Y tế

Miễn viện phí toàn dân: Thông điệp mạnh mẽ về một nền y tế nhân văn, công bằng và vì dân

Thu Trang thực hiện 05/07/2025 19:00

Chủ trương miễn viện phí toàn dân do Tổng Bí thư Tô Lâm khởi xướng không chỉ là định hướng chính sách, mà còn là thông điệp mạnh mẽ về một nền y tế nhân văn, công bằng và vì người dân.

Trong cuộc trò chuyện với phóng viên Báo Hànộimới, PGS.TS Đào Xuân Cơ - Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai - đã chia sẻ những góc nhìn sâu sắc về lộ trình hiện thực hóa chủ trương này, cùng với những trăn trở và kỳ vọng của một người đã dành gần ba thập kỷ gắn bó với ngành y.

dao-xuan-co.jpg
PGS.TS Đào Xuân Cơ.

Phù hợp với thực tiễn và có tính khả thi cao

- Thưa PGS.TS Đào Xuân Cơ, thời gian gần đây, dư luận rất quan tâm đến phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm về chủ trương miễn viện phí cho toàn dân. Là người đứng đầu một trong những bệnh viện lớn nhất cả nước, ông cảm nhận thế nào về chủ trương này?

- Tôi nghĩ không chỉ cá nhân tôi mà toàn ngành y đều rất xúc động và đồng tình sâu sắc với chủ trương này. Miễn viện phí toàn dân không chỉ là một chính sách về y tế, mà còn là một thông điệp nhân văn, có tính cách mạng, thể hiện rõ định hướng vì con người của Đảng và Nhà nước ta. Với một người đã gắn bó gần 30 năm với ngành y như tôi - từng chứng kiến không ít trường hợp bệnh nhân rơi vào cảnh khánh kiệt sau một đợt điều trị - thì chủ trương miễn viện phí thực sự là một bước tiến lớn trong sự nghiệp chăm sóc sức khỏe toàn dân. Đây không chỉ là chính sách hỗ trợ người bệnh, mà còn thể hiện khát vọng xây dựng một đất nước phát triển công bằng, bền vững và đặt lợi ích của nhân dân lên hàng đầu.

- Như chia sẻ của ông, đây không chỉ là một tuyên bố mà là một bước ngoặt thực sự trong tư duy phát triển?

- Chính xác! Đây là một sự chuyển hướng rất căn cơ, từ mô hình điều trị bệnh mang tính bị động sang mô hình chủ động phòng bệnh. Khi việc miễn viện phí được triển khai song hành với khám sức khỏe định kỳ hằng năm cho người dân, chúng ta sẽ có điều kiện phát hiện bệnh sớm, can thiệp sớm, từ đó giảm đáng kể chi phí điều trị và gánh nặng y tế, không chỉ cho người dân mà còn cho toàn hệ thống y tế. Chính điều này sẽ mang lại cho mỗi người dân, mỗi cộng đồng một nền tảng sức khỏe tốt, cả về thể chất lẫn tinh thần. Và đó chính là nền tảng vững chắc để xây dựng một dân tộc khỏe mạnh, một đất nước phát triển bền vững.

- Tổng Bí thư Tô Lâm cũng nhấn mạnh đến lộ trình cụ thể cho chủ trương này. Theo ông, chúng ta có thể hiện thực hóa điều đó như thế nào?

- Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ đạo rất rõ, trước mắt, cần tập trung thực hiện miễn viện phí cho các nhóm đối tượng yếu thế, bao gồm người nghèo, người có công, trẻ em và người cao tuổi. Đây là bước đi hợp lý, phù hợp với thực tiễn và có tính khả thi cao.

Tiếp theo, từ năm 2026, chương trình khám sức khỏe định kỳ hằng năm cho toàn dân sẽ được triển khai. Và trong giai đoạn từ năm 2030 - 2035, chúng ta đặt mục tiêu tiến tới miễn viện phí toàn dân.

Tuy nhiên, để hiện thực hóa được lộ trình này, không thể chỉ riêng ngành y tế nỗ lực mà đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, các cấp chính quyền và sự chung tay của toàn xã hội.

- Nhưng để làm được điều đó, nguồn lực chắc chắn là bài toán lớn nhất. Vậy chúng ta cần huy động tài chính từ đâu, thưa ông?

- Đây là bài toán khó nhưng hoàn toàn có lời giải. Cá nhân tôi cho rằng, có ba nguồn lực chính chúng ta cần tập trung. Thứ nhất là bảo hiểm y tế. Chúng ta phải đẩy mạnh bảo hiểm y tế toàn dân, không chỉ về mặt số lượng người tham gia mà còn nâng cao chất lượng dịch vụ, đa dạng hóa loại hình bảo hiểm. Thứ hai là ngân sách Nhà nước. Nhà nước cần đầu tư trọng điểm vào những khu vực khó khăn, vùng sâu, vùng xa và hệ thống y tế chuyên sâu. Cuối cùng là xã hội hóa. Đây là nguồn lực rất lớn nhưng chưa được khai thác triệt để. Chúng ta cần có cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm, các quỹ xã hội cùng tham gia đầu tư vào y tế, tương tự mô hình bệnh viện phi lợi nhuận ở nhiều quốc gia phát triển. Nếu cả ba nguồn lực này được kết hợp hiệu quả, cùng với đà tăng trưởng kinh tế hiện nay, tôi tin rằng mục tiêu miễn viện phí toàn dân vào năm 2030 - 2035 là hoàn toàn khả thi.

“Chúng ta đang chứng kiến sự chuyển mình lớn trong y tế”

- Là một đơn vị y tế tuyến cuối, bệnh viện đa khoa hạng đặc biệt trọng yếu của cả nước, Bệnh viện Bạch Mai đã có chiến lược gì để hưởng ứng chủ trương này?

- Chúng tôi đã xác định rất rõ vai trò và trách nhiệm của mình trong giai đoạn sắp tới. Bệnh viện Bạch Mai đang định hướng trở thành trung tâm y học chuyên sâu hàng đầu cả nước, và xa hơn nữa là vươn tầm khu vực, quốc tế. Chiến lược phát triển của Bệnh viện tập trung vào ba trụ cột chính. Thứ nhất, tiếp nhận và điều trị các ca bệnh nặng, bệnh hiếm và bệnh khó. Thứ hai, đào tạo nguồn nhân lực y tế chất lượng cao, không chỉ cho Bệnh viện Bạch Mai mà còn đào tạo, chuyển giao kỹ thuật cho các bệnh viện tuyến tỉnh, cơ sở y tế tuyến xã - điều này cực kỳ quan trọng trong việc củng cố hệ thống y tế cơ sở. Thứ ba, đẩy mạnh nghiên cứu y học chuyên sâu. Chúng tôi chú trọng ứng dụng công nghệ mới, phát triển kỹ thuật hiện đại, đóng góp vào việc nâng tầm nền y học Việt Nam.

- Như ông đề cập, để hiện thực hóa chủ trương miễn viện phí kết hợp với việc khám sức khỏe định kỳ hay chăm sóc bệnh nhân tại địa phương thì tuyến y tế cơ sở phải mạnh. Ông có thể chia sẻ thêm về giải pháp cho vấn đề này?

- Muốn y tế đến gần dân, tuyến cơ sở phải được củng cố toàn diện. Ở đây tôi thấy có ba vấn đề cần thay đổi. Trước hết là chiến lược đào tạo. Chúng ta không thể mãi tuyển sinh dựa vào điểm cao, rồi kỳ vọng bác sĩ sau khi học xong sẽ về địa phương. Thay vào đó, chúng ta phải thay đổi cách làm, chọn người địa phương, đào tạo tại chỗ hoặc theo chương trình đặc thù rồi đưa họ về phục vụ chính quê hương mình. Thứ hai là chính sách đãi ngộ. Bác sĩ tuyến y tế cơ sở phải có thu nhập và môi trường làm việc đủ tốt để họ yên tâm công tác, gắn bó lâu dài. Không thể để họ làm việc thiếu thốn đủ bề mà kỳ vọng chất lượng cao được. Vấn đề thứ ba là chuyển đổi số. Chúng ta cần xây dựng hồ sơ sức khỏe điện tử, bệnh án điện tử liên thông, khám chữa bệnh từ xa, kết nối từ xã lên tỉnh, trung ương. Khi đó, tuyến dưới có thể kết nối với bác sĩ tuyến trên để hội chẩn, khám, chữa bệnh từ xa. Người dân ở xã vẫn được hưởng dịch vụ khám, chữa bệnh chất lượng. Khi y tế cơ sở mạnh lên, người dân sẽ được chăm sóc ban đầu tốt hơn, phòng bệnh tốt hơn và hệ thống y tế sẽ được giảm tải đáng kể, nhất là ở những bệnh viện tuyến trung ương.

- Là người làm chuyên môn lẫn quản lý, ông có cảm xúc gì khi chứng kiến đất nước từng bước tiến tới một mô hình y tế không còn rào cản tài chính cho người dân?

- Tôi thực sự rất xúc động. Có những đêm trực, tôi từng chứng kiến người bệnh từ vùng cao về nhập viện trong tình trạng nguy kịch mà cả nhà họ chỉ còn vài trăm nghìn đồng trong túi. Nhiều người phải vay nợ, bán đất để chữa bệnh. Có những trường hợp vừa thoát nghèo lại tái nghèo chỉ vì một cơn bạo bệnh... Vì vậy, khi Tổng Bí thư nói về miễn viện phí, khám sức khỏe định kỳ, chăm sóc sức khỏe cho toàn dân, tôi không thấy đó là một khẩu hiệu mà là một tầm nhìn chiến lược nhân văn, đầy tính thực tiễn. Chúng ta đang chứng kiến sự chuyển mình lớn trong y tế, từ chữa bệnh sang chăm sóc sức khỏe toàn diện, từ bị động sang chủ động, từ “đi viện vì bệnh nặng” sang “không bị bệnh”. Tôi rất kỳ vọng và sẵn sàng cùng ngành y tế thực hiện bằng tất cả tâm huyết của mình.

- Xin chân thành cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Miễn viện phí toàn dân: Thông điệp mạnh mẽ về một nền y tế nhân văn, công bằng và vì dân

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.