(HNM) - Bên hành lang Quốc hội (QH) ngày 10-11, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH Nguyễn Văn Phúc đã chia sẻ với báo chí xoay quanh chuyện sẽ bỏ con dấu doanh nghiệp (DN) quy định tại dự thảo Luật DN (sửa đổi).
Ông Nguyễn Văn Phúc, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội. Nguồn: Internet |
- Dự thảo Luật DN (sửa đổi) bỏ quy định bắt buộc DN phải sử dụng con dấu trong một số trường hợp. Ông nhận xét thế nào về thay đổi này?
- Việc bỏ con dấu đã được các nước trên thế giới thực hiện từ lâu do có thể bị làm giả một cách dễ dàng. Tôi ủng hộ chủ trương của Ban soạn thảo và cho rằng phải cải cách mạnh mẽ hơn nữa về con dấu, vì thực tế vừa qua con dấu gây không ít phiền hà cho DN. Tuy nhiên, với những trường hợp vẫn sử dụng con dấu, DN phải được quyền quyết định hình thức, nội dung của con dấu và trách nhiệm của DN là phải đăng ký với cơ quan đăng ký kinh doanh. Nếu sau này xảy ra trường hợp con dấu giả thì sẽ căn cứ vào đăng ký này để điều tra. Lúc đó mẫu con dấu sẽ được công khai.
- Vậy, trường hợp nào DN sẽ không phải sử dụng con dấu?
- Phải rất linh hoạt. Nếu trong giao dịch, đối tác không yêu cầu sử dụng con dấu, thay vào đó chỉ cần chữ ký của người lãnh đạo thì DN không cần sử dụng con dấu. Nhưng trong một vài trường hợp cụ thể, Chính phủ quy định cần xác nhận tính xác thực của DN, thì phải ký và sử dụng con dấu. Ví dụ, cơ quan nhà nước đến DN và yêu cầu cung cấp thông tin về nhân sự nào đó chẳng hạn, thì có thể sẽ phải sử dụng con dấu. Và những trường hợp này thì Chính phủ quy định.
- Vậy theo ông, khi nào sẽ áp dụng quy định bỏ con dấu cho DN?
- Như tôi đã nói, đây là động thái "cởi trói" thủ tục hành chính mạnh mẽ cho DN nên phải áp dụng ngay khi có điều kiện, càng sớm càng tốt. Khi chúng tôi làm việc với các tổ chức quốc tế như Công ty Tài chính quốc tế (IFC) thì họ đều cho rằng, nếu Việt Nam cải cách được thủ tục liên quan tới con dấu thì sẽ nâng được vị trí xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam.
- Còn ở trong nước, các bộ, ngành đón nhận chủ trương trên thế nào, thưa ông?
- Đối với chức năng quản lý của các bộ ngành liên quan, trong những lần trao đổi, làm việc với Bộ KH-ĐT, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh rất ủng hộ cải cách mạnh mẽ này. Về phía Bộ Công an lâu nay có trách nhiệm quản lý con dấu của DN. Nhưng theo quan điểm tới đây cải cách thủ tục hành chính thì tôi cho rằng cần phân loại rõ ràng việc quản lý con dấu. Bộ Công an chỉ nên quản lý con dấu của cơ quan nhà nước và tổ chức; còn con dấu của DN thì không nhất thiết.
- Xin cảm ơn ông!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.