quay lén không đưa toàn bộ nội dung hay những đoạn dài lên các hội, nhóm như trước kia mà cắt thành nhiều clip ngắn. Đáng chú ý, hầu hết tài khoản đăng tải phim quay lén đều là tài khoản mới lập. Có hàng trăm tài khoản như vậy cùng đăng tải những video ngắn liên quan tới phim lên mạng dù không được phép của nhà sản xuất. Người xem chỉ cần lướt qua các phân đoạn đó là gần như đã nắm rõ nội dung chính của bộ phim. Điều này gây tổn hại rất lớn đến quyền lợi của đơn vị sản xuất phim. Trong một buổi giao lưu với khán giả phim "Con nhót mót chồng", diễn viên Thu Trang đã phải “xin mọi người không lan truyền phim lên mạng xã hội nữa” bởi người đăng đoạn này, kẻ đăng đoạn kia lên thì thành nguyên một bộ phim trên TikTok. Cả ê kíp làm phim cực khổ nhưng phim vừa mới chiếu đã bị đưa lên mạng xã hội.

Trả tiền thì được quay?

Khi nhà sản xuất Minh Hà lên tiếng trên trang cá nhân, một khán giả đã vào chất vấn: “Sao bỏ tiền ra mà không cho người ta quay?”. Điều này cho thấy nhận thức của một bộ phận người xem về vấn đề bản quyền còn rất hạn chế.

Trong khi đó, việc “dẹp” tình trạng vi phạm bản quyền trên các nền tảng mạng xã hội không phải dễ bởi người vi phạm có muôn cách để lách luật. Chẳng hạn, TikTok yêu cầu người bị xâm hại bản quyền phải có động tác report (báo cáo) nhưng trong bối cảnh có hàng trăm kênh, mỗi kênh đăng tải một vài clip có thời lượng chưa đến 3 phút khiến nhà sản xuất báo cáo không kịp. Theo đại diện truyền thông của phim “Lật mặt 6: Tấm vé định mệnh”, họ đã làm việc với TikTok về vấn đề bản quyền, đồng thời phối hợp với nền tảng này để xử lý các tài khoản vi phạm. Tuy nhiên, hiện đoàn làm phim cũng chỉ tập trung xử lý được các tài khoản đưa những video có thời lượng trên 10 phút, còn với các video có thời lượng ngắn thì không thể giải quyết triệt để vì số lượng quá nhiều.

Có nhiều vấn đề gây khó cho các nhà sản xuất trong việc xử lý vi phạm. Chẳng hạn như với phim “Chị chị em em 2”, một số tài khoản đưa phim lên ở nước ngoài nên ở Việt Nam không thể giải quyết. Một số bộ phim truyền hình đang chiếu như “Gia đình mình vui bất thình lình”, “Cuộc đời vẫn đẹp sao” cũng bị một số tài khoản YouTube ghi tên bằng tiếng Thái Lan và đưa lên mạng. Để tránh các công cụ quét bản quyền tự động, cứ sau mỗi 3 giây, hình ảnh trên các kênh này lại thay đổi so với hình ảnh gốc bằng việc room vào một chi tiết không cụ thể nào đó như một góc tai, một góc mắt diễn viên hay một góc bối cảnh... khiến bộ phim bị “băm nát”.

Theo "Báo cáo nghiên cứu thực thi quyền sở hữu trí tuệ trong các lĩnh vực văn hóa và sáng tạo tại Việt Nam" do Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam công bố gần đây, điện ảnh là một trong 3 loại hình sản phẩm văn hóa sáng tạo bị xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ nhiều nhất (bên cạnh âm nhạc và bản ghi âm, ghi hình) với tỷ lệ lên tới 71,6%. Theo Media Partners Asia, nếu không kiểm soát được tình hình thì đến năm 2027, số người dùng vi phạm bản quyền tại Việt Nam có thể lên tới 19,5 triệu, dẫn tới lượng doanh thu bị thất thoát ở mức 456 triệu USD. Thực tế này đòi hỏi chúng ta phải có biện pháp mạnh hơn để tạo ra môi trường lành mạnh cho các nhà làm phim nói riêng và người sáng tạo nói chung được đảm bảo quyền lợi hợp pháp của mình.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vi phạm bản quyền phim: Cần có biện pháp mạnh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.