Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tổng tuyển cử tại Thái Lan: Mong chờ kỷ nguyên mới

Quỳnh Dương| 24/03/2019 07:11

(HNM) - Hôm nay, 24-3, khoảng 50 triệu cử tri Thái Lan đi bầu cử Quốc hội. Sự kiện này thu hút sự chú ý của dư luận quốc tế vì đây là lần đầu tiên kể từ năm 2011, các cử tri Thái Lan thực hiện quyền công dân của mình.

Một số cử tri Thái Lan đã đi bỏ phiếu sớm vào ngày 17-3.


Theo thống kê, có tới hơn 70 chính đảng tham gia cuộc tổng tuyển cử. Đích đến là 500 ghế Hạ viện, nơi các đảng phải giành được ít nhất 25 ghế để có thể đề cử ứng viên của mình cho chức thủ tướng. Dù rất đông đảng phái tham gia, song giới phân tích nhận định, đây là “cuộc đua” của 3 lực lượng chính, gồm: Các đảng thân quân đội và ủng hộ Thủ tướng đương nhiệm Prayuth Chan-ocha như đảng Palang Pracharath, đảng Ruampalang Prachachart Thai, đảng Cải cách nhân dân; các đảng chống chính quyền quân sự gồm Pheu Thai, Pheu Tham, Hướng tới tương lai, Bình dân, Tự do Thái Lan; các đảng trung dung như Dân chủ, Bhumjai Thai và Chartthaipatana.

Các nhà phân tích cho rằng, Luật Bầu cử đã được thay đổi theo chiều hướng có lợi cho phe quân đội khi lưỡng viện là nơi bầu ra thủ tướng. Tại Hạ viện, cử tri sẽ chọn ra 350 Hạ nghị sĩ tại 350 khu vực trên khắp cả nước. 150 Hạ nghị sĩ còn lại sẽ được tính toán và phân bổ theo danh sách đảng. 250 ghế Thượng viện sẽ do Hội đồng vì hòa bình và trật tự quốc gia chỉ định. Đây là cơ quan gồm các quân nhân do Thủ tướng Prayuth Chan-ocha đứng đầu.

Vì vậy, đương kim Thủ tướng đang rất có lợi thế do cơ chế này bảo đảm cho phe quân sự nắm 1/3 Quốc hội Thái Lan từ trước khi bầu cử diễn ra. Phe quân đội sẽ chỉ cần giành 126 ghế tại Hạ viện để có thể đưa ứng viên của mình vào vị trí người đứng đầu chính phủ.

Ngay trước thềm bầu cử, ngoài Thủ tướng Prayuth Chan-ocha, có 4 gương mặt sáng giá khác đã được nhắc tới như những ứng cử viên tiềm năng cho chiếc ghế lãnh đạo Chính phủ xứ sở Chùa Vàng.

Trong đó, nổi bật nhất là bà Sudarat Keyuraphan, lãnh đạo đảng Pheu Thai và có mối quan hệ thân thiết với cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra. Bà từng là Bộ trưởng Y tế và Bộ trưởng Nông nghiệp dưới thời chính trị gia tỷ phú nắm quyền. Bà Sudarat Keyuraphan thường xuyên cho rằng chính phủ của ông Prayuth Chan-ocha gây ra tình trạng giảm tốc của nền kinh tế Thái Lan, đồng thời cam kết sẽ có những chính sách phục hồi tăng trưởng.

Trong khi đó, cựu Thủ tướng Abhisit Vejjajiva, ứng cử viên của đảng Dân chủ lâu đời nhất Thái Lan đang cố gắng chứng minh sẽ là một nhà lãnh đạo có khả năng thỏa hiệp đối với những cử tri không muốn liên minh quân sự hoặc một đảng khác do ông Thaksin Shinawatra hậu thuẫn điều hành đất nước. Ông Abhisit Vejjajiva tuyên bố sẽ xây dựng chính sách tập trung sửa đổi hệ thống pháp lý, chống tham nhũng và phân quyền lực về địa phương, giải quyết vấn đề an sinh, cải tổ hệ thống thuế, tăng cường thương mại với Trung Quốc theo khung hợp tác của ASEAN…

Nhân vật tiếp theo là doanh nhân Anutin Charnvirakul, 52 tuổi, thủ lĩnh đảng Bhumjai Thai, đảng nhận được sự ủng hộ của cử tri ở một số tỉnh Đông Bắc và miền Trung Thái Lan. Chính đảng này từng đứng thứ ba trong cuộc bỏ phiếu hồi cuối năm 2011. Chủ trương của Bhumjai Thai là hướng tới việc hợp pháp hóa các dịch vụ chia sẻ xe hay nới lỏng điều khoản trả nợ cho các khoản vay của sinh viên…

Ngoài ra, ứng cử viên Thanathorn Juangroongruangkit, người đứng đầu đảng Hướng tới tương lai được xem là nhân tố khó lường nhất. Đây là một chính đảng trẻ, mới được thành lập hồi năm ngoái với mong muốn lập lại nền dân chủ toàn diện cho Thái Lan. Là một doanh nhân giàu có bước vào chính trường ở tuổi 40, ông Thanathorn Juangroongruangkit nhiều khả năng nhận được sự ủng hộ của giới trẻ với cương lĩnh tranh cử tập trung giải quyết các vấn đề kinh tế, nâng cao dịch vụ công.

Theo dự tính, số cử tri Thái Lan đi bỏ phiếu rất cao và tỷ lệ có thể lên tới khoảng 80% khi họ đều mong muốn đất nước sẽ bước vào một kỷ nguyên mới với sự ổn định chính trị và đời sống người dân được cải thiện.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tổng tuyển cử tại Thái Lan: Mong chờ kỷ nguyên mới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.