Xây dựng

Vi phạm về đất đai và trật tự xây dựng trên địa bàn huyện Quốc Oai: Tránh tình trạng “nhờn” luật

Nguyên Hà 24/01/2024 - 07:04

Thực hiện Kế hoạch số 154/KH-UBND ngày 25-5-2023 của UBND thành phố Hà Nội về tăng cường công tác kiểm tra, xử lý vi phạm trong quản lý, sử dụng đất nông nghiệp; xử lý việc lấn chiếm và xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp, đến nay, huyện Quốc Oai đã xử lý xong 80/85 trường hợp vi phạm. Thế nhưng, do sự lơ là và thiếu quyết liệt của chính quyền cơ sở nên gần đây tình trạng vi phạm lại tái diễn.

thao-do.jpg
Lực lượng chức năng tháo dỡ công trình vi phạm trật tự xây dựng tại xã Liệp Tuyết (huyện Quốc Oai).

Đất nông nghiệp biến thành nhà xưởng...

Có mặt tại huyện Quốc Oai ngày 19-1-2024, phóng viên Báo Hànộimới tìm hiểu và được biết trên địa bàn 15 xã đều có vi phạm về đất đai và trật tự xây dựng. Căn cứ theo nội dung Kết luận thanh tra số 327/KL.TT-STNMT-TTr ngày 26-2-2023 của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, đến tháng 6-2023, toàn huyện còn tồn tại 1.230 trường hợp vi phạm đang chờ xử lý.

Còn theo Báo cáo số 219/BC-ĐQLTTXDĐT ngày 29-12-2023 của Đội Quản lý trật tự xây dựng, đô thị huyện Quốc Oai, tính từ đầu năm 2023 đến ngày 27-12-2023, tại một số xã như: Ngọc Mỹ, Tuyết Nghĩa, Cấn Hữu, Thạch Hòa còn tồn tại hơn 40 trường hợp vi phạm trên quy mô lớn.

Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Quốc Oai Nguyễn Đắc Lực cho biết, hầu hết các vi phạm đều xuất phát từ việc người dân lợi dụng lý do chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để xây dựng trái phép nhà xưởng và mở rộng công trình, nhà chứa vật liệu trên đất công, đất nông nghiệp được giao. Điển hình là trường hợp của hộ các ông: Lê Văn Đạt, Nguyễn Mạnh Hùng cùng 7 hộ dân khác tại thôn Sơn Trung, xã Yên Sơn. Điều đáng nói, cả 9 trường hợp trên đều tái diễn hành vi cơi nới, xây dựng nhà xưởng trên đất nông nghiệp được chính quyền giao theo Nghị định số 64/CP trong thời gian dài, diện tích vi phạm lên đến hơn 4.000m2, nhưng tại thời điểm chủ đầu tư có hành vi tái diễn vi phạm lại không bị chính quyền địa phương ngăn chặn, xử lý kịp thời.

Tương tự, tại các xã: Đồng Quang, Tân Phú, Nghĩa Hương hiện phát sinh đến 45 trường hợp vi phạm. Các hộ gia đình đã tự ý san lấp ao hồ, xây dựng trái phép nhiều công trình trên đất nông nghiệp. Tình trạng lấn chiếm, biến đất công chưa sử dụng thành điểm sản xuất, kinh doanh cũng diễn ra trên địa bàn hai xã Phượng Cách và Liệp Tuyết.

Đơn cử, tại khu đất dọc theo tuyến đường từ DH 07 đi đê Tích, đoạn qua thôn Bái Ngoại, xã Liệp Tuyết, từ năm 2014 đến nay, các hộ ông Trần Văn Nhường, Kiều Văn Luật, Trần Văn Tâm… đã tự ý xây dựng nhà ở và các công trình phụ trợ bằng gạch và khung sắt mái tôn trên diện tích hơn 600m2. Mặc dù, nhiều lần lực lượng chức năng kiểm tra, ngăn chặn, nhưng lợi dụng ngày lễ, ngày nghỉ, đêm tối các hộ dân lại tập kết vật liệu, tái diễn vi phạm.

Cần siết chặt quản lý, giải quyết triệt để

Để làm rõ hành vi vi phạm, giải quyết rốt ráo tình trạng sử dụng sai mục đích đất nông nghiệp, ngày 1-3-2023, UBND huyện Quốc Oai đã có Chỉ thị số 06/CT-UBND về tăng cường hơn nữa công tác quản lý đất đai, xử lý các vi phạm trong lĩnh vực đất đai, trật tự xây dựng trên địa bàn.

Qua kiểm tra, rà soát, phân loại vi phạm, đến cuối năm 2023, Đội Quản lý trật tự xây dựng, đô thị huyện Quốc Oai đã ban hành 116 văn bản và công văn đôn đốc các xã, thị trấn xử lý vi phạm. Đồng thời, đơn vị này còn tham mưu UBND huyện ban hành 18 văn bản, thông báo kết luận chỉ đạo chính quyền các xã, thị trấn xử lý vi phạm đất đai, trật tự xây dựng trên địa bàn. Nhờ đó, đến nay đã xử lý được 80 trường hợp vi phạm trên địa bàn các xã: Sài Sơn, Yên Sơn, Phượng Cách, Đồng Quang, Tân Phú, Cộng Hòa và Thạch Hòa, Ngọc Mỹ..., với số tiền phạt 265 triệu đồng.

Theo Đội trưởng Đội Quản lý trật tự xây dựng, đô thị huyện Quốc Oai Nguyễn Đức Toàn, việc phát sinh vi phạm chủ yếu là do công tác phối hợp của một số xã, thị trấn còn hạn chế. Ngoài ra, việc xác minh nguồn gốc đất chưa quyết liệt dẫn đến chưa kịp thời ngăn chặn các hành vi vi phạm.

Để ngăn chặn tình trạng “nhờn" luật, UBND huyện Quốc Oai đã chỉ đạo chính quyền các xã, thị trấn thường xuyên cử cán bộ duy trì kiểm tra, khi phát hiện các hành vi vi phạm về đất đai và trật tự xây dựng, phải lập biên bản, xử lý triệt để ngay, nhằm sớm trả lại nguyên trạng đất như trước khi vi phạm. Địa phương nào không có biện pháp ngăn chặn, xử lý dứt điểm những vi phạm, sẽ bị xem xét trách nhiệm để xử lý, kỷ luật theo Nghị định số 19/NĐ-CP ngày 12-2-2019 của Chính phủ về kiểm tra, xử lý kỷ luật về vi phạm hành chính và Quyết định số 04/QĐ-UBND ngày 18-3-2019 của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội về quy định quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố.

Đối với những trường hợp đã thiết lập hồ sơ nhưng chưa bị cưỡng chế trong năm 2023, ông Nguyễn Đắc Lực khẳng định, nếu đến trước Tết Nguyên đán 2024 không tự tháo dỡ công trình vi phạm ra khỏi đất nông nghiệp, UBND huyện sẽ tổ chức cưỡng chế theo quy định.

Có thể thấy việc xử lý vi phạm về đất đai và trật tự xây dựng trên địa bàn huyện Quốc Oai năm qua còn chậm. Để tránh tình trạng người dân tái vi phạm, khiến đất nông nghiệp bị sử dụng sai mục đích, gây khó khăn cho công tác quản lý của các cấp chính quyền, đề nghị UBND huyện Quốc Oai sớm có biện pháp siết chặt quản lý, giải quyết triệt để những vi phạm tồn tại cũng như không để phát sinh vi phạm mới.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Vi phạm về đất đai và trật tự xây dựng trên địa bàn huyện Quốc Oai: Tránh tình trạng “nhờn” luật

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.