(HNM) - Ngày 15-9, Trung Quốc đã phóng thêm một trạm vũ trụ với tên gọi Thiên Cung 2 từ sa mạc Gobi vào không gian, đồng thời đề ra mục tiêu đưa con người lên các căn cứ này vào năm 2022.
Thiên Cung 2. |
Thực tế, nước này hiện đã đưa việc thám hiểm không gian vào danh sách các mục tiêu trọng điểm quốc gia. Việc đạt được thành công trong vụ phóng lần này cũng tạo tiền đề cho Thiên Cung 3 - với kích thước lớn hơn nhiều lần hai "tiền bối" đi trước - được đưa vào không gian. Sự kiện này sẽ là cột mốc hoàn thiện quá trình xây dựng một căn cứ vũ trụ với đầy đủ nhân lực trong không gian của Bắc Kinh. Trong một thập kỷ qua, Trung Quốc đã tập trung nhiều nguồn lực để tham gia và khẳng định vị trí trong "cuộc chơi" vũ trụ. Ngay sau khi đưa động vật lên không gian thành công trong năm 2001, Trung Quốc đã tiếp tục đưa thử phi hành gia Yang Liwwei lên vũ trụ vào năm 2003 và trở thành quốc gia thứ ba trên thế giới - chỉ sau Mỹ và Liên bang Xô Viết - đưa được con người vào không gian. Sau hàng loạt các dự án khác, nỗ lực xây dựng riêng một trạm không gian được phát động vào năm 2011. Chỉ trong vòng 5 năm, Trung Quốc đã liên tục phóng hai trạm với khả năng bảo đảm sinh tồn cho con người, chưa kể tới số lượng vệ tinh khá lớn và một chuyến hạ cánh thành công trên mặt trăng năm 2013.
Bản thân Thiên Cung 2 cũng là một cột mốc quan trọng cho thấy nỗ lực chinh phục vũ trụ đầy khẩn trương của Trung Quốc khi Thiên Cung 1 mới chỉ được phóng lên từ năm 2011. Thiên Cung 2 có chiều dài 15m và trọng lượng 9,5 tấn, với đầy đủ năng lực vận hành, phòng thí nghiệm cùng các hạ tầng cho phép con người sinh sống dài hạn, phục vụ cho mục tiêu tăng cường sự hiện diện trong quỹ đạo trái đất kể từ năm 2020 của Bắc Kinh. Sau khi ngắt kết nối với tên lửa đẩy Long March-2F T2, trạm sẽ lơ lửng ở độ cao 380km và là căn cứ để các phi hành gia Trung Quốc (dự kiến có mặt ngay trong tháng 10 trên tàu Thần Châu 11) bắt tay vào các dự án nghiên cứu viễn thông lượng tử, tia gamma, vật lý chất lỏng, tăng trưởng thực vật trong không gian và quan trọng hơn cả là những chuẩn bị cần thiết để tăng cường nhân lực, mở rộng hạ tầng cho các mục tiêu khác. Dự kiến, trong tháng 4-2017, Trung Quốc cũng sẽ phóng tiếp tàu vận tải Điền Châu 1 kết nối với Thiên Cung 2 với nhiệm vụ tiếp nhiên liệu và trang thiết bị.
Dù khẳng định những thử nghiệm không gian mới đều thuần túy mang mục đích dân sự song sự gấp gáp và quy mô ngày càng tăng nhanh trong các dự án của Bắc Kinh đã gây chú ý đối với nhiều quốc gia. Trong bối cảnh Trạm vũ trụ quốc tế (ISS) đang gặp nhiều khó khăn về tài chính và dự kiến sẽ ngừng hoạt động từ năm 2024, việc Trung Quốc liên tục đưa con người và hạ tầng vào không gian có thể đồng nghĩa với việc nước này sẽ “một mình một sân” trên vũ trụ, ít nhất là trong giai đoạn 2020-2030. Ngay vào lúc này, ngoài việc nhanh chóng hoàn thiện trung tâm phóng mới tại Hải Nam, Trung Quốc đang duy trì 3 trung tâm quy mô lớn khác tại Thái Nguyên, Tửu Tuyền và Tây Xương. Chỉ mới tháng trước, Bắc Kinh đã phóng vệ tinh lượng tử đầu tiên nhằm thiết lập kênh liên lạc giữa vũ trụ và trái đất. Nước này cũng không giấu giếm mục tiêu đưa con người lên mặt trăng trong năm 2024. Cùng giai đoạn đó, một robot thám hiểm sẽ được Trung Quốc đưa lên sao Hỏa - hành tinh đang rất tiềm năng cho việc mở rộng không gian sống cho con người - mở đường cho công cuộc chinh phục hành tinh đỏ vào khoảng năm 2050.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.