(HNM) - Nếu như trước đây vi phạm trật tự xây dựng tại Hà Nội luôn là vấn đề “nóng”, đặc biệt có những trường hợp vi phạm nghiêm trọng gây bức xúc dư luận, thì giờ đây công tác này đã có những bước chuyển biến tích cực đáng ghi nhận. Nổi bật là hoạt động xây dựng cơ bản được kiểm soát, tỷ lệ công trình xây dựng vi phạm giảm. Trật tự kỷ cương trong quản lý đô thị từng bước được thiết lập, ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân trong lĩnh vực xây dựng đô thị ngày càng được nâng cao.
Minh chứng là nếu năm 2016, tỷ lệ công trình xây dựng vi phạm chiếm tới 13,9% thì năm 2018 giảm còn 5,22%. Trong 6 tháng đầu năm 2019, tỷ lệ công trình vi phạm tiếp tục giảm còn 3,5% (giảm 249 công trình so với cùng kỳ năm 2018).
Kết quả này có được là nhờ thành phố và các địa phương đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm tăng cường công tác quản lý trật tự đô thị, sử dụng đất đai; trong đó quy định cụ thể trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị, với phương châm “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ quy trình, rõ hiệu quả”. Cùng với đó, lực lượng thanh tra xây dựng được điều chuyển về trực thuộc sự điều hành của UBND các quận, huyện, thị xã, thông qua việc thí điểm thành lập Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị, đã tạo nên bước chuyển quan trọng. Công tác điều hành, quản lý có sự thống nhất; việc phối hợp giữa thanh tra xây dựng và chính quyền phường, xã trong kiểm tra, xử lý công trình vi phạm nhuần nhuyễn và chặt chẽ hơn.
Trong quá trình triển khai, nhiều địa phương đã có mô hình mới, cách làm sáng tạo phù hợp với thực tiễn quản lý trật tự xây dựng ở địa phương. Song bên cạnh đó, thực tiễn cũng cho thấy sự phức tạp trong công tác quản lý trật tự xây dựng ở đô thị lớn vốn đất chật, người đông. Tỷ lệ công trình vi phạm tuy giảm nhưng nếu so sánh con số tuyệt đối vẫn còn khá cao, mà điển hình vẫn là tình trạng xây dựng sai phép. Ngoài lý do người dân thiếu ý thức tuân thủ quy định, có nơi, có lúc chính lực lượng chức năng chưa đề cao trách nhiệm, thiếu sự giám sát, kiểm tra và chưa kiên quyết, chủ động xử lý triệt để vi phạm.
Để nâng cao hiệu quả quản lý trật tự xây dựng rất cần sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền, sở, ngành nhằm thực hiện hiệu quả chủ đề “Năm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị”. Trong đó, tập trung đổi mới phương thức chỉ đạo, điều hành, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị và trách nhiệm của từng vị trí công tác.
Cùng với việc đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, bảo đảm giám sát toàn bộ công trình xây dựng, kịp thời phát hiện, xử lý các vi phạm ngay từ khi mới phát sinh; có lẽ cũng cần tăng cường giám sát cả khâu kiểm tra, xử lý vi phạm trật tự xây dựng, theo hình thức cấp quận giám sát cấp phường, cấp sở giám sát cấp quận. Bởi thực tế cho thấy, nơi nào người đứng đầu nêu cao trách nhiệm, công tác chỉ đạo quyết liệt, nơi đó việc quản lý trật tự xây dựng hiệu quả. Ngược lại, nơi nào có hiện tượng nể nang, né tránh, nơi đó có công trình vi phạm tồn tại, chậm xử lý.
Đi đôi với việc xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm theo từng cấp độ, cần đẩy mạnh triển khai, phổ biến sâu rộng các quy định của pháp luật nhằm nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành của người dân trong thực hiện quy định về trật tự xây dựng… Ở mặt khác, việc xử lý nghiêm vi phạm cũng là cách tuyên truyền, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật hiệu quả.
Việc thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp trên sẽ từng bước ngăn chặn, đẩy lùi các vi phạm về trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố, bảo đảm giữ vững trật tự, kỷ cương, từng bước xây dựng đô thị văn minh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.