Giáo dục

Gỡ rối trong chọn ngành trước kỳ tuyển sinh đại học

Thống Nhất, ảnh Lê Thảo 17/03/2024 - 15:48

Học sinh đang học lớp 12 và nhiều phụ huynh khá lo lắng về việc nếu không chọn và trúng tuyển đại học phù hợp năm nay, các em sẽ phải cạnh tranh trong mùa tuyển sinh năm 2025 với những “luật chơi” mới.

Với hơn 270 gian tư vấn cùng sự tham gia của lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, các cơ sở đào tạo lớn, Ngày hội tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp năm 2024 diễn ra ngày 17-3 tại Đại học Bách khoa Hà Nội đã gỡ rối cho hàng chục nghìn lượt học sinh về những băn khoăn trong việc chọn trường, chọn ngành ở kỳ tuyển sinh đại học, cao đẳng năm nay.

Thi tốt nghiệp vào cuối tháng 6

Sự kiện do Báo Tuổi trẻ, Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo), Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội), Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, Đại học Bách khoa Hà Nội phối hợp tổ chức. Diễn ra lần đầu vào năm 2003, đây là năm thứ 22 chương trình được tổ chức nhằm giúp học sinh có thêm kiến thức, kỹ năng trong việc xây dựng “chiến lược” ứng phó với các kỳ thi, tuyển sinh, đặc biệt là trong việc lựa chon ngành, trường đại học phù hợp với năng lực, sở trường.

Ban tư vấn tuyển sinh năm 2024.
Ban tư vấn tuyển sinh năm 2024.

Từ năm 2025, kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh đại học sẽ thực hiện theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, dự kiến sẽ có thay đổi về nội dung, hình thức. Vì vậy, học sinh đang học lớp 12 và nhiều phụ huynh khá lo lắng về việc nếu không chọn và trúng tuyển đại học phù hợp năm nay, các em sẽ phải cạnh tranh trong mùa tuyển sinh năm 2025 với những “luật chơi” mới.

Cũng chính vì vậy, theo các chuyên gia tư vấn, điều quan trọng đầu tiên mà học sinh lớp 12 năm nay cần ghi nhớ là “luật chơi” hiện hành, được áp dụng năm nay.

Quy định trước tiên mà học sinh cần nhớ là toàn bộ quy trình đăng ký dự thi tốt nghiệp trung học phổ thông và xét tuyển đại học năm nay đều được thực hiện theo hình thức trực tuyến. Tuy nhiên, thí sinh không thực hiện đồng thời cả hai việc mà đăng ký thi tốt nghiệp trước, sau khi có kết quả kỳ thi mới đăng ký xét tuyển đại học. Ông Lê Mỹ Phong, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, quy chế thi sửa đổi, bổ sung do Bộ vừa ban hành đã nêu rõ những điểm mới học sinh cần lưu ý, trong đó có danh sách vật dụng cấm mang vào phòng thi; cách chọn bài thi; việc sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ…

Học sinh cần ghi nhớ quy chế để bảo đảm quyền lợi của mình, đơn cử như việc chọn ngoại ngữ. Nếu ở trường học sinh học tiếng Anh nhưng có thể đăng ký thi tiếng Pháp. Hoặc với việc sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ, quy chế nêu rõ chứng chỉ ngoại ngữ đủ điều kiện được quy đổi thành điểm 10 trong xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông, nếu học sinh tham gia xét tuyển đại học bằng tổ hợp có môn ngoại ngữ thì phải làm bài thi môn này.

ts-2024-4.jpg
Một gian tư vấn.

Trước nhiều câu hỏi về thời gian thi tốt nghiệp năm nay, ông Lê Mỹ Phong thông tin: Hiện nay Bộ đang gửi dự thảo văn bản hướng dẫn tổ chức kỳ thi xin ý kiến góp ý của các sở giáo dục và đào tạo. Trong văn bản có nội dung về thời gian tổ chức kỳ thi năm 2024 dự kiến ổn định như năm 2023, tức là vào cuối tháng 6.

Liên quan đến việc đăng ký xét tuyển đại học, bà Nguyễn Thu Thuỷ, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo nhắc nhở: Học sinh không được bỏ dở quy trình đăng ký xét tuyển mà phải thực hiện đúng, đủ các bước thì mới được hệ thống ghi nhận thành công. Toàn bộ quy trình đăng ký xét tuyển năm nay đều thực hiện trực tuyến, vì vậy học sinh phải ghi nhớ nội dung công việc ở từng thời điểm để thực hiện đúng, tuyệt đối không bỏ quên bất cứ phần việc nào bởi không thể thực hiện lại các phần việc khi hệ thống đã đi qua bước đó.

Giải đáp nhiều vấn đề “nóng”

Trong một ngày, tại các gian tư vấn diễn ra đồng loạt các ca tư vấn trực tiếp giữa các chuyên gia, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục đại học và học sinh, phụ huynh học sinh. Ghi nhận chung, hàng chục nghìn lượt câu hỏi của học sinh đã được giải đáp, giúp các em giải toả nhiều lo lắng trước kỳ thi, tuyển sinh quan trọng.

tuyen-sinh-2024-2.jpg
Học sinh được giải đáp nhiều vấn đề liên quan đến việc chọn ngành.

Trước rất nhiều câu hỏi về cách thức đăng ký xét tuyển đại học năm nay có gì mới so với năm trước và học sinh cần lưu ý gì, bà Nguyễn Thu Thuỷ giải đáp: Cách thức đăng ký xét tuyển đại học năm nay cơ bản ổn định như năm trước, học sinh chỉ cần chọn ngành để đăng ký, đồng thời cung cấp đầy đủ các dữ liệu về kết quả học tập mà mình có lên hệ thống tuyển sinh chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Học sinh không phải chọn phương thức xét tuyển. Mỗi trường, ngành thường có thể có nhiều phương thức xét tuyển. Hệ thống sẽ lựa chọn dữ liệu tối ưu nhất của học sinh để xử lý, bảo đảm mỗi học sinh trúng tuyển ở một nguyện vọng cao nhất.

Liên quan đến việc đăng ký xét tuyển sớm, giải toả mối lo về việc nếu không trúng tuyển sớm thì học sinh có còn cơ hội trúng tuyển đại học ở các phương thức khác không, ông Hoàng Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) khẳng định: Học sinh vẫn còn cơ hội trúng tuyển vào ngành đó, trường đó ở các phương thức xét tuyển khác. Những dữ liệu về kết quả học tập của học sinh sẽ được hệ thống hỗ trợ tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo sử dụng, xử lý và chọn dữ liệu tốt nhất, bảo đảm mỗi học sinh đều được trúng tuyển ở một nguyện vọng.

tuyen-sinh-2024-3.jpg
Các gian tư vấn đều kín chỗ.

Vấn đề được nhiều học sinh quan tâm, đặt câu hỏi với ban tư vấn là nên chọn ngành theo hướng tiếp cận rộng hay hẹp. Lý do băn khoăn là bởi nếu chọn ngành rộng, không chuyên sâu vào lĩnh vực nào thì sợ sau này ra trường không biết làm gì; nhưng nếu chọn ngành hẹp quá, học chuyên sâu thì nhỡ bối cảnh xã hội thay đổi thì khả năng ứng biến khó khăn hơn, nguy cơ thất nghiệp nhiều hơn. Đại diện ban tư vấn của Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn: Trước khi chọn, quyết định ngành đăng ký, học sinh cần tiếp cận ở cả hai khía cạnh. Dù tiếp cận ở khía cạnh nào thì yếu tố đầu tiên học sinh cần quan tâm là năng lực học tập của mình như thế nào, mình có thực sự yêu thích ngành đó hay không. Học sinh cũng cần lưu ý không nên a dua, chạy theo ngành “hot” hay ngành “vip”, và cũng không phải cứ chọn rồi thì lại bó cứng chỉ học một ngành duy nhất, mà trong quá trình học cần không ngừng trau dồi kiến thức, kỹ năng liên ngành để tăng cơ hội nghề nghiệp cho bản thân khi tốt nghiệp.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Gỡ rối trong chọn ngành trước kỳ tuyển sinh đại học

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.