(HNM) - Sau sự việc thương tâm một trẻ tử vong trên xe đưa đón học sinh, dư luận bắt đầu quan tâm đến câu chuyện thế nào là một trường quốc tế? Sự quan tâm này bắt nguồn từ thực tế là không ít trường ở cả cấp tiểu học, trung học cơ sở, trong tên gọi có thêm hai chữ "quốc tế", nhưng thực sự thế nào là một trường quốc tế thì không mấy ai hiểu thấu đáo.
Trong khi theo các quy định pháp quy, hệ thống giáo dục được tổ chức theo loại hình công lập (do Nhà nước thành lập, đầu tư cơ sở vật chất, bảo đảm kinh phí chi thường xuyên…); dân lập (do cộng đồng dân cư thành lập, đầu tư cơ sở vật chất…) và tư thục (do tổ chức xã hội thành lập, đầu tư cơ sở vật chất, hoạt động bằng kinh phí ngoài ngân sách…), mà chưa có tiêu chuẩn cụ thể nào cho loại hình trường quốc tế.
Có lẽ vì vậy, nhiều trường tư thục hiện nay chỉ cần có yếu tố nước ngoài, như vốn đầu tư hay liên kết đào tạo… là gắn thêm hai chữ "quốc tế" trong tên gọi (không loại trừ cả việc lợi dụng tên "quốc tế" để quảng cáo không đúng với thực tế, thu học phí không đúng quy định…). Và cũng vì vậy, lâu nay không ít phụ huynh chỉ nghĩ đơn giản, đi kèm với một trường có tên "quốc tế" là chương trình học có yếu tố nước ngoài, có giáo viên người nước ngoài hoặc cơ sở vật chất, dịch vụ chất lượng cao hơn các trường công lập, dân lập, tư thục và sẵn sàng trả học phí cao cho con em theo học. Sự hiểu biết chưa thấu đáo này ảnh hưởng đến môi trường phát triển giáo dục, dẫn đến sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các nhà trường.
Thực tiễn đó đã đặt ra yêu cầu phải rà soát, kiểm tra những trường có yếu tố nước ngoài để không chỉ định danh chính xác, mà hơn hết là bảo đảm các trường hoạt động đúng cam kết khi đăng ký thành lập; bảo đảm chất lượng dạy và học, đồng thời tuân thủ quy định hiện hành.
Qua kiểm tra, rà soát, trước hết căn cứ quy định hiện hành, cơ quan quản lý cần chấn chỉnh, xử lý ngay vi phạm (nếu có) về thu chi, tuyển sinh, cơ sở trường lớp, nội dung chương trình, chất lượng giảng dạy, đội ngũ giáo viên, việc thực hiện các cam kết…, để bảo đảm quyền lợi cho phụ huynh, học sinh. Mặt khác, qua kiểm tra, rà soát, cơ quan chức năng sẽ có đánh giá chính xác về hiện trạng các trường có yếu tố nước ngoài nói chung, các trường có gắn tên "quốc tế" nói riêng, từ đó tham mưu, kiến nghị những giải pháp tăng cường công tác quản lý, cũng như bổ sung các quy định còn thiếu.
Chỉ khi có được quy định cụ thể thế nào là loại hình trường quốc tế (có thể tham khảo các tiêu chuẩn của thế giới về một trường quốc tế, như: Có cơ sở ở nhiều quốc gia khác nhau; sử dụng các ngôn ngữ quốc tế phổ biến; đào tạo theo chương trình được nhiều nước công nhận…) thì mới có được định danh chính xác cho các trường quốc tế, từ đó tăng cường công tác quản lý, ngăn chặn tình trạng lập lờ, lẫn lộn về tên gọi.
Khi hiểu rõ những điều kiện, tiêu chí của một trường mang danh quốc tế, các bậc phụ huynh - một trong những chủ thể quan trọng trong quá trình giáo dục, dạy và học của học sinh, sẽ tham gia giám sát cùng với cơ quan quản lý. Hơn ai hết, chính các bậc phụ huynh hiểu rõ về hoạt động của nhà trường. Đây sẽ là kênh thông tin quan trọng cho cơ quan quản lý về giáo dục, đào tạo.
Cùng với sự phát triển của kinh tế - xã hội, nhu cầu học tập của người dân cũng ngày càng đa dạng. Vì thế, sự hình thành mạng lưới các trường có yếu tố nước ngoài, trường quốc tế là xu thế phát triển chung, đòi hỏi phải có đầy đủ quy định quản lý, không chỉ ở việc đặt tên mà còn ở việc giám sát việc thực hiện dạy và học đúng theo quyết định thành lập và giấy phép hoạt động; bảo đảm quyền lợi chính đáng của học sinh, phụ huynh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.