Thực hiện Kế hoạch số 199/KH-UBND ngày 1-6-2023 của UBND huyện Thường Tín về tăng cường công tác kiểm tra, xử lý vi phạm trong quản lý, sử dụng đất nông nghiệp…, đến thời điểm này, UBND huyện đã phối hợp với chính quyền một số địa phương xử lý xong 160/484 trường hợp có hành vi vi phạm.
Tuy nhiên, do sự lơ là, buông lỏng quản lý nên gần đây trên địa bàn huyện lại tái diễn vi phạm trên quy mô lớn, đòi hỏi cần sớm có biện pháp xử lý dứt điểm.
Vi phạm tràn lan
Ngày 29-12-2023, có mặt ở huyện Thường Tín, phóng viên Báo Hànộimới nhận thấy, trên địa bàn các xã và thị trấn đều có vi phạm về đất đai và trật tự xây dựng. Hầu hết các vi phạm đều xuất phát từ việc người dân lợi dụng lý do chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để xây dựng trái phép nhà xưởng, công trình trên đất nông nghiệp được giao.
Chẳng hạn như trường hợp của hộ các ông: Phạm Quang Thành, Phạm Đắc Đình cùng 7 hộ dân khác tại xứ đồng Dộc, thôn Trần Phú, xã Minh Cường. Theo Chủ tịch UBND xã Minh Cường Trịnh Hùng Sơn, cả 9 trường hợp trên đều có hành vi xây dựng nhà xưởng trên đất nông nghiệp được chính quyền giao theo Nghị định số 64-CP của Chính phủ, diện tích lên đến gần 9.000m2.
Tình trạng tự ý chiếm dụng, biến đất nông nghiệp, đất công thành điểm kinh doanh kết hợp với nhà ở kiên cố cũng diễn ra trên địa bàn xã Vân Tảo và xã Liên Phương. Tại bờ kênh tiêu 71, thôn Nỏ Bạn, xã Vân Tảo, vào thời điểm năm 2016-2017, hộ ông Nguyễn Văn Trí đã tự ý dựng lều lán và các công trình phụ trợ bằng khung sắt trên diện tích 152m2. Mặc dù UBND xã đã cử lực lượng xuống ngăn chặn, nhưng mới đây hộ ông Trí lại tái diễn vi phạm. Cách đó không xa là công trình có diện tích vi phạm lên đến 187m2 của hộ ông Nguyễn Minh Tuấn tại xóm 7, xã Liên Phương.
Còn tại xứ đồng Cửa Đình, thôn Từ Vân, xã Lê Lợi; xã Hiền Giang; xã Văn Phú cũng phát sinh đến 79 trường hợp vi phạm. Tại đây, để có mặt bằng chăn nuôi, sản xuất cũng như xây dựng nhà ở sau khi bị thu hồi đất, các hộ gia đình đã tự ý san lấp ao hồ, xây dựng trái phép công trình trên đất nông nghiệp, đất mua bán trái thẩm quyền.
Để ngăn chặn và làm rõ hành vi vi phạm của các hộ dân, ngày 1-6-2023, UBND huyện Thường Tín đã có Kế hoạch số 199/KH-UBND về việc tăng cường công tác kiểm tra, xử lý các vi phạm trong lĩnh vực đất đai, trật tự xây dựng trên địa bàn. Đồng thời, ban hành các quyết định thành lập đoàn kiểm tra việc chấp hành thực hiện quy định pháp luật về quản lý đất đai, xử lý vi phạm về đất đai và trật tự xây dựng đối với UBND các xã: Khánh Hà, Hồng Vân, Ninh Sở, Văn Bình. Cùng với đó thanh tra trách nhiệm của Chủ tịch UBND xã Hồng Vân, xã Thắng Lợi và các tổ chức, cá nhân có liên quan. Qua rà soát, phân loại vi phạm (cũ, mới) đến ngày 15-12-2023, UBND huyện Thường Tín đã ban hành 160 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 484 trường hợp vi phạm trên địa bàn các xã: Văn Bình, Vân Tảo, Hồng Vân, Hòa Bình, Quất Động, Ninh Sở và thị trấn Thường Tín...
Mạnh tay thanh, kiểm tra và xử lý
Để bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật và cũng là tránh tình trạng tái vi phạm ở các địa phương, Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Nguyễn Xuân Minh cho biết: Bên cạnh việc ban hành các quyết định xử lý vi phạm, vừa qua Huyện ủy và UBND huyện đã tổ chức thực hiện công tác thanh tra, xử lý đối với một số tập thể, cá nhân cán bộ, đảng viên có sai phạm, thiếu trách nhiệm trong lãnh đạo, quản lý, xử lý vi phạm về đất đai và trật tự xây dựng.
Cụ thể, từ năm 2022 đến nay, huyện Thường Tín đã kết luận, xử lý kỷ luật đối với 11 cán bộ, đảng viên, trong đó có 2 đồng chí là chủ tịch UBND xã và 9 cán bộ công chức xã. Đối với các trường hợp các cấp chính quyền chưa thiết lập được hồ sơ vi phạm, Chủ tịch UBND huyện cam kết đến trước Tết Nguyên đán 2024, chính quyền sẽ tổ chức vận động tự tháo dỡ, nếu hộ nào không tự giác chấp hành, UBND huyện sẽ tổ chức cưỡng chế theo quy định.
Đội trưởng Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị huyện Thường Tín Nguyễn Trọng Đô cho biết, nguyên nhân dẫn đến hành vi vi phạm quy định pháp luật về đất đai và trật tự xây dựng của người dân là do hiện nay trên địa bàn huyện có nhiều làng nghề truyền thống, nhưng người dân lại thiếu mặt bằng để sản xuất, kinh doanh. Mặt khác, còn do tốc độ đô thị hóa phát triển mạnh, trong khi đó công tác quản lý về đất đai và ngăn chặn, xử lý vi phạm tại các địa phương còn hạn chế, thiếu quyết liệt. Trước ngày 1-8-2022 trên địa bàn huyện còn tồn tại 308 trường hợp vi phạm, nhưng hiện nay mới xử lý được 22 trường hợp. Riêng năm 2023 phát sinh thêm 123 trường hợp, trong đó mới có 85 công trình bị tháo dỡ, trả lại mặt bằng theo nguyên trạng.
Thực tế cho thấy, việc xử lý vi phạm về đất đai và trật tự xây dựng trên địa bàn huyện Thường Tín hiện còn chậm. Để tránh tình trạng người dân tái vi phạm, khiến đất nông nghiệp bị sử dụng sai mục đích, gây khó khăn cho công tác quản lý của các cấp chính quyền, đề nghị UBND huyện Thường Tín sớm có biện pháp xử lý dứt điểm đối với những vi phạm nêu trên.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.