Theo Reuters ngày 26-5 (giờ địa phương), Tổng thống Pháp Emanuel Macron sẽ tới Đức trong chuyến thăm cấp nhà nước kéo dài 3 ngày, khi hai cường quốc lớn nhất của Liên minh châu Âu (EU) tìm cách thể hiện sự đoàn kết trước cuộc bầu cử Nghị viện EU vào tháng tới .
Chuyến đi của ông Macron tới thủ đô Berlin, thành phố Dresden ở phía Đông và Muenster ở phía Tây là chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên của một Tổng thống Pháp tới Đức sau 24 năm.
Chuyến thăm được xem như một cuộc kiểm tra mối quan hệ Đức -Pháp, hai quốc gia đứng đầu trong việc thúc đẩy các hoạch định chính sách của EU, vào thời điểm liên minh này đang gặp những thách thức lớn, từ cuộc xung đột ở Ukraine đến khả năng ông Donald Trump đắc cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới.
Tổng thống Macron và Thủ tướng Đức Olaf Scholz có phong cách lãnh đạo rất khác nhau, đã công khai xung đột về các vấn đề từ quốc phòng đến năng lượng hạt nhân kể từ khi ông Scholz lên nắm quyền vào cuối năm 2021.
Pháp, quốc gia có vũ khí hạt nhân, luôn thúc đẩy một châu Âu tự chủ hơn về các vấn đề quốc phòng, đã chỉ trích sáng kiến “Lá chắn Bầu trời châu Âu” do Đức khởi xướng, trong đó có việc mua sắm hệ thống phòng không từ các công ty Israel và Mỹ. Nhà lãnh đạo Pháp luôn nhấn mạnh mục tiêu “tự chủ chiến lược” của châu Âu và khuyến khích EU giảm phụ thuộc vào Mỹ, nhất là về an ninh.
Trong khi đó, Đức cho rằng không có giải pháp thay thế đáng tin cậy nào cho chiếc ô quân sự của Mỹ và châu Âu không có thời gian chờ đợi ngành công nghiệp quốc phòng trong khu vực chuẩn bị sẵn sàng cho các mối đe dọa như sự thù địch của Nga.
Tuy nhiên, gần đây hai nhà lãnh đạo đã đạt được thỏa hiệp trên nhiều lĩnh vực, từ cải cách tài chính đến trợ cấp thị trường, cho phép EU đạt được các thỏa thuận và thể hiện một mặt trận thống nhất hơn.
Yann Wernert tại Viện Jacques Delors ở thủ đô Berlin cho biết: “Có những căng thẳng trong mối quan hệ Đức - Pháp nhưng một phần chính là do họ đã giải quyết một số chủ đề khó khăn”.
Thế nên, trong chuyến thăm này, hai nhà lãnh đạo sẽ cố gắng tìm ra điểm chung trong chương trình nghị sự của EU trong 5 năm tới, trước sự thể hiện mạnh mẽ của phe cực hữu trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu từ ngày 6 đến 9-6, khiến việc ra quyết định của EU có thể trở nên khó khăn hơn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.