Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tổng thống Ai Cập thăm chính thức Iraq: ''Gieo mầm'' hòa bình và phát triển

Hoàng Linh| 29/06/2021 06:54

(HNM) - Chuyến thăm chính thức của Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi tới thủ đô Baghdad của Iraq để tham dự Hội nghị Thượng đỉnh ba bên Ai Cập, Jordan và Iraq đã ghi dấu ấn mới trong quan hệ hợp tác song phương. Sự kiện này được xem là đóng góp đáng kể của Ai Cập trong việc "gieo mầm" xây dựng khu vực Trung Đông hòa bình, ổn định và phát triển.

Thủ tướng Iraq Mustafa al-Kadhimi chào đón Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi tại Baghdad.

Sợi dây liên kết giữa Iraq và Ai Cập đã bị gián đoạn từ năm 1990, khi Baghdad đưa quân tới Kuwait. Tuy nhiên, trong vài năm trở lại đây, mối quan hệ dần được cải thiện. Quan chức cấp cao hai nước cũng đã thực hiện nhiều chuyến thăm qua lại, từng bước hâm nóng lại mối quan hệ nguội lạnh. Đầu năm 2021, Cairo đã ký 15 thỏa thuận và biên bản ghi nhớ hợp tác với Baghdad trong các lĩnh vực dầu mỏ, xây dựng và thương mại. Tháng 12-2020, Iraq cũng thông qua việc gia hạn hợp đồng cung cấp cho Tổng công ty Dầu khí Ai Cập 12 triệu thùng dầu thô nhẹ Basra cho năm 2021.

Trong bối cảnh đó, chuyến thăm đầu tiên của một Tổng thống Ai Cập tới Iraq sau hơn ba thập kỷ là dấu ấn khẳng định mối quan hệ giữa hai bên đã lên một tầm cao mới. Trước thềm chuyến thăm, Tổng thống Abdel Fattah al-Sisi khẳng định nguyện vọng của Ai Cập trong việc nâng tầm hợp tác song phương với Iraq thành một khuôn khổ bền vững của hội nhập kinh tế và hợp tác chiến lược, để duy trì an ninh và ổn định trong khu vực. Về phần mình, Tổng thống Barham Saleh hoan nghênh người đồng cấp Ai Cập, nhấn mạnh chuyến thăm là "một thông điệp hùng hồn giữa những thách thức to lớn trong khu vực".

Iraq cũng có nhiều lý do để chào đón nhà lãnh đạo Ai Cập. Sau nhiều năm là chiến trường tranh giành ảnh hưởng giữa các nước lớn, đà phục hồi gần đây của quốc gia gần 40 triệu dân này đã mở đường cho Iraq từng bước hội nhập vào nền kinh tế khu vực cũng như toàn cầu. Trong tiến trình này, quan hệ với Ai Cập đóng vai trò then chốt, bởi Cairo vẫn là một trong những đối tác thương mại hàng đầu của Baghdad suốt nhiều thập kỷ khó khăn, nhất là giai đoạn 1995-2003, khi chương trình đổi dầu lấy lương thực (OIP) của Liên hợp quốc là lối thoát kinh tế hiếm hoi của Baghdad. Ngoài ra, việc thắt chặt quan hệ với các quốc gia Ả rập láng giềng, như: Saudi Arabia, Ai Cập, Jordan... là điều lâu nay Iraq vẫn được Mỹ thúc giục. 

Bên cạnh thắt chặt quan hệ song phương, chuyến thăm của Tổng thống Abdel Fattah al-Sisi lần này còn có mục đích tham gia hội nghị chung ba bên Ai Cập - Jordan - Iraq - là vòng đàm phán thứ tư nhằm tăng cường hợp tác an ninh, kinh tế, thương mại và đầu tư. Trong bức tranh tổng thể quan hệ Ai Cập - Iraq, Jordan luôn giữ vị trí quan trọng là cầu nối về mặt địa lý. Về chính trị, Jordan vừa là mắt xích trong “liên minh Ả rập”, vừa là nhân tố điều phối vấn đề Israel - vốn là điểm nhạy cảm trong quan hệ Cairo - Baghdad suốt từ thập niên 70 của thế kỷ trước.

Theo Tổng thống Abdel Fattah al-Sisi, trong các thảo luận, lãnh đạo hai nước cùng với Vua Abdullah II của Jordan đã trao đổi về những diễn biến gần đây của xung đột Israel - Palestine, cuộc chiến ở Yemen, các nỗ lực chống khủng bố và hợp tác kinh tế..., trong đó nhấn mạnh tới tầm quan trọng của việc mở cửa trở lại biên giới để khuyến khích thương mại trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế do đại dịch Covid-19. Các nhà lãnh đạo cũng nhấn mạnh đến sự cần thiết phải tăng cường tham vấn và phối hợp ba bên về các vấn đề trong khu vực.

Giới phân tích đánh giá hết sức tích cực chuyến thăm của nhà lãnh đạo Ai Cập tới Iraq lần này. Mối quan hệ bền chặt giữa hai nước có thể đem tới những lợi ích rất lớn về kinh tế trong tương lai. Điều đó không chỉ có ý nghĩa đối với hai quốc gia mà còn là nhân tố tích cực thúc đẩy quá trình xây dựng khu vực Trung Đông hòa bình, ổn định và phát triển.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tổng thống Ai Cập thăm chính thức Iraq: ''Gieo mầm'' hòa bình và phát triển

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.