(HNM) - Giá trị văn hóa truyền thống là sự kết tinh những gì tốt đẹp nhất qua dòng chảy lịch sử của dân tộc để làm nên bản sắc riêng, truyền lại cho các thế hệ sau và theo thời gian sẽ được bổ sung các giá trị mới.
Kể từ sau Đại thắng mùa Xuân 1975, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước và sự tham gia tích cực của toàn thể nhân dân, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trong việc khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy giá trị văn hóa và sức mạnh con người Việt Nam trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình xây dựng văn hóa nước ta vẫn còn không ít hạn chế. Đó là văn hóa chưa được quan tâm, phát triển tương xứng với kinh tế, chưa thật sự trở thành nguồn lực nội sinh, động lực của sự phát triển bền vững đất nước. Môi trường văn hóa vẫn bị “ô nhiễm” bởi các tệ nạn xã hội, tham nhũng, tiêu cực. Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận đảng viên và người dân có chiều hướng gia tăng. Vẫn còn khoảng cách khá lớn trong hưởng thụ văn hóa giữa các vùng, miền, nhất là khu vực có đồng bào dân tộc thiểu số...
Chính vì vậy, muốn phát huy giá trị văn hóa, qua đó khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, chúng ta phải sớm khắc phục những hạn chế nêu trên. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã xác định: Tập trung khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, niềm tự hào, ý chí tự cường, lòng nhân ái, tinh thần đoàn kết, đồng thuận xã hội và khát vọng phát triển đất nước của toàn dân tộc. Xây dựng các cơ chế, chính sách phát huy tinh thần cống hiến vì đất nước của mọi người dân Việt Nam. Xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa giá trị truyền thống và giá trị hiện đại. Phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, môi trường văn hóa, đời sống văn hóa phong phú, đa dạng, văn minh, lành mạnh; vừa phát huy những giá trị tốt đẹp của dân tộc, vừa tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại để văn hóa thực sự là nền tảng tinh thần, nguồn lực nội sinh và động lực đột phá cho phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế.
Bên cạnh đó, muốn khơi thông nguồn lực phát triển kinh tế, chúng ta cần phải tiến hành đồng thời với đổi mới phương thức lãnh đạo văn hóa, đổi mới tư duy quản lý văn hóa dựa trên tư tưởng về quyền văn hóa và tinh thần xây dựng hệ thống hành chính công hiện đại. Nêu cao vai trò tiền phong gương mẫu của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, đội ngũ văn nghệ sĩ, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, góp phần hình thành và củng cố các giá trị tốt đẹp...
Mới đây, phát biểu chỉ đạo khai mạc Lễ hội Đền Hùng và Tuần văn hóa - du lịch đất Tổ năm 2023 với chủ đề “Linh thiêng nguồn cội - Đất Tổ Hùng Vương”, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã khẳng định, việc giữ gìn, xây dựng và phát triển hệ giá trị văn hóa dân tộc là vấn đề sống còn, như đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh trong thông điệp tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021: “Văn hóa còn thì dân tộc còn”.
Lịch sử dân tộc Việt Nam đã chứng minh, bề dày, truyền thống đã tạo nên sức mạnh to lớn, giúp dân tộc ta giành được những thắng lợi trong quá trình dựng nước và giữ nước. Bởi vậy, khi “văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc” như Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đề ra, chúng ta sẽ có được niềm tin, khát vọng lớn lao phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.