(HNM) - Sự phục hồi, phát triển của nền kinh tế đang giúp thị trường lao động có nhiều tín hiệu tích cực sau thời gian dài bị tác động bởi dịch Covid-19.
Nhìn lại năm 2021 có thể thấy, đời sống kinh tế - xã hội đã chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19. Một trong những hệ quả lớn là thị trường lao động rơi vào trạng thái trầm lắng trong thời gian dài; đặc biệt, nhiều lĩnh vực như dịch vụ, du lịch, vận tải… có những thời điểm gần như bị “đóng băng”, khiến số người mất việc hoặc tạm nghỉ việc gia tăng, ảnh hưởng đến đời sống, thu nhập của người lao động.
Trước những thách thức chưa có tiền lệ của thị trường lao động, các cấp, ngành chức năng và các địa phương đã thực thi đồng bộ nhiều cơ chế, chính sách để vừa hỗ trợ người lao động vượt qua khó khăn trước mắt, vừa giúp họ ổn định công việc hoặc tìm việc làm mới. Trong đó, song song với hệ thống chính sách an sinh xã hội được thực hiện để trợ giúp kịp thời cho người lao động; các giải pháp mang tính phát triển bền vững cho thị trường lao động, như: Tăng cường giới thiệu việc làm qua kết hợp hình thức trực tiếp và trực tuyến; đào tạo nghề cho người mất việc làm… cũng được triển khai đồng bộ, hiệu quả.
Kết quả là, thị trường lao động đã dần khởi sắc. Đáng chú ý, trong quý IV-2021, số lao động có việc làm đã tăng hơn 1,82 triệu người so với quý III-2021. Đây vừa là tin vui cho người lao động, vừa mở ra giai đoạn phục hồi, phát triển mới cho thị trường lao động trong năm 2022.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn có những diễn biến khó lường, để thị trường lao động phát triển ổn định, bền vững, nhiệm vụ quan trọng là các cấp, ngành, địa phương cũng như cộng đồng doanh nghiệp cần kiên trì thực hiện phương châm “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”. Đây là điều kiện tiên quyết để bảo đảm sản xuất, kinh doanh phát triển ổn định, không bị đứt gãy bởi dịch bệnh, từ đó tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động.
Cùng với đó là quan tâm đến việc đẩy mạnh kết nối cung - cầu lao động. Giải pháp này đòi hỏi các cơ quan chức năng cần thường xuyên phối hợp với các doanh nghiệp, khu công nghiệp - chế xuất, làng nghề để tổ chức các hội chợ việc làm; tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của các trung tâm giới thiệu việc làm…
Mặt khác, cần thường xuyên tổ chức rà soát, đánh giá thực trạng, từ đó có định hướng phát triển thị trường lao động. Công tác này đóng vai trò đặc biệt quan trọng, bởi đây là cơ sở để giúp công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm theo sát với nhu cầu thị trường lao động; đồng thời không để xảy ra “khủng hoảng thừa” lao động trong đào tạo nghề và giúp người học nghề dễ dàng tìm được việc làm.
Ở góc độ doanh nghiệp, ngoài việc đổi mới quản trị, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ mới nhằm tăng hiệu quả sản xuất, kinh doanh, cần tiếp tục bồi dưỡng nâng cao tay nghề gắn với chăm lo đời sống của người lao động. Qua đây, vừa giữ chân người lao động gắn bó lâu dài, vừa góp phần giúp chính doanh nghiệp có được đội ngũ nhân lực chất lượng, phục vụ phát triển sản xuất, kinh doanh.
Với đội ngũ người lao động, cùng với phát huy tốt công việc đang làm, sẵn sàng chia sẻ khó khăn với người sử dụng lao động, cần không ngừng học hỏi, nâng cao tay nghề để đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.
Trong bối cảnh dịch bệnh, sự chung tay quan tâm, chăm lo của các cấp, ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp sẽ giúp người lao động yên tâm làm việc, thúc đẩy thị trường lao động phát triển, góp phần hiện thực hóa mục tiêu lâu dài là phục hồi, phát triển kinh tế.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.