Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xây dựng trường chuẩn quốc gia: Chung sức tạo ''sản phẩm'' đạt chuẩn

Thống Nhất| 25/05/2022 06:26

LTS: Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020-2025) Đảng bộ thành phố Hà Nội đặt chỉ tiêu đến năm 2025, tỷ lệ trường công lập (mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông) đạt chuẩn quốc gia ở mức 80-85%. Để thực hiện mục tiêu trên, việc xây dựng trường công lập đạt chuẩn quốc gia được cả hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở và ngành Giáo dục - Đào tạo Hà Nội xác định là nhiệm vụ trọng tâm, kiên trì triển khai, nhằm đem đến các điều kiện dạy - học đạt chuẩn, tạo ra “sản phẩm” đạt chuẩn, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho Thủ đô.

Cơ sở vật chất khang trang của Trường Mẫu giáo số 10 (quận Ba Đình) - trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2. Ảnh: Đỗ Tâm

Bài 1: Ưu tiên mọi nguồn lực

Xác định việc xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu để xây dựng môi trường giáo dục đạt chuẩn, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục một cách bền vững, vì vậy những năm gần đây, thành phố Hà Nội luôn ưu tiên mọi nguồn lực cho lĩnh vực này. Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng những nỗ lực ấy đã góp phần thay đổi đáng kể diện mạo ở các nhà trường học trên địa bàn. Ngày càng có nhiều học sinh được học trong những ngôi trường khang trang, với các tiêu chí đạt chuẩn, sự đồng thuận, tin tưởng của phụ huynh học sinh cũng ngày càng tăng.

Những mảng màu sáng 

Trong lộ trình xây dựng trường học theo các tiêu chuẩn của trường đạt chuẩn quốc gia do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định, các đơn vị đều gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, khi xác định đặt quyền lợi học tập của học sinh và chất lượng giáo dục là cao nhất, vượt lên những khó khăn chung, một số đơn vị đã có cách làm tập trung, quyết liệt, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp và đã bứt phá trong việc xây dựng trường chuẩn quốc gia.

Tiêu biểu có thể kể đến là quận Ba Đình. Từ một địa phương nhiều năm liền nằm trong nhóm 5 đơn vị có tỷ lệ trường công lập đạt chuẩn quốc gia thấp nhất thành phố (dưới 60%), từ năm 2020 trở lại đây, số trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia trên địa bàn Ba Đình đã tăng nhanh. Hiện tại, toàn quận có 40/49 trường đạt chuẩn, chiếm tỷ lệ gần 82%. Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Ba Đình Lê Đức Thuận cho biết, khó khăn nhất của Ba Đình là thiếu quỹ đất để xây dựng, mở rộng trường học; trong khi đó, số lượng học sinh trong độ tuổi tuyển sinh hằng năm lại tăng nhanh.

Trước thực tế này, Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XXVI Đảng bộ quận Ba Đình (nhiệm kỳ 2020-2025) đặt mục tiêu, xây dựng 100% trường công lập đạt chuẩn quốc gia. Theo đó, trên cơ sở rà soát tất cả các trường trên địa bàn, UBND quận Ba Đình đã ban hành kế hoạch cải tạo, sửa chữa, xây mới, sáp nhập các trường học theo tiêu chí trường chuẩn quốc gia. Lộ trình, kinh phí, các hạng mục đầu tư, giải pháp cho từng trường cũng được xác định rõ. Đặc biệt, việc dành quỹ đất để mở rộng, xây mới trường học được ưu tiên hàng đầu.

Chủ động đáp ứng chỗ học với các điều kiện trường, lớp đạt chuẩn; ưu tiên mọi nguồn lực ở mức cao nhất, đầu tư tập trung để xây dựng trường chuẩn quốc gia là giải pháp được huyện Đan Phượng áp dụng. Những năm gần đây, Đan Phượng luôn duy trì vị thế dẫn đầu khối huyện về tỷ lệ trường chuẩn quốc gia.

Theo Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đan Phượng Bùi Thị Thu Hằng, toàn huyện hiện có 53/54 trường đạt chuẩn. Trường còn lại đang hoàn thiện các điều kiện để được UBND thành phố Hà Nội công nhận chuẩn quốc gia trong năm 2022. Qua ghi nhận thực tế ở một số trường học ở huyện Đan Phượng cho thấy, việc xây dựng trường chuẩn quốc gia không chỉ đáp ứng theo các tiêu chuẩn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, mà còn được nâng lên ở mức cao hơn, đó là tạo khung cảnh sư phạm xanh, sạch, đẹp, thân thiện. Các nhà trường đều tận dụng tối đa diện tích để tạo không gian vui chơi, rèn thể lực cho học sinh.

Tách ra từ Trường Tiểu học Tân Lập, thành lập tháng 8-2020, Trường Tiểu học Tân Lập B (huyện Đan Phượng) rộng gần 14.000m2. Hơn 900 học sinh của trường được học tập ở một ngôi trường đạt chuẩn mức độ 2. Điểm ấn tượng của trường là không chỉ có sân bóng đá, sân bóng rổ, nhà đa năng như nhiều trường khác, mà còn bởi một khu nhà 3 tầng với hàng chục phòng ăn, phòng ngủ riêng biệt, trang thết bị hiện đại…

Bà Nguyễn Thị Lan, phụ huynh học sinh Trường Tiểu học Tân Lập B bày tỏ: “Được trở lại trường từ sau đợt học trực tuyến khá dài do ảnh hưởng của dịch Covid-19, con tôi rất háo hức. Tôi rất yên tâm với điều kiện chăm sóc chu đáo, trang thiết bị hỗ trợ, chăm sóc học sinh của trường”.

79% số trường công lập đã đạt chuẩn

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, tính đến tháng 4-2022, thành phố Hà Nội đã có 1.767 trường công lập đạt chuẩn quốc gia, chiếm tỷ lệ 79% tổng số trường công lập của toàn thành phố. So với thời điểm tháng 5-2020, tăng 187 trường đạt chuẩn.

Ghi nhận từ thực tế cho thấy, việc xây dựng trường học theo các tiêu chuẩn trường đạt chuẩn quốc gia do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành được cả hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở trên địa bàn Hà Nội xác định là nhiệm vụ trọng tâm, luôn ưu tiên mọi nguồn lực.

Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Thanh Xuân Phạm Gia Hữu khẳng định, toàn quận hiện có 40/46 trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở công lập đạt chuẩn, chiếm gần 87%. Kết quả này có được từ sự quan tâm thiết thực của lãnh đạo quận nhiều năm nay. Hằng năm, ngân sách của quận dành cho lĩnh vực giáo dục và đào tạo nói chung, xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia luôn chiếm tỷ lệ lớn. Không chỉ tập trung kinh phí, việc dành quỹ đất để xây dựng, mở rộng trường, lớp học cũng được lãnh đạo quận quan tâm và đang quyết liệt triển khai nhiều giải pháp để tiếp tục nâng số trường đạt chuẩn.

Còn theo Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Gia Lâm Hoàng Việt Cường, việc phát triển quy mô, xây dựng và mở rộng trường học theo các tiêu chuẩn trường chuẩn quốc gia được xác định là mục tiêu, cũng là giải pháp để không chỉ đáp ứng nhu cầu về chỗ học, mà còn nhằm nâng cao chất lượng dạy, học bền vững. Với sự đầu tư tập trung, đến nay toàn huyện có 74/78 trường công lập đạt chuẩn quốc gia, chiếm tỷ lệ gần 95%. Năm học 2020-2021, có 12 trường được UBND huyện đầu tư 436 tỷ đồng để xây mới và sửa chữa các phòng học, phòng chức năng, bổ sung thiết bị theo các tiêu chí trường chuẩn.

Việc xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia đã góp phần tạo lập môi trường giáo dục đạt chuẩn, từ đó nâng cao chất lượng giáo dục một cách bền vững.

(Còn nữa)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng trường chuẩn quốc gia: Chung sức tạo ''sản phẩm'' đạt chuẩn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.