Theo dõi Báo Hànộimới trên

TTHC trong lĩnh vực đất đai, đầu tư, xây dựng: Không để “chạy vòng tròn”

An Trân| 03/01/2014 06:13

(HNM) - Chiều 2-1-2014, tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp về cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai, đầu tư, xây dựng với sự tham dự của nhiều bộ, ngành, địa phương.

Đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai, đầu tư, xây dựng, sẽ tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Ảnh: Trọng Đạt


Vẫn "một cửa", nhiều khóa

TTHC phức tạp, chồng chéo trong lĩnh vực đất đai, đầu tư, xây dựng được đánh giá là một trong nhóm các khó khăn hàng đầu đối với doanh nghiệp trong và ngoài nước khi triển khai thực hiện dự án. Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Phạm Gia Túc dẫn chứng, kết quả điều tra hơn 8.000 doanh nghiệp cho thấy, đây là những nhóm thủ tục gây khó khăn nhất cho nhà đầu tư. Từ khi làm thủ tục cấp phép đến lúc xây dựng nhà máy có tới 18 thủ tục; quy trình thì chồng chéo, nhiều chỗ vênh nhau.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông cho biết thêm, cơ chế "một cửa" đang thực hiện ở một số địa phương mới chỉ thiết lập được quy trình một đầu mối trong tiếp nhận và trả kết quả TTHC, nhưng trên thực tế, nhà đầu tư vẫn phải nộp hồ sơ cho nhiều cơ quan chuyên môn khác nhau của UBND cấp tỉnh để được giải quyết lần lượt TTHC theo quy định của các luật khác nhau. Trung bình nhà đầu tư phải thực hiện 18 thủ tục liên quan tới việc cấp phép đầu tư dự án có liên quan đến đất đai, xây dựng, môi trường, chưa kể các thủ tục liên quan đến các giấy phép phụ. Theo lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đây là tình trạng "một cửa" nhưng nhiều khóa, kèm theo là những "đòi hỏi lẻ tẻ", khiến nhà đầu tư rất khó chịu. Ông cũng cho biết, các nhà đầu tư sẵn sàng trả chi phí cao một cách công khai, minh bạch để làm các thủ tục, nếu cách làm này vừa lành mạnh hóa được bộ máy cũng như hình ảnh của cơ quan công quyền, vừa có chi phí hỗ trợ những người thực thi công vụ, để họ không còn kiếm cớ sách nhiễu.

Bức xúc về những quy trình lòng vòng, phức tạp trong giải quyết TTHC, Giám đốc Sở Tư pháp TP Hồ Chí Minh Ung Thị Xuân Hương cho biết, trong gần 2.000 TTHC hiện nay, địa phương chỉ có 199 thủ tục, còn lại chủ yếu của các bộ, ngành. Theo bà Ung Thị Xuân Hương, những thủ tục còn chồng chéo, trùng lắp như trong lĩnh vực đầu tư có tới 100 vướng mắc giữa Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư; quy định phải có quy hoạch 1/500 mới được cấp phép, hay thủ tục tham vấn ý kiến các cơ quan TƯ (có những hồ sơ gửi đi 5 tháng mà chưa được hồi âm)…, đang là những rào cản khiến doanh nghiệp không mặn mà trong thực hiện dự án, còn các cơ quan quản lý nhà nước lúng túng khi thực hiện.

Đơn giản hóa TTHC sẽ rút ngắn thời gian chờ đợi, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Ảnh: Bá Hoạt


Không thể "chạy vòng tròn"

Để đơn giản hóa TTHC trong lĩnh vực đất đai, đầu tư, xây dựng, tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu đề nghị Chính phủ sớm chỉ đạo các bộ, ngành liên quan rà soát quy định, TTHC, rút ngắn thời gian chờ đợi tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Trong bối cảnh nền kinh tế đang gặp rất nhiều khó khăn như hiện nay, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho rằng, cải cách hành chính là vấn đề cấp thiết, cần triển khai nhanh thì mới có thể sớm khai thông dòng vốn, thúc đẩy thu hút nguồn vốn từ xã hội hóa.

Đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất hoàn thiện cơ chế "một cửa" trong giải quyết các TTHC liên quan đến cấp giấy chứng nhận đầu tư và triển khai dự án theo hướng quy định việc tiếp nhận hồ sơ và giải quyết tập trung thông qua một cơ quan đầu mối (cơ quan cấp giấy chứng nhận đầu tư). Theo cơ chế này, nhà đầu tư chuẩn bị hồ sơ gồm dự án đầu tư và tài liệu theo quy định của pháp luật về đất đai, xây dựng; cơ quan cấp giấy chứng nhận đầu tư chịu trách nhiệm về tổ chức, xem xét, lấy ý kiến các cơ quan chuyên môn và nhà đầu tư sẽ không phải đến từng cơ quan để thực hiện từng thủ tục khác nhau như hiện nay.

Liên quan đến lĩnh vực đất đai, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Mạnh Hiển đề nghị bổ sung chế tài xử lý trách nhiệm đối với chủ tịch UBND các cấp trong việc để xảy ra các hành vi vi phạm của cán bộ trong thực hiện thủ tục liên quan đến đất đai. Trong thời hạn không quá 30 ngày kể từ ngày nhận được đơn kiến nghị, chủ tịch UBND hoặc thủ trưởng cơ quan quản lý đất đai có trách nhiệm giải quyết và thông báo cho người có kiến nghị biết. Song song với đó, các địa phương từ cấp huyện trở lên hằng năm phải xây dựng kế hoạch sử dụng đất một cách kỹ lưỡng và thực hiện quản lý trên kế hoạch đã được phê duyệt...

Trước thực trạng "một cửa nhưng nhiều khóa", Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ rõ, việc "chạy vòng tròn" trong thực hiện TTHC hiện nay đang gây khó khăn cho nhân dân, nhà đầu tư. Để chấn chỉnh, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, rà soát các quy định có liên quan, nhanh chóng tháo gỡ bất cập, vướng mắc có thể ảnh hưởng tới quyền lợi của người dân, nhà đầu tư. Bên cạnh đó, các bộ, ngành liên quan phải chủ động rà soát trong lĩnh vực của mình và đề xuất phương án sửa đổi, báo cáo Chính phủ trong quý II-2014. Phó Thủ tướng yêu cầu các cấp, các ngành tăng cường thanh tra, kiểm tra, phát hiện kịp thời những vướng mắc, đề xuất hướng giải quyết. Trong đó, cần kiên quyết bãi bỏ những thủ tục không cần thiết, không để tái diễn tình trạng thủ tục chạy vòng tròn, khiến người dân và doanh nghiệp tốn thời gian, công sức mà hiệu quả công việc không cao.

Quận Long Biên:
Sẽ có “thư xin lỗi” người dân nếu mắc lỗi

(HNM) - Ngày 2-1-2014, quận Long Biên đã tổ chức hội nghị tổng kết thực hiện Chỉ thị 01/CT-UBND của UBND TP Hà Nội về "Năm kỷ cương hành chính - 2013", đánh giá kết quả thực hiện mô hình điểm bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin.

Với sự chỉ đạo quyết liệt của chính quyền các cấp, quận Long Biên đã đạt được hiệu quả rõ nét trên nhiều mặt công tác trong "Năm kỷ cương hành chính - 2013". Hoạt động chỉ đạo điều hành của lãnh đạo các đơn vị đã có sự chuyển biến; công chức, viên chức nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cá nhân trong thực thi công vụ. Số lượng cuộc họp của HĐND, UBND quận đã giảm 12% so với năm 2012. Hiện 100% phòng, ban, đơn vị thực hiện gửi, nhận văn bản qua hộp thư điện tử… Việc triển khai thực hiện mô hình điểm hoạt động bộ phận "một cửa" được thực hiện nghiêm túc. Năm 2013, quận đã giải quyết đúng hạn 20.894/23.579 hồ sơ, đạt 96,1%; cấp phường giải quyết 120.581/120.765 hồ sơ, đạt 99,87%.

Năm 2014, UBND quận Long Biên sẽ tập trung củng cố để tiến tới điều hành bằng chính quyền điện tử; triển khai bộ phận "một cửa điện tử" trên diện rộng theo hướng chú trọng quy tắc ứng xử của cán bộ với người dân, thực hiện "thư xin lỗi" người dân nếu mắc lỗi.

Phong Thu
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
TTHC trong lĩnh vực đất đai, đầu tư, xây dựng: Không để “chạy vòng tròn”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.