(HNMO) - Như Báo Hànộimới đã đưa tin, từ 19h30 ngày 29-5, 73.000 học sinh lớp 12 của các trường trung học phổ thông (công lập, ngoài công lập) và các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên trên địa bàn Hà Nội đã làm bài khảo sát chất lượng môn toán.
Việc kiểm tra khảo sát được thực hiện thông qua Hệ thống học và thi trực tuyến Hanoi Study.
Mỗi học sinh trung học phổ thông làm 3 bài kiểm tra, trong đó có 2 bài kiểm tra bắt buộc, 1 bài tự chọn; còn học viên của các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên làm 2 bài kiểm tra, trong đó có 1 bài kiểm tra bắt buộc, 1 bài tự chọn.
Đề kiểm tra khảo sát do Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội ban hành. Thời gian tổ chức kiểm tra diễn ra trong ba ngày 29, 30 và 31-5-2020, với các khung giờ quy định theo từng môn và được thông báo chi tiết cho từng học sinh.
Tuy nhiên, theo phản ánh của phụ huynh và học sinh sau bài kiểm tra môn toán, một số học sinh gặp khó khăn do đề kiểm tra bị lỗi phông chữ hoặc đường truyền trục trặc, không ổn định… Một số phụ huynh, học sinh bày tỏ sự lo lắng về tính thực chất của kết quả kiểm tra, bởi các em được làm bài kiểm tra tại nhà, không có sự giám sát của thầy, cô giáo…
Ngày 30-5, trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, ông Lê Ngọc Quang, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, cho biết, nhằm giúp học sinh lớp 12 tham gia kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2020 đạt kết quả tốt, theo kế hoạch, học sinh lớp 12 trên địa bàn sẽ có ba đợt kiểm tra khảo sát chất lượng ở các môn nằm trong kỳ thi tốt nghiệp năm nay và hiện đang là đợt 1.
Để việc khảo sát đạt hiệu quả cao nhất, Sở Giáo dục và Đào tạo đã yêu cầu các nhà trường rà soát công tác chuẩn bị, tổ chức họp với cha mẹ học sinh để bố trí thiết bị, giám sát học sinh trong quá trình làm bài.
Sở đã tiến hành chạy thử ở một số trường, tuy nhiên, khi tổ chức trên diện rộng với 73.000 học sinh ở cùng một thời điểm, việc trục trặc đường truyền khó tránh khỏi. Ngoài ra, việc lỗi phông chữ, trục trặc đường truyền còn do cấu hình thiết bị của học sinh không tương thích; đường truyền kết nối mạng ở một số địa bàn, nhất là ở khu vực ngoại thành, chưa bảo đảm…
“Đây không phải là kỳ thi thử, mà là kỳ khảo sát chất lượng với mục đích chính là tạo cho học sinh ý thức tự giác trong học tập, làm bài kiểm tra, chứ không trông chờ, ỷ lại vào sự giám sát của thầy giáo, cô giáo. Thông qua kết quả kiểm tra, các em tự xác định được những phần kiến thức còn hạn chế để bổ sung, chuẩn bị tốt cho kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông", ông Lê Ngọc Quang nhấn mạnh.
Ông Lê Ngọc Quang cho biết, Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ tổng kết, rút kinh nghiệm quá trình tổ chức kiểm tra khảo sát đợt 1 để có sự điều chỉnh ở các đợt tiếp theo, nhằm bảo đảm chất lượng tốt hơn, đồng thời nghiên cứu để có thể mở rộng diện khảo sát đối với học sinh ở các khối lớp khác. Trước mắt, Sở đề nghị các nhà trường tích cực phối hợp gia đình, hỗ trợ tốt nhất cho học sinh hoàn thành đợt khảo sát đầu tiên.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.