(HNMO) - Tính đến ngày 28-3, khoảng 200 cơ sở đào tạo đại học trên cả nước đã công bố đề án tuyển sinh đại học năm 2023, trong đó thông báo rõ phương thức xét tuyển. Đáng chú ý, trong số này có tới hơn 160 trường xét học bạ để tuyển sinh.
Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cả nước hiện có 330 cơ sở đào tạo. Trong kỳ tuyển sinh năm 2022, trong số gần 20 phương thức xét tuyển được áp dụng, phương thức xét tuyển bằng sử dụng kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông được hầu hết các trường sử dụng để tuyển sinh đại học. Đây cũng là phương thức xét tuyển có tỷ lệ thí sinh nhập học cao nhất - với gần 48%.
Thí sinh lưu ý thông tin này để chủ động trong học tập cũng như có phương án đăng ký nguyện vọng xét tuyển đúng quy định, bảo đảm cơ hội trúng tuyển cao nhất. Thời điểm này, thí sinh đã có thể tham gia xét tuyển sớm theo phương thức xét kết quả học tập cấp trung học phổ thông (học bạ) hoặc tham gia các kỳ thi riêng do một số cơ sở đào tạo tự tổ chức. Tuy nhiên, theo khuyến cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các thí sinh không cần thiết phải tham gia quá nhiều kỳ thi riêng, bởi mỗi kỳ thi riêng có mục đích tuyển chọn thí sinh vào các ngành nghề ở các lĩnh vực khác nhau.
Bên cạnh đó, thí sinh cũng cần lưu ý, nếu được thông báo trúng tuyển, thì đây mới chỉ là kết quả trúng tuyển có điều kiện. Thí sinh vẫn cần tham dự và đạt điều kiện để được công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông và phải đăng ký nguyện vọng đã trúng tuyển có điều kiện lên hệ thống tuyển sinh của Bộ.
Để bảo đảm cơ hội trúng tuyển tốt nhất, hiện nay, các trường trung học phổ thông trên địa bàn thành phố Hà Nội đều nhắc nhở, hỗ trợ thí sinh lựa chọn, đăng ký tham gia kỳ thi riêng phù hợp với năng lực, nguyện vọng; đồng thời, phân bổ thời gian học tập hợp lý để có thể đạt kết quả tốt trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Khi đó, thí sinh hoàn toàn tự tin đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học bằng kết quả thi này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.