(HNM) - Nói đến hoạt động văn hóa, nghệ thuật của thế giới hiện nay, người ta không thể không nhắc đến New York. Thành phố này không chỉ là nơi hội tụ những tài năng trên khắp thế giới mà còn có nhiều trung tâm với cơ ngơi hoành tráng, những quỹ hàng đầu của Hoa Kỳ trong việc tài trợ cho các hoạt động văn hóa, nghệ thuật.
Bên cạnh đó là sự cởi mở trong tiếp nhận nghệ thuật của khán giả New York. Trong muôn màu muôn sắc của hoạt động văn hóa, nghệ thuật tại đây, hoạt động văn hóa, nghệ thuật của châu Á mang một nét riêng biệt.
Đem bản sắc châu Á đến với nhiều người
Ðể phát huy hoạt động văn hóa và nghệ thuật châu Á tại New York, các tổ chức văn hóa và nghệ thuật hình thành với vai trò truyền tải đặc tính châu Á đến mọi người. Các trung tâm văn hóa, nghệ thuật đã thành công trong việc đem đến những hiểu biết về những nền văn minh châu Á tại New York và tạo được chiếc cầu ngoại giao giữa Hoa Kỳ và các nước châu Á. Hiện tại có khoảng 400 tổ chức văn hóa và nghệ thuật châu Á tại thành phố New York, trong đó có nhiều tổ chức có quy mô lớn, như Asia Society, Asian Cultural Council, Japan Society, Asian American Arts Alliance... Ngoài các hoạt động văn hóa, nghệ thuật do các tổ chức châu Á điều hành, một số tổ chức lớn, viện bảo tàng cũng tham gia xây dựng chương trình châu Á như Lincoln Center, American Museum of Natural History, Metropolitan Museum...
Khán giả nhí thích thú với các nhân vật rối của Việt Nam được trưng bày tại một triển lãm văn hóa ở Mỹ. |
Các tổ chức văn hóa, nghệ thuật này hoạt động phi lợi nhuận và có chứng chỉ của Liên bang Hoa Kỳ 501(C)(3). Chứng chỉ 501(C)(3) do cơ quan IRS (Sở Thuế) cấp với mục đích khuyến khích cá nhân và công ty đóng góp tiền cho những tổ chức hoạt động phi lợi nhuận, gồm văn hóa, nghệ thuật, giáo dục, khoa học, môi sinh, y tế cộng đồng, xã hội... Cá nhân hay công ty được khai thuế trên số tiền khi họ đóng góp cho tổ chức phi lợi nhuận này. Ngoài ra, tổ chức có chứng chỉ 501(C)(3) được hưởng nhiều đặc quyền, như được miễn thuế mua hàng hóa và thuế dịch vụ, được ưu đãi trong các hoạt động phi lợi nhuận.
Ngân sách hoạt động của các tổ chức văn hóa, nghệ thuật dựa trên các nguồn đóng góp từ cá nhân, doanh nghiệp, tiền tài trợ của chính phủ (liên bang, tiểu bang, thành phố), quỹ và tiền đầu tư. Ðể thu hút nguồn tài chính, các tổ chức văn hóa, nghệ thuật đã xây dựng những chương trình đặc sắc và tạo ảnh hưởng để có thể tác động đến mọi nơi và mọi người. Các trung tâm này mời những nhà hoạt động chính trị nghỉ hưu, nhà kinh tế nổi tiếng vào ban cố vấn để làm tăng uy tín. Asia Society trong 6 tháng đầu năm 2007 có tổng số tài sản là 189.5 triệu USD, trong đó nguồn đóng góp và nhận được tài trợ là 30 triệu USD và nguồn đầu tư là 84 triệu USD.
Những tổ chức văn hóa, nghệ thuật thường được những người giàu có đầu tư để giai đoạn đầu vận hành trơn tru rồi từ đó họ sẽ tổ chức xây dựng tài chính từ các nguồn như đã nêu ở trên.
Dấu ấn các chương trình của Việt Nam
Các tổ chức văn hóa và nghệ thuật có ngân sách lớn sẽ tạo ra những chương trình tuyệt vời, mang rõ nét tính văn hóa phương Ðông. Dòng văn hóa châu Á hình thành lâu đời và mang tính đa dạng tại mỗi quốc gia đã trở thành kho tàng phong phú để các tổ chức văn hóa, nghệ thuật châu Á xây dựng chương trình tại New York.
Những chương trình như âm nhạc truyền thống, triển lãm nghệ thuật, triển lãm bảo tàng, điện ảnh, hội thảo, thuyết trình, lớp học ngôn ngữ, nghề truyền thống... Với thời gian có thể là 1 tuần, 3 tháng, thậm chí đến 1 năm. Một số chương trình văn hóa và nghệ thuật Việt Nam tiêu biểu đã biểu diễn trong 15 năm qua tại New York gồm: Múa rối nước Thăng Long trình diễn năm 1995 tại Lincoln Center, đoàn nhạc Sông Hương (do GS Nguyễn Thuyết Phong hướng dẫn) biểu diễn tại Lincoln Center năm 1995, Tuần lễ văn hóa Việt Nam (có sự tham gia của GS Trần Văn Khê) tại French Institute Alliance Francise năm 1997, triển lãm "Vietnam: Journey of Body, Mind & Spirit" tại American Museum of Natural History từ tháng 3-2003 đến 3-2004 (có sự hợp tác với Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam) và một vài chương trình tại Asia Society trong những năm qua. Ngoài ra, từ năm 2003 đến nay, Viện Văn hóa và Giáo dục Việt Nam (IVCE) tổ chức các chương trình văn hóa, nghệ thuật Việt Nam với quy mô nhỏ và hy vọng xây dựng được một chương trình có quy mô lớn trong mỗi năm.
Nên xây dựng các trung tâm tầm cỡ
Sự tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đã tạo thuận lợi cho văn hóa, nghệ thuật phát triển. Do vậy, TP Hồ Chí Minh và Hà Nội rất cần có những cơ sở văn hóa, nghệ thuật lớn. Nhưng thực tế tại hai thành phố lớn này không có bảo tàng nghệ thuật đương đại tầm cỡ, không có những sân khấu kịch hiện đại, không có những khu hòa nhạc hoành tráng... Những giá trị nhân văn của một thành phố lớn là phải kèm theo các cơ sở văn hóa và nghệ thuật đương đại đúng với tầm vóc. Chúng không chỉ phục vụ cho người dân trong nước mà còn là điểm giải trí lý tưởng cho du khách nước ngoài và người nước ngoài làm việc tại Việt Nam.
Bên cạnh những ý tưởng xây dựng cơ sở văn hóa, nghệ thuật, Việt Nam cần quan tâm đến những chính sách về việc thành lập tổ chức văn hóa hoạt động phi lợi nhuận. Những chính sách này sẽ kích thích các cá nhân hoạt động văn hóa có hiệu quả hơn và có bài bản hơn. Tại Hoa Kỳ, các tổ chức phi lợi nhuận điều hành 95% những hoạt động văn hóa của xã hội và theo sát nhu cầu, chính vì thế hoạt động văn hóa, nghệ thuật tại Hoa Kỳ có thể nói là rất đa dạng và thiết thực. Mong rằng, tại TP Hồ Chính Minh hay Hà Nội sẽ xuất hiện những viện bảo tàng đương đại như MoMa (bảo tàng nghệ thuật đương đại tại New York), những sân khấu kịch nghệ như Broadway (trung tâm kịch nghệ tại New York), những khu hòa nhạc như Lincoln Center (trung tâm biểu diễn nhạc, múa, nghệ thuật trình diễn, phim...). Và hy vọng Việt Nam sẽ dần xuất hiện những người giàu có chuyển sang hoạt động xã hội. Điều đó không chỉ giúp bảo tồn được văn hóa, nghệ thuật Việt Nam mà còn theo kịp với thế giới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.