Chính trị

Ủy viên chuyên trách Ủy ban Xã hội của Quốc hội Phạm Trọng Nghĩa: Bảo đảm cho Thủ đô chủ động thực hiện sứ mệnh

Tiến Thành thực hiện 27/11/2023 - 17:00

Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) vừa được Quốc hội thảo luận lần đầu tại kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XV với nhiều ý kiến đóng góp chất lượng, tâm huyết, đi thẳng vào các nội dung trọng tâm của dự thảo.

Dịp này, phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với Ủy viên chuyên trách Ủy ban Xã hội của Quốc hội Phạm Trọng Nghĩa (đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn) xung quanh nội dung trên.

phamtrongnghia.jpg
Ủy viên chuyên trách Ủy ban Xã hội của Quốc hội Phạm Trọng Nghĩa.

Bảo đảm tính linh hoạt, chủ động

- Bộ máy tổ chức và nhân lực là điều kiện để Thủ đô thực hiện nhiệm vụ được phân cấp, phân quyền trong dự thảo Luật. Quan điểm của ông về vấn đề này ra sao?

- Tôi cho rằng, trong quan hệ với Thủ đô, Quốc hội giao các chính sách đặc thù cùng nguồn lực, đặt yêu cầu và kiểm soát kết quả đầu ra, còn chính quyền Hà Nội sẽ chủ động tổ chức bộ máy, sắp xếp nhân lực thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao này. Nếu Luật can thiệp quá sâu sẽ khó bảo đảm tính linh hoạt, chủ động của Thủ đô trong thực hiện sứ mệnh của mình.

Với quan điểm đó, tôi cho rằng, đối với việc tổ chức chính quyền địa phương cần giao Hà Nội quyết định mô hình tổ chức cụ thể của cấp huyện, cấp xã. Theo đó, HĐND thành phố Hà Nội sẽ chủ động quyết định mô hình tổ chính quyền ở cấp huyện hay cấp xã thế nào, đơn vị cụ thể nào, ở cấp nào tổ chức cả HĐND, UBND, đơn vị nào, cấp nào chỉ tổ chức UBND; HĐND thành phố Hà Nội sẽ ban hành cơ chế và chịu trách nhiệm kiểm soát chính quyền cấp dưới.

Dự thảo Luật cần trao những quyền này cho HĐND thành phố Hà Nội, không nên chỉ giới hạn trong 2 thẩm quyền mới như tại dự thảo. Đồng thời, cho phép Thủ đô được áp dụng các điều kiện đặc thù về tiêu chí dân số và diện tích khi xác định địa giới các đơn vị hành chính cấp huyện, xã.

Đối với việc quản lý nhân lực, Hà Nội cần được giao tự xác định vị trí việc làm đặc thù của đô thị đặc biệt, quyết định số lượng biên chế cán bộ, công chức, viên chức cụ thể trong phạm vi tổng biên chế đã được cấp có thẩm quyền giao. Theo đó, Hà Nội được tăng thêm biên chế từ nguồn biên chế dự phòng của địa phương; quyết định mức thu nhập tăng thêm trong điều kiện nguồn lực của mình.

- Phát triển văn hóa là một trong những mục tiêu quan trọng để Luật Thủ đô (sửa đổi) thể chế hóa Nghị quyết số 15-NQ/TƯ, vấn đề này đã được quy định ra sao trong dự thảo Luật?

- Nghị quyết số 15-NQ/TƯ của Bộ Chính trị khóa XIII đề ra mục tiêu và tầm nhìn đến năm 2030 “Thủ đô Hà Nội là thành phố "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại". Nghị quyết số 30-NQ/TƯ của Bộ Chính trị khóa XIII về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 yêu cầu phát triển Thủ đô xứng tầm với truyền thống ngàn năm văn hiến Thăng Long - Hà Nội, thực sự là trung tâm hội tụ, kết tinh văn hóa của cả nước.

Tuy nhiên, ngoài cơ chế đặc thù cho phép áp dụng PPP trong lĩnh vực văn hóa, các quy định dự thảo Luật cơ bản kế thừa quy định của Luật hiện hành, thiên về phát triển "phần cứng", chưa có nhiều quy định thúc đẩy "phần mềm" của văn hóa. Vì vậy, phải nghiên cứu để xác định được nét riêng, nét đặc trưng của văn hóa Thủ đô. Từ đó, bổ sung các quy định về bảo tồn, xây dựng và phát triển văn hóa trong dự thảo Luật để Thủ đô ngày càng tự hào là “Chẳng thơm cũng thể hoa nhài/Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An”.

quangcanh.jpg
Quang cảnh phiên thảo luận về dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) sáng 27-11.

Đáp ứng yêu cầu "Hà Nội vì cả nước"

- Nghị quyết số 15-NQ/TƯ đề ra mục tiêu xây dựng Hà Nội trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước. Ông có đánh giá như thế nào về thể chế hóa các mục tiêu phát triển Vùng Thủ đô trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)?

- Nghiên cứu dự thảo Luật, tôi nhận thấy cơ quan soạn thảo đã dành Chương V quy định về liên kết, phát triển Vùng Thủ đô. Đây là các quy định mới, có nhiều đột phá so với Luật hiện hành. Tuy nhiên, theo Nghị quyết số 81/2023/QH15 của Quốc hội về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 thì mỗi vùng kinh tế - xã hội lại được xác định những động lực, nhiệm vụ phát triển có tính đặc thù.

Vùng Thủ đô gồm Hà Nội và 9 tỉnh; đan xen giữa 2 vùng kinh tế - xã hội. Trong đó, có 5/11 tỉnh của vùng Đồng bằng sông Hồng (Bắc Ninh, Hà Nam, Hải Dương, Hưng Yên, Vĩnh Phúc) và 4/14 tỉnh của vùng trung du miền núi phía Bắc (Bắc Giang, Hòa Bình, Phú Thọ, Thái Nguyên).

Tôi cho rằng, dự thảo Luật cần tiếp tục rà soát, bảo đảm việc xác định phạm vi Vùng Thủ đô và các cơ chế chính sách đặc thù trong Vùng Thủ đô phải được đặt trong tổng thể các mục tiêu, nhiệm vụ về phát triển kinh tế - xã hội của Vùng trung du và miền núi Bắc Bộ theo Nghị quyết số 11-NQ/TƯ, vùng Đồng bằng sông Hồng theo Nghị quyết số 30-NQ/TƯ cũng như trong Quy hoạch tổng thể quốc gia; bảo đảm các chính sách có sự tương hỗ; không chồng chéo, mâu thuẫn; không dàn trải để sử dụng hiệu quả nguồn lực.

Bên cạnh đó, cần bổ sung các quy định ưu tiên đầu tư phát triển đời sống đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn Thủ đô để đồng bào không bị bỏ lại phía sau trong sự phát triển.

- Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã cụ thể hóa trách nhiệm của thành phố Hà Nội đối với cả nước ra sao, thưa ông?

- Hiến pháp năm 2013 đã xác định, Thủ đô nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Hà Nội. Dự thảo Luật phải xác lập cơ sở pháp lý để Hà Nội thực hiện 2 sứ mệnh: Sứ mệnh là Thủ đô của Việt Nam, là trái tim của cả nước, là biểu tượng quốc gia trong quan hệ quốc tế và sứ mệnh là đô thị đặc biệt, là động lực phát triển cho vùng và đất nước. Dự thảo Luật đã được xây dựng theo 2 sứ mệnh nêu trên, trong đó, đã phân quyền mạnh từ Trung ương cho Hà Nội trong nhiều lĩnh vực theo phương châm "Cả nước vì Hà Nội".

Tôi nhất trí với nhiều quy định mang tính đột phá, đặc thù trong dự án Luật về nội dung này, nhất là quy định về: Thu hút, trọng dụng nhân tài; đầu tư phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD); thu hút nhà đầu tư chiến lược hay ưu đãi đầu tư.

Trong khi đó, ở chiều ngược lại, quy định về trách nhiệm của Thủ đô với chính quyền trung ương và với các địa phương khác còn khiêm tốn. Vì vậy, cơ quan soạn thảo cần tiếp tục rà soát, bổ sung để đáp ứng yêu cầu "Hà Nội vì cả nước".

Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Ủy viên chuyên trách Ủy ban Xã hội của Quốc hội Phạm Trọng Nghĩa: Bảo đảm cho Thủ đô chủ động thực hiện sứ mệnh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.