Chính trị

Quốc hội đồng tình với sự cần thiết và nhiều nội dung sửa đổi Luật Thủ đô

Tiến Thành 27/11/2023 - 13:16

Sáng 27-11, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ sáu, Quốc hội thảo luận tại hội trường dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi). Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì; Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp.

luatthudo2.jpg
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì phiên họp.

Đồng tình, nhất trí cao với một số vấn đề sửa đổi Luật

Thảo luận tại hội trường, các đại biểu Quốc hội bày tỏ đồng tình, nhất trí cao với sự cần thiết sửa đổi Luật Thủ đô trên cơ sở chính trị, pháp lý và cơ sở thực tiễn thi hành Luật Thủ đô nhằm thể chế hóa đầy đủ các chủ trương lớn của Đảng có liên quan, đặc biệt là Nghị quyết 15-NQ/TƯ về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

luatthudo.jpg
Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội tham dự phiên họp.

Các đại biểu Quốc hội cũng nhận định, việc sửa đổi Luật Thủ đô sẽ khắc phục những tồn tại, hạn chế trong 9 năm thi hành Luật; trong việc xây dựng, quản lý, thực hiện quy hoạch, quản lý, sử dụng đất, cơ chế tài chính, chính sách liên vùng, quản lý dân cư, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, phát triển an sinh xã hội, giáo dục, khoa học công nghệ, môi trường, tạo cơ chế đột phá, huy động mọi nguồn lực, khai thác hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh sẵn có của Thủ đô.

Từ đó, thúc đẩy kinh tế - xã hội, tiếp tục phát triển nhanh, bền vững, đưa Thủ đô trở thành trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ lớn, có sức cạnh tranh cao với khu vực và thế giới, là động lực phát triển của vùng và cả nước.

nguyenquocluan.jpg
Đại biểu Nguyễn Quốc Luận (Đoàn Yên Bái) thảo luận.

Qúa trình thảo luận tại hội trường, một trong những quy định trong dự thảo Luật nhận được sự đồng tình cao của đại biểu Quốc hội là quy định tăng số lượng đại biểu HDND thành phố và tăng tỷ lệ đại biểu chuyên trách.

Đại biểu Nguyễn Quốc Luận (Đoàn Yên Bái) nhận định, khi không còn HĐND phường và có thể là HĐND quận thì vai trò, trách nhiệm trong việc thẩm tra, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng sẽ do HĐND thành phố đảm nhiệm. Do vậy, việc tăng số lượng đại biểu HĐND thành phố là hợp lý.

Bên cạnh đó, các đại biểu Quốc hội cho rằng trong dự thảo đang đề nghị tăng tỷ lệ đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách lên ít nhất 25% là chưa tương ứng với số lượng nhiệm vụ, quyền hạn được tăng thêm của HĐND thành phố Hà Nội. Cơ quan soạn thảo cần xem xét nâng tỷ lệ đại biểu HĐND thành phố hoạt động chuyên trách có thể lên ít nhất là 30 hoặc 40% như đối với đại biểu Quốc hội để bảo đảm hiệu quả hoạt động của HĐND thành phố; bên cạnh đó, có quy định đổi mới, cải tiến phương thức hoạt động của HĐND thành phố.

trinhxuanan.jpg
Đại biểu Trịnh Xuân An (Đoàn Đồng Nai) phát biểu.

Tăng cường phân cấp, phân quyền cho Thủ đô

Các đại biểu Quốc hội cũng tập trung cho ý kiến thảo luận về một số quy định phân cấp, phân quyền trong dự thảo Luật. Về quy định giao Thường trực HĐND thành phố Hà Nội một số thẩm quyền quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án đầu tư công nhóm B, nhóm C, đại biểu Trịnh Xuân An (Đoàn Đồng Nai) cho rằng, theo quy định tại dự thảo Luật, khi quyết định chủ trương điều chỉnh này thì Thường trực HĐND phải báo cáo HĐND tại kỳ họp gần nhất, như vậy là tôn trọng ý kiến của HĐND trong quyết định của mình.

Bên cạnh đó, đại biểu Trịnh Xuân An cho rằng, việc giao thẩm quyền này cho Thường trực HĐND là hợp lý, nhất là trong bối cảnh Hà Nội đang triển khai nhiều nhiệm vụ, đa phần là các dự án nhỏ thì việc đợi đến kỳ họp của HĐND là không cần thiết. “Điều chỉnh về thời gian, tiến độ, về giá... cần được thực hiện nhanh chóng, do đó, Thường trực HĐND quyết định rồi báo cáo HĐND là hợp lý”, đại biểu nói.

duongkhacmai.jpg
Đại biểu Dương Khắc Mai (Đoàn Đắk Nông) thảo luận.

Đại biểu Dương Khắc Mai (Đoàn Đắk Nông) nhận định, việc phân quyền cho HĐND thành phố được quyết định thành lập, tổ chức lại, giải thể các cơ quan chuyên môn đặc thù, tổ chức hành chính đặc thù thuộc UBND thành phố Hà Nội, quận, huyện, thị xã sẽ tạo sự chủ động, linh hoạt, đáp ứng yêu cầu kịp thời trong công tác quản lý nhà nước hiện nay. Tuy nhiên, cũng cần nghiên cứu quy định thêm một số điều kiện, yêu cầu đặt ra để đảm bảo sự thận trọng, chặt chẽ hơn đối với việc thành lập các cơ quan mới này.

Để quy định về việc thu hút, trọng dụng nhân tài, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của Thủ đô có tính khả thi hơn, đại biểu đề nghị trao quyền cho HĐND thành phố ban hành các văn bản quy định cụ thể hơn với các đối tượng cần thu hút, có sự phân loại các đối tượng một cách rõ ràng, từ đó có quy định về chế độ, chính sách cho phù hợp trong việc tuyển dụng, bổ nhiệm và đãi ngộ, giữ chân được người tài đóng góp cho sự phát triển của Thủ đô.

Đại biểu Tạ Văn Hạ (Đoàn Quảng Nam) cũng cho rằng cần tăng cường phân cấp, phân quyền, tăng tính tự chủ, tự quyết cho chính quyền thành phố để thực hiện cải cách bộ máy, thủ tục hành chính. Bên cạnh đó, làm rõ trách nhiệm trực tiếp gắn với thẩm quyền, trách nhiệm giải trình trước Đảng, Nhà nước, nhân dân; tăng cường hiệu lực hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra…

Các đại biểu Quốc hội cũng quan tâm, thảo luận về các quy định liên quan đến phát triển công nghiệp văn hóa, y tế, giáo dục - đào tạo; quy hoạch và lộ trình quy hoạch Thủ đô, vùng Thủ đô; hỗ trợ phát triển khoa học công nghệ, phát triển đô thị theo hướng giao thông công cộng (TOD)…

luatthudo1.jpg
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long giải trình, làm rõ thêm một số nội dung đại biểu Quốc hội nêu.

Xây dựng các cơ chế đặc thù cho Thủ đô của cả nước

Phát biểu giải trình, làm rõ thêm một số nội dung đại biểu Quốc hội nêu tại phiên thảo luận về dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, các ý kiến của đại biểu Quốc hội đều thống nhất cao với sự cần thiết ban hành Luật Thủ đô (sửa đổi).

“Luật này có cơ sở chính trị, pháp lý và thực tiễn rất rõ ràng và có tính thuyết phục. Chúng ta cần thống nhất xây dựng các cơ chế đặc thù cho Thủ đô của cả nước, chứ không phải riêng cho thành phố Hà Nội. Và nếu chúng ta xây dựng được các cơ chế để Thủ đô phát triển, Thủ đô sẽ tiếp tục làm đầu tàu trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, văn hóa của cả nước”, Bộ trưởng Bộ Tư pháp nhấn mạnh.

Các đại biểu cũng cơ bản nhất trí với các chính sách đặc thù được thiết kế trong dự thảo Luật. Trước một số ý kiến đề nghị làm rõ thêm một số nội dung, Bộ trưởng Bộ Tư pháp ghi nhận và sẽ nghiên cứu, tiếp thu, giải trình ý kiến của các đại biểu, cùng với thành phố Hà Nội báo cáo Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục hoàn chỉnh dự án Luật để trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến thông qua tại kỳ họp sau.

luatthudo3.jpg
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định kết luận phiên thảo luận.

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, qua thảo luận, có 26 đại biểu Quốc hội phát biểu, 6 đại biểu tranh luận. Các ý kiến thảo luận sôi nổi, trách nhiệm, thẳng thắng, trí tuệ, tâm huyết về nhiều nội dung bao quát quan trọng của dự thảo luật, vừa thể hiện tính toàn diện, vừa cụ thể, chi tiết, gắn với các điều khoản quy định tại dự thảo Luật Thủ đô.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, đối với Luật Thủ đô, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ phối hợp với Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chủ trì thẩm tra, phối hợp chặt chẽ với cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan có liên quan nghiêm túc nghiên cứu kỹ lưỡng, đầy đủ, tiếp thu, giải trình thấu đáo ý kiến của các đại biểu Quốc hội; tổ chức thêm việc lấy ý kiến các cơ quan chuyên môn, các chuyên gia, nhà quản lý, các hiệp hội; tổ chức các hội nghị, tọa đàm... để tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện dự thảo luật; tổ chức hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách để cho ý kiến đối với dự thảo luật trước khi hoàn thiện trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp thứ bảy.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quốc hội đồng tình với sự cần thiết và nhiều nội dung sửa đổi Luật Thủ đô

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.