Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xây dựng trường chuẩn quốc gia: Giải bài toán “thiếu” để về đích

Thống Nhất| 31/05/2023 06:47

(HNM) - Tính đến hết tháng 4-2023, tỷ lệ trường công lập đạt chuẩn quốc gia của thành phố Hà Nội đạt 72,4%. Đánh giá lại nửa chặng đường thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội, chỉ tiêu về lĩnh vực này đã cơ bản đáp ứng yêu cầu. Để hoàn thành chỉ tiêu có 80-85% số trường công lập đạt chuẩn quốc gia vào năm 2025, ngành Giáo dục và các địa phương của thành phố đã, đang tập trung khắc phục việc thiếu đất và thiếu kinh phí.

Trường Tiểu học Yên Viên (huyện Gia Lâm) đạt chuẩn quốc gia mức độ 1. Ảnh: Nguyễn Quang

Chuyển biến tích cực qua nửa nhiệm kỳ

Nhìn lại nửa nhiệm kỳ 2020-2025 cho thấy những chuyển biến tích cực trong công tác xây dựng trường học công lập đạt chuẩn quốc gia của thành phố Hà Nội. Thực tế, đây là giai đoạn kinh tế - xã hội cũng như đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, song, việc xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia của Hà Nội vẫn được quan tâm.

Năm 2020, các đơn vị được giao xây dựng 104 trường công đạt chuẩn, kết quả thực hiện được 122 trường, đạt 117,3% kế hoạch. Năm 2021, có 85 trường học trong kế hoạch đầu tư xây dựng trường chuẩn quốc gia cũng đã hoàn thành. Năm 2022, toàn thành phố có thêm 84 trường học đạt chuẩn quốc gia, trong khi chỉ tiêu đặt ra là 70 trường, đạt 120% kế hoạch.

Xác định việc xây dựng trường chuẩn quốc gia là cấp bách, song thành phố không chạy theo số lượng mà bỏ qua chất lượng. Vì thế, năm 2022, thành phố đã chỉ đạo các quận, huyện, thị xã rà soát, đưa ra khỏi danh sách những trường đã quá hạn (thời hạn công nhận đạt chuẩn là 5 năm) và chưa đáp ứng theo quy định mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương cho biết, Sở đã chỉ đạo các phòng giáo dục và đào tạo quán triệt, thực hiện nghiêm túc yêu cầu này; kiên quyết không để hiện tượng “nợ tiêu chí” chuẩn.

Tính đến hết tháng 4-2023, tỷ lệ trường công lập đạt chuẩn quốc gia của Hà Nội đạt 72,4% (1.625/2.248 trường). Đây là kết quả từ sự nỗ lực rất lớn của hệ thống chính trị thành phố, với mục tiêu tạo ra môi trường học tập tốt nhất cho học sinh. Thành quả của chặng đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố về công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia là nền tảng để Hà Nội thêm quyết tâm hoàn thành mục tiêu đề ra.

Giải bài toán thiếu đất, thiếu kinh phí

Thực tế, hiện nay, tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia giữa các địa phương trên địa bàn thành phố còn có sự chênh lệch đáng kể. Bốn đơn vị dẫn đầu tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia là huyện Đan Phượng đạt 98,2%, huyện Gia Lâm 93,6%, quận Tây Hồ 92,6% và quận Bắc Từ Liêm 90%. Trong khi đó, một số quận, huyện mới đạt trên dưới 50%. Bài toán thiếu đất ở khu vực nội thành, thiếu kinh phí ở ngoại thành trong xây dựng trường chuẩn quốc gia đang được các đơn vị quyết tâm tìm lời giải.

Quận Cầu Giấy là đơn vị hiện có tỷ lệ trường đạt chuẩn thấp nhất thành phố, mới đạt 45%. Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Cầu Giấy Phạm Ngọc Anh cho biết, quận đang tập trung triển khai các dự án đầu tư công thuộc kế hoạch trung hạn 2021-2025, trong đó có 4 dự án xây trường mới, tổng kinh phí gần 575 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành trong năm nay.

“Ngoài ra, Phòng Giáo dục và Đào tạo quận sẽ tham mưu lãnh đạo quận tăng cường đầu tư xây dựng, cải tạo trường học và tiếp tục ưu tiên dành quỹ đất cho giáo dục”, ông Phạm Ngọc Anh thông tin thêm.

Huyện Mê Linh hiện có 53/78 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt 67,9%, thấp hơn tỷ lệ chung của thành phố. Huyện đặt mục tiêu phấn đấu có thêm 7 trường đạt chuẩn trong năm nay. Các dự án này đang được hoàn thiện, dự kiến hoàn thành đúng tiến độ. Cuối tháng 6 hoặc đầu tháng 7-2023, huyện sẽ báo cáo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội thành lập đoàn đánh gía ngoài để công nhận trường chuẩn quốc gia. Theo Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mê Linh Nguyễn Văn Hậu, năm 2023, huyện Mê Linh ưu tiên dành phần lớn kinh phí đầu tư cho công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia.

Bên cạnh đó, Mê Linh cũng là một trong số các huyện được hỗ trợ kinh phí rất lớn theo Nghị quyết số 02/NQ-HĐND ngày 8-4-2022 của HĐND thành phố về bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025. Vì vậy, khó khăn trong thiếu kinh phí thực hiện các dự án đầu tư xây dựng, cải tạo trường học công lập đạt chuẩn quốc gia của huyện Mê Linh bước đầu đã được giải quyết.

Để hoàn thành mục tiêu xây dựng trường chuẩn quốc gia, bên cạnh các giải pháp đang triển khai, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đề nghị các phòng giáo dục và đào tạo tham mưu UBND các quận, huyện, thị xã tiếp tục ưu tiên nguồn lực; chỉ đạo các đơn vị có kế hoạch xây dựng trường chuẩn chủ động lập kế hoạch tự đánh giá, nếu đủ điều kiện thì báo cáo cơ quan quản lý cấp trên sớm tổ chức đánh giá ngoài để công nhận chuẩn quốc gia.

Riêng với các quận, đặc biệt là quận ở trung tâm thành phố, Sở đề nghị các đơn vị quan tâm bổ sung quỹ đất để mở rộng hoặc tách trường; tính toán, đề xuất tăng diện tích bằng cách nâng tầng công trình.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng trường chuẩn quốc gia: Giải bài toán “thiếu” để về đích

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.