Xã hội

Đồng tình và mong muốn Luật Thủ đô (sửa đổi) sớm được ban hành

Minh Thúy - Thu Hằng 27/11/2023 14:10

Sáng nay (27-11), Quốc hội thảo luận tại hội trường về Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi). Với những ý kiến xác đáng, đầy đủ luận cứ, luận chứng, quan điểm, đề xuất của các đại biểu đã thu hút sự chú ý của các tầng lớp nhân dân thành phố Hà Nội.

Báo Hànộimới lược ghi một số ý kiến của bạn đọc về vấn đề này.

Thạc sĩ, Luật sư Hoàng Trọng Giáp - Công ty Luật TNHH Hoàng Sa (Đoàn Luật sư Hà Nội):
Vì mục tiêu tuyển dụng được người tài, đức, toàn tâm, toàn trí phục vụ sự phát triển của Thủ đô

ls-giap.jpg

Trọng dụng nhân tài là vấn đề không mới và luôn được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm. Vì thế, nội dung này được đưa vào Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) với quy định cụ thể tại Điều 17 về “Thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao” đã nhận được sự đồng thuận cao trong nhân dân.

Nội dung này đã được các đại biểu Quốc hội, chuyên gia, nhà làm luật đề cập trên nhiều khía cạnh, từ cơ chế đãi ngộ ra sao, môi trường làm việc thế nào để người tài gắn bó, phát huy thế mạnh và tự nguyện cống hiến; quy định phải mang tính khả thi, thực hiện được ngay trên thực tế... Qua thảo luận, đã có nhiều ý kiến tham vấn thiết thực, mang tính khả thi đóng góp cho Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).

Tôi rất đồng tình với việc cần trao quyền cho HĐND thành phố Hà Nội ban hành quy định cụ thể hơn các đối tượng cần thu hút, có sự phân loại rõ ràng để quy định về chế độ, chính sách phù hợp trong tuyển dụng, bổ nhiệm và đãi ngộ. Bằng những quy định đặc thù, đột phá về cơ chế, chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài, tôi tin đây sẽ là một trong những điều kiện quan trọng để Hà Nội tuyển dụng được người tài, đức, toàn tâm, toàn trí phục vụ sự phát triển của Thủ đô.

Phó Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai Phạm Quang Tuấn:
Nhiều quy định mới trong vấn đề tài chính - ngân sách được đưa vào luật

pham-quang-tuan.jpg

Không chỉ cá nhân tôi mà việc sửa đổi Luật Thủ đô lần này thu hút được sự quan tâm của đông đảo cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân thành phố Hà Nội.

Qua nghiên cứu, tôi tâm đắc nội dung Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) liên quan đến việc sửa đổi vấn đề tài chính - ngân sách. Theo đó, trong Dự thảo Luật, cùng với việc kế thừa các quy định của Luật Thủ đô năm 2012, các quy định khác liên quan đến tài chính - ngân sách, dự thảo đã có sự điều chỉnh, bổ sung so với các cơ chế thí điểm về tài chính, ngân sách đang được áp dụng tại Thủ đô. Đó là nội dung về mức vay nợ và bội chi ngân sách; về tiền thu từ đất.

Nếu quy định ngân sách thành phố được giữ lại tối đa các khoản thu tiền sử dụng đất, tiền cho thuê đất thuộc thẩm quyền quản lý của thành phố được thông qua, chắc chắn sẽ giúp Hà Nội và các quận, huyện, thị xã có thêm nguồn lực để đầu tư các dự án, nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm…

Ngoài ra, liên quan đến vấn đề tài chính - ngân sách cũng được Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) bổ sung thêm những quy định mới, đặc thù nhằm khắc phục những vướng mắc hiện nay của thành phố như: Quyết định nguồn vốn ngân sách lập các loại quy hoạch; thành phố được quyết định chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi ngân sách mới hoặc cao hơn của trung ương. Theo tôi, đây là những quy định phù hợp trong giai đoạn đẩy mạnh phân cấp, phân quyền như hiện nay, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Chủ tịch UBND xã Thượng Vực (huyện Chương Mỹ) Phạm Thị Thanh Huyền:
Mong muốn công tác đào tạo nghề lao động nông thôn đáp ứng được tình hình mới

chi-huyen.jpg

Luật Thủ đô năm 2012 không có quy định về phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân, nhưng Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã đề cập đến nội dung này. Điều đó phù hợp với Nghị quyết số 15-NQ/TƯ của Bộ Chính trị khóa XIII, định hướng phấn đấu đưa Hà Nội “trở thành địa phương đi đầu trong phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh, gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống dân tộc. Ưu tiên xây dựng vành đai xanh, bảo đảm môi trường sống. Chú trọng phát triển công nghệ giống, công nghệ bảo quản, chế biến sau thu hoạch, gắn với phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm, phát triển các sản phẩm làng nghề, nhất là các làng nghề truyền thống và các dịch vụ đặc trưng của Thủ đô”.

Những giải pháp nổi trội quy định tập trung tại Điều 33 và nhiều điều, khoản khác trong Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã thu hút sự chú ý của nhiều người dân, các chuyên gia hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Qua những giải pháp được đề cập cụ thể trong Dự thảo như: Giải pháp hỗ trợ thúc đẩy nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp; giải pháp khai thác hợp lý, hiệu quả nguồn lực từ đất đai cho phát triển nông nghiệp, nông thôn..., đã mở ra những cơ hội thúc đẩy nông nghiệp Thủ đô phát triển.

Với thực tiễn hiện nay, tôi mong muốn các quy định của Luật Thủ đô (sửa đổi) sẽ ban hành được những quy định bảo đảm tính khả thi trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đáp ứng tình hình mới, phù hợp với chuyển đổi cơ cấu ngành nghề, tương thích với những hình thái sản xuất mới, ứng dụng công nghệ cao...

Chủ tịch UBND xã Vĩnh Ngọc (huyện Đông Anh) Nguyễn Xuân Tưởng:
Xây dựng hệ thống y tế Thủ đô ngày càng phát triển

nguyen-xuan-huong.jpg

Nhằm nâng cao hơn nữa công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn thành phố, bảo đảm an sinh xã hội toàn diện, bền vững, Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã quy định một số chính sách đặc thù, góp phần thực hiện mục tiêu nâng cao năng lực, xây dựng hệ thống y tế Thủ đô ngày càng phát triển, hiện đại.

Cụ thể là quy định phát triển y học gia đình, cấp cứu ngoại viện, sử dụng nguồn quỹ bảo hiểm y tế. Theo tôi, đây là quy định mang tính đột phá so với các quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế hiện hành, tạo tiền đề quan trọng cho việc phát triển, khám, chữa bệnh y học gia đình. Đặc biệt, phát triển hệ thống mạng lưới cấp cứu ngoại viện cũng giúp bệnh nhân, nhất là khu vực ngoại thành được chăm sóc y tế kịp thời khi mà nhiều bệnh viện tại Thủ đô đang trong tình trạng quá tải như hiện nay.

Bên cạnh đó, dự thảo cũng quy định các chính sách về an sinh xã hội, phúc lợi xã hội; hỗ trợ đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo; hỗ trợ học nghề… Đây đều là những nội dung mới so với quy định tại Luật Thủ đô năm 2012 theo hướng tăng thẩm quyền cho HĐND thành phố khi quy định các chính sách hỗ trợ, mở rộng về phạm vi, đối tượng, nội dung, mức chi so với các chính sách chung hiện hành được các đại biểu và cử tri quan tâm. Mong rằng, những quy định mới sẽ được các đại biểu Quốc hội thảo luận và thông qua sẽ giúp người thụ hưởng ngày càng nâng cao chất lượng cuộc sống.

Phó Chủ tịch UBND xã Phù Đổng (huyện Gia Lâm) Nguyễn Văn Tài:
Cơ bản đồng tình với các nội dung trong dự thảo

nguyen-van-tai.jpg

Qua theo dõi phiên thảo luận về Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) diễn ra sáng 27-11 qua báo chí, cho thấy, hầu hết các đại biểu cơ bản đồng tình với các nội dung trong dự thảo. Đồng thời khẳng định, dự thảo được chuẩn bị công phu, nghiêm túc.

Tôi tâm đắc với thảo luận của các đại biểu liên quan đến lĩnh vực văn hóa, đây là một trong 9 nhóm chính sách đã được xây dựng đưa vào Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) lần này.

Như chúng ta đã biết, Hà Nội là một trong những địa phương đi đầu trong phát triển công nghiệp văn hóa, cũng là địa phương duy nhất xây dựng nghị quyết về phát triển công nghiệp văn hóa, đó là Nghị quyết số 09-NQ/TU của Thành ủy Hà Nội về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô, giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, song theo các chuyên gia, phát triển công nghiệp văn hóa ở Thủ đô vẫn chưa xứng với tiềm năng.

Do đó, khi dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đề xuất những định hướng mang tính chiến lược cho phát triển công nghiệp văn hóa, được cử tri kỳ vọng sẽ tạo thêm hành lang, nguồn lực để Hà Nội phát triển công nghiệp văn hóa. Tại Điều 23 dự thảo, có các quy định cho các khu vực phát triển văn hóa cho Thủ đô; ưu đãi các dự án đầu tư mới vào các ngành điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm, du lịch văn hóa; quy định đặc thù như thành lập Quỹ Bảo tồn di sản và phát triển văn hóa Thủ đô.

Tôi tin rằng, với những quy định mới bám sát thực tiễn đời sống văn hóa được thông qua, sẽ tạo thêm nguồn lực để công nghiệp văn hóa Hà Nội phát triển xứng tầm thời gian tới.

Bà Hoàng Thị Hoa, phường Đồng Tâm, quận Hai Bà Trưng:
Việc di dời các cơ sở, đơn vị trong khu vực đô thị trung tâm sớm được triển khai

ba-hoang-thi-hoa.jpg

Theo dõi trên báo, đài, tôi được biết, qua gần 10 năm thi hành Luật Thủ đô 2012, việc thực hiện một số mục tiêu, giải pháp, quy định trong lĩnh vực quy hoạch của Luật còn nhiều tồn tại, hạn chế, thiếu quy định trong một số lĩnh vực... Vì thế, trong số những vấn đề được đặt ra tại Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), tôi đặc biệt chú ý đến việc di dời các cơ sở, đơn vị trong khu vực nội đô lịch sử và khu vực đô thị trung tâm (Khoản 1 và Khoản 2 Điều 20).

So với Luật Thủ đô năm 2012, các quy định này kế thừa và có sự điều chỉnh so với quy định cũ, nhằm hạn chế mở rộng diện tích sử dụng đất của các bệnh viện hiện có, không mở rộng xây mới các cơ sở sản xuất công nghiệp, cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng, nghề nghiệp… trong khu vực nội đô lịch sử. Thực tế, việc này đã được nhắc đến rất nhiều, kéo dài đã rất nhiều năm, nhưng việc triển khai chậm, kết quả chưa như mong muốn. Vì thế, việc quy định cụ thể sau khi di dời, các quỹ đất này được ưu tiên để xây dựng công trình công cộng, phúc lợi xã hội và bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa (Khoản 3 Điều 20), đã đáp ứng được mong mỏi của hầu hết các tầng lớp nhân dân.

Với ý nghĩa ấy, các đại biểu Quốc hội trong phiên thảo luận đã đánh giá khách quan và thảo luận cặn kẽ, toàn diện. Đây là cơ sở để Luật Thủ đô (sửa đổi) ra đời với những quy định mang tính khả thi cao, vì quyền lợi của người dân Thủ đô.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đồng tình và mong muốn Luật Thủ đô (sửa đổi) sớm được ban hành

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.