Khoa học - Công nghệ

Sàn Giao dịch công nghệ Hà Nội:Thiết chế trung gian thúc đẩy thị trường đổi mới sáng tạo

Thu Hằng 05/07/2025 13:35

Thành phố đang tập trung xây dựng Sàn Giao dịch công nghệ Hà Nội như một thiết chế hạ tầng trọng yếu trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo.

Đây không chỉ là nơi kết nối cung - cầu về công nghệ, mà còn đóng vai trò nền tảng cho thương mại hóa tài sản trí tuệ, thúc đẩy thị trường khoa học và công nghệ phát triển thực chất, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của Thủ đô.

cong-nghe.jpg
Giới thiệu mô hình xử lý nước thải theo hướng thu hồi và tái tạo tài nguyên có trong nước thải tại Triển lãm chào mừng Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam (18-5).

Hai hình thức hoạt động

Khoa học và công nghệ ngày càng trở thành động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Tuy nhiên, thực tiễn tại Hà Nội cho thấy, dù sở hữu tiềm lực nghiên cứu và phát triển lớn từ các trường đại học, viện nghiên cứu cùng đội ngũ chuyên gia đông đảo, nhưng thị trường khoa học và công nghệ Thủ đô vẫn chưa phát triển như kỳ vọng. Bên cung công nghệ khó tìm đầu ra; trong khi bên cầu - nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa - lại thiếu thông tin, thiếu kênh tiếp cận hiệu quả với công nghệ phù hợp.

Để giải quyết “điểm nghẽn” này, việc hình thành một thiết chế trung gian có khả năng kết nối, môi giới, thẩm định, xúc tiến và hỗ trợ giao dịch công nghệ là yêu cầu cấp thiết. Sàn Giao dịch công nghệ thành phố Hà Nội ra đời nhằm đáp ứng đúng nhu cầu đó. Không chỉ là nơi trưng bày sản phẩm công nghệ, Sàn còn là trung tâm dữ liệu lớn, tích hợp nền tảng số và công nghệ hiện đại, giúp hình thành văn hóa giao dịch công nghệ - điều kiện tiên quyết để thị trường vận hành thực chất và minh bạch.

Chương trình số 07-CTr/TU ngày 17-3-2021 của Thành ủy Hà Nội về “Đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025” đã xác định một trong những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, là xây dựng Sàn Giao dịch công nghệ Hà Nội, tiến tới là Sàn Giao dịch công nghệ quốc gia kết nối liên thông với các trung tâm công nghệ lớn của thế giới.

Ngày 28-4-2022, UBND thành phố ban hành Quyết định số 1442/QĐ-UBND phê duyệt Đề án “Xây dựng và vận hành Sàn Giao dịch công nghệ Hà Nội” (Đề án 1442). Từ đó đến nay, dự án luôn nằm trong nhóm ưu tiên của thành phố, liên tục được điều chỉnh, cập nhật để phù hợp với bối cảnh thực tế và tiến độ chung của Chương trình phát triển thị trường khoa học và công nghệ quốc gia đến năm 2030.

Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội Nguyễn Việt Hùng cho biết, Sàn Giao dịch công nghệ Hà Nội được thiết kế với hai hình thức hoạt động. Sàn vật lý tại tòa nhà Trung tâm Giao dịch công nghệ thường xuyên Hà Nội (Khu liên cơ Võ Chí Công - số 258 đường Võ Chí Công) và Sàn trực tuyến tích hợp nền tảng số. Mục tiêu đến năm 2030 là xây dựng nơi đây thành đầu mối kết nối các viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp và quỹ đầu tư trong nước và quốc tế; niêm yết tối thiểu 30.000 thông tin công nghệ trong 5 năm đầu; hỗ trợ thực hiện ít nhất 1.000 giao dịch chuyển giao công nghệ, thiết bị thành công vào năm thứ 5; kết nối ít nhất 20 quỹ đầu tư trong nước, quốc tế vào năm thứ 3 vận hành…

Cần sự đồng hành của doanh nghiệp và chuyên gia

Theo đề án, mô hình vận hành của Sàn Giao dịch công nghệ Hà Nội là hợp tác công - tư. Thành phố sẽ góp vốn bằng hạ tầng (trụ sở, mặt bằng), còn doanh nghiệp tư nhân đóng góp nền tảng công nghệ, nhân lực, vận hành và các dịch vụ chuyên môn. Sau giai đoạn hợp tác ban đầu bằng hợp đồng kinh doanh (BCC), Sàn sẽ được chuyển thành công ty cổ phần, trong đó Nhà nước nắm giữ tối đa 49% vốn điều lệ.

Đến nay, Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội đã khảo sát 21 mô hình sàn giao dịch trên cả nước, đồng thời xây dựng dự thảo Nghị quyết của HĐND thành phố và Quyết định của UBND thành phố để phê duyệt điều chỉnh đề án - một bước đi nhằm nâng cấp Sàn từ thiết chế đơn vị sự nghiệp cấp Sở thành thiết chế cấp thành phố, đóng vai trò nòng cốt trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo Thủ đô.

Tại hội nghị gặp gỡ các nhà đầu tư chiến lược ngày 20-6 vừa qua, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Lê Hồng Sơn nhấn mạnh, cùng với Trung tâm đổi mới sáng tạo, Quỹ đầu tư mạo hiểm và Vườn ươm doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, Sàn Giao dịch công nghệ là một trong 4 thiết chế nền tảng mà thành phố đang ưu tiên xây dựng, nhằm thúc đẩy phát triển thị trường đổi mới sáng tạo thực chất, vươn tầm khu vực.

Tuy nhiên, để hiện thực hóa mục tiêu trên, rất cần sự tham gia tích cực của cộng đồng doanh nghiệp, giới chuyên gia, các tổ chức khoa học và công nghệ. Trong dự thảo Nghị quyết “Quy định cơ chế, chính sách phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo về khoa học và công nghệ thành phố Hà Nội” trình HĐND thành phố, đối với Sàn Giao dịch công nghệ Hà Nội, thành phố đã đề xuất một loạt cơ chế khuyến khích: Miễn hoặc giảm tiền thuê mặt bằng trong 3-5 năm đầu, hỗ trợ tối đa 50% chi phí vận hành trong 3 năm đầu, miễn 100% phí giao dịch lần đầu cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, giảm 50% phí giao dịch cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong 5 năm đầu hoạt động…

Đặc biệt, thành phố cũng kỳ vọng sự đồng hành của các tập đoàn công nghệ, trường viện và chuyên gia công nghệ số trong việc hoàn thiện nền tảng giao dịch trực tuyến - thành phần then chốt quyết định tính hiện đại, khả năng liên thông xuyên biên giới và hiệu quả thương mại hóa công nghệ của Sàn.

Dự kiến, toàn bộ thủ tục pháp lý sẽ được hoàn tất trong năm 2025 để có thể khởi công xây dựng và đưa Sàn Giao dịch công nghệ Hà Nội vào vận hành trong giai đoạn 2026-2027.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Sàn Giao dịch công nghệ Hà Nội: Thiết chế trung gian thúc đẩy thị trường đổi mới sáng tạo

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.