Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tunisia: Mùa xuân Arab ngày càng xa vời

Quỳnh Chi| 22/02/2013 06:57

(HNM) - Ngày 19-2-2013, Thủ tướng Tunisia Hamadi Jebali đã đệ đơn từ chức lên Tổng thống Moncef Marzouki. Thất bại của Thủ tướng H.Jebali trong duy trì ổn định đất nước đã khiến Tunisia chìm sâu thêm vào khủng hoảng chính trị nghiêm trọng nhất từ sau

Hai năm sau cuộc cách mạng Hoa Nhài - mở màn làn sóng chính biến mang tên "Mùa xuân Arab" khuynh đảo Trung Đông và Bắc Phi - Tunisia lại trở thành tâm điểm chú ý của dư luận thế giới với những căng thẳng chính trị ngày càng leo thang. Đặc biệt, sau khi Chokri Belaid, thủ lĩnh đảng Những người yêu nước dân chủ (DPP) cánh tả đối lập của Tunisia, bị ám sát tại nhà riêng hôm 6-2, tình trạng bạo lực vốn rất phức tạp ở đất nước này lại tiếp tục gia tăng cùng những dấu hiệu bất ổn mới.


Là người thường xuyên chỉ trích gay gắt chính phủ Hồi giáo nên không ít người, trong đó có gia đình ông C.Belaid và những người biểu tình cho rằng đảng Ennahda cầm quyền đứng sau vụ ám sát này. Một số người khác lại nhận định, nếu như không phải là chủ mưu, Ennahda cũng phải chịu trách nhiệm về mặt chính trị, vì đã không ngăn chặn được bạo lực bùng phát. Cũng như Ai Cập, sau khi lật đổ Tổng thống Hosni Mubarrak, chính trường rơi vào cuộc đối đầu giữa phái Hồi giáo cực đoan và phe đối lập - những người cho rằng cuộc cách mạng mà họ dày công thực hiện đã bị chiếm đoạt. Hiện tại, đảng Ennahda tại Tunisia, cũng như phong trào Anh em Hồi giáo tại Ai Cập, đều có ý đồ áp đặt sự thống trị Hồi giáo lên xã hội. Điều này khiến tình trạng bạo lực gia tăng, các dân biểu và đại diện của đối lập đang trở thành đối tượng bị tấn công, các nhà đấu tranh xã hội, hoạt động nghiệp đoàn, nhà báo thường xuyên bị hành hung… Vì thế cái chết của ông C.Belaid được coi như đỉnh điểm của làn sóng bạo lực có thể khiến Tunisia rơi vào bế tắc chính trị.

Hiện tại liên minh cầm quyền do những người Hồi giáo lãnh đạo đang phân hóa ngày càng sâu sắc. Xuất thân từ đảng Ennahda, Thủ tướng Hamadi Jebali đã đưa ra đề nghị giải tán chính phủ cũ, lập lại một chính phủ mới với thành phần gồm những nhân vật kỹ trị, không nằm trong đảng phái nào. Tuy nhiên, đề nghị này đã bị chính đảng cầm quyền bác bỏ. Trong khi đó, chính đảng của Tổng Thống Tunisia Moncef Marzouki, có lập trường thế tục trái ngược với Hồi giáo, tuyên bố sẽ rút lui khỏi liên minh cầm quyền vì bất bình với cách Chính phủ Tunisia xử lý nội vụ sau vụ ám sát thủ lĩnh đối lập C.Belaid.

Giữa lúc mâu thuẫn đảng phái trong liên minh cầm quyền ngày càng trở nên nghiêm trọng thì "cuộc chiến" đường phố giữa những người ủng hộ Ennahda và lực lượng phản đối vụ ám sát thủ lĩnh C.Belaid cũng lan rộng. Đụng độ giữa cảnh sát và người biểu tình liên tục xảy ra ở nhiều nơi trên khắp cả nước. Trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn, nguồn vốn đầu tư nước ngoài bị rút, ngành du lịch chủ đạo chưa hồi sức và thất nghiệp còn cao hơn cả trước khi xảy ra nổi loạn… nỗi bất bình của dân chúng ngày càng lên cao. Những người đã đứng lên lật đổ chế độ Tổng thống Ben Ali cách đây hai năm giờ cảm thấy Mùa xuân Arab ngày càng trở nên xa vời.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tunisia: Mùa xuân Arab ngày càng xa vời

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.