Theo dõi Báo Hànộimới trên

Trở lại với bài toán lượng - chất

Dục Tú| 13/11/2018 06:39

(HNM) - Bắt đầu từ tháng 10-2018, theo quy định mới, tiêu chuẩn công nhận trường đạt chuẩn quốc gia được đánh giá là cao hơn so với trước; việc thẩm định để công nhận trường học đạt chuẩn cũng chặt chẽ hơn khi Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trương tích hợp việc kiểm định chất lượng và kiểm tra trường chuẩn quốc gia.


Ngoài điểm quan trọng nói trên, quy định mới còn đưa vào thêm một loạt yếu tố khác hoặc nâng cao tiêu chí công nhận trường chuẩn quốc gia - liên quan đến đạo đức nhà giáo, mức độ an toàn trường học, sĩ số học sinh/lớp, vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng chống bạo lực học đường… Nhìn tổng thể, quy định mới cho phép hình dung một trường học đạt chuẩn quốc gia gần như hội đủ các yếu tố cần thiết để có được môi trường giáo dục tiên tiến mà xã hội mong muốn, gồm: Chất lượng giáo dục cả về trí tuệ và thể chất; tổ chức nhà trường; đội ngũ cán bộ, giáo viên; cơ sở vật chất, tài chính, thiết bị dạy và học; mối quan hệ giữa nhà trường, gia đình và xã hội.

Xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia là chủ trương mang tính chiến lược nhằm chuẩn hóa điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, chất lượng giáo dục. Sự cần thiết, lợi ích của vấn đề này là điều không thể bàn cãi. Tuy nhiên, trong điều kiện hiện nay tại Việt Nam, không chỉ các địa phương thuộc khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo mà ngay các tỉnh, thành phố khu vực đồng bằng, thậm chí là các thành phố lớn như Hà Nội… cũng rất khó để ngay lập tức “phổ cập” mô hình trường chuẩn quốc gia với tiêu chí rất cao nếu không có giải pháp đặc biệt và sự đồng lòng vào cuộc với quyết tâm cao vì sự tiến bộ của thế hệ trẻ từ tất cả các ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương và cộng đồng nói chung.

Những khó khăn đó thể hiện trên nhiều phương diện, mỗi nơi một khác. Ở khu vực đô thị thuộc một thành phố lớn tầm quốc tế cả về diện tích và dân số như Hà Nội là sức ép về quỹ đất dành cho việc xây trường học và tổ chức hoạt động giáo dục, là số lượng học sinh ngày một lớn dẫn đến quá tải trường học… Tại khu vực nông thôn, khó khăn còn lớn gấp bội, đặc biệt là về kinh phí đầu tư, cơ sở vật chất, thiết bị giáo dục…

Ngành Giáo dục Hà Nội cũng như nhiều địa phương khác, đã đề ra kế hoạch xây dựng trường chuẩn trên địa bàn với mục tiêu khá cụ thể cho từng giai đoạn dựa trên dự báo về khó khăn, thuận lợi trong triển khai thực hiện ở cơ sở. Nhiều giải pháp đã được đề ra nhằm bảo đảm thực hiện tiến độ, chất lượng xây dựng trường chuẩn, trong đó có sự chú trọng dành cho công tác kiểm định chất lượng, tăng cường hỗ trợ địa bàn khó khăn…

Trong thực tế, để đạt tới mục tiêu lớn nhất, quan trọng nhất là tạo môi trường giáo dục tiên tiến cho trẻ, nâng cao chất lượng giáo dục, điều quan trọng hàng đầu là làm sao nâng cao nhận thức của từng thành viên trong ngành, trong từng nhà trường cũng như chính quyền địa phương về mục đích xây dựng trường chuẩn. Bài toán lượng - chất, tiến độ - chất lượng liên quan tới thực hiện kế hoạch xây dựng trường chuẩn quốc gia cần phải được giải nghiêm túc, loại bỏ tình trạng vì muốn có “báo cáo đẹp” mà xoay xở bằng mọi giá, dẫn đến sự hình thành trường “chuẩn trên giấy”. Muốn vậy, việc quan trọng không chỉ là xác định tầm quan trọng của công tác kiểm định, đầu tư, hỗ trợ địa bàn khó khăn, mà còn là triển khai thực hiện phần việc đó như thế nào để bảo đảm tính khách quan, minh bạch, có trách nhiệm, đúng mục đích.

Rõ ràng, tiêu chí càng cao thì càng phải chú ý tới biện pháp bảo đảm chất lượng. Đó cũng là mục tiêu, bước khởi đầu của công tác giáo dục ở nước ta để đạt trình độ tiệm cận khu vực và quốc tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trở lại với bài toán lượng - chất

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.