Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tiến trình hòa bình Trung Đông: Mắc kẹt giữa hai làn đạn

Phương Quỳnh| 23/07/2014 06:27

(HNM) - Gần 6 năm sau cuộc xung đột lớn nhất trong khu vực, những ngày này, Dải Gaza một lần nữa phải oằn mình dưới làn mưa bom và đạn pháo của các đợt không kích và tấn công bộ binh với hỏa lực mạnh của Israel.


Trong một diễn biến mới nhất, lần đầu tiên kể từ khi xung đột đẫm máu leo thang tại Dải Gaza, Tổng thống chính quyền Palestine (PA) Mahmoud Abbas và thủ lĩnh Hamas Khaled Mashaal đã gặp nhau tại Qatar để thảo luận về một thỏa thuận ngừng bắn với Israel. Tuy nhiên, đây là một đích đến không dễ dàng với Tổng thống M.Abbas. Vì trước đó, phong trào Hồi giáo Hamas đã đề xuất ngừng bắn trong khoảng thời gian 10 năm - với các điều kiện như: Thả các tù nhân Palestine đang bị phía Israel bắt giữ, mở các cửa khẩu biên giới giữa Gaza và Israel cho phép hàng hóa, dân cư qua lại và có sự giám sát quốc tế tại cảng biển Gaza - đang bị Israel phong tỏa, trả lại những phần đất mà Israel chiếm đóng… nhưng đã không được Israel chấp nhận. Ngay cả các thỏa thuận ngừng bắn tạm thời vì mục đích nhân đạo trong những ngày gần đây cũng liên tục bị hai phía phá vỡ.

Hàng nghìn người dân Palestine mất nhà cửa sau các cuộc oanh tạc của Israel.


Trên thực tế, bạo lực chưa bao giờ chấm dứt tại vùng đất này với việc các nhóm chiến binh ở Dải Gaza thường xuyên nã rocket vào lãnh thổ Israel dẫn đến các cuộc trả đũa của Tel Aviv ngày một ác liệt hơn bằng các cuộc không kích và trấn áp những tổ chức cơ sở của Hamas tại khu Bờ Tây. Căng thẳng đã lên đến đỉnh điểm sau khi 3 thiếu niên Israel bị bắt cóc và sát hại tại Bờ Tây hồi tháng trước. Chính phủ Israel đã lập tức quy trách nhiệm ngay cho Hamas về sự kiện này; đồng thời mở chiến dịch quân sự quy mô lớn bắt giữ hàng trăm người Palestine, các nghị sĩ là thành viên Hamas, phá hủy và lục soát nhiều nhà cửa ở Bờ Tây, không kích nhiều mục tiêu tại Dải Gaza... Hành động mạnh tay của Israel đã dẫn đến lo ngại về một cuộc nổi dậy lần thứ ba của người Palestine khi nhiều cuộc biểu tình đã nổ ra cùng các cuộc đối đầu với lực lượng cảnh sát Israel, trong khi đó, các nhóm chiến binh ở Dải Gaza tiếp tục các cuộc tấn công bằng rocket vào lãnh thổ Israel.

Cuộc đụng độ Israel - Palestine gia tăng đột biến trong mấy ngày qua khiến cộng đồng quốc tế phải vào cuộc. Liên minh Châu Âu (EU) và Liên đoàn Các quốc gia Arab đã lên tiếng kêu gọi các bên kiềm chế và ngừng bắn ngay lập tức. Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cũng bày tỏ quan ngại sâu sắc về số phận dân thường trong cuộc giao tranh giữa Israel và Palestine. Trong khi đó, Nhà Trắng lần đầu tiên công khai phản đối một cuộc tấn công toàn diện của Israel vào Dải Gaza. Thế nhưng, nỗ lực làm trung gian của các nước trong khu vực cho một thỏa thuận ngừng bắn khó có thể đạt kết quả do khoảng cách giữa hai bên đối đầu trực tiếp là Hamas và Israel còn quá xa. Bên cạnh đó, phương thức để giải quyết các vấn đề cốt lõi của cuộc xung đột vẫn là một bài toán chưa có lời giải. Nếu không có sự thay đổi căn bản về quan điểm, Israel và Palestine khó có thể tìm được tiếng nói chung trong những ngày tới và tiến trình hòa bình Trung Đông sẽ vẫn bị mắc kẹt "giữa hai làn đạn".

Trong khi đó, hành động trả đũa của hai bên trong những ngày qua không ngừng leo thang đang đẩy những người dân sống trong vùng chiến sự ở Dải Gaza vào cảnh khốn cùng. Theo thông tin mới nhất, tính đến ngày 22-7, tức 14 ngày kể từ khi Israel mở chiến dịch quân sự "Bảo vệ Biên thùy" và đưa bộ binh vào Dải Gaza (từ 17-7), đã có gần 600 người Palestine, 29 người Israel (trong đó có 27 binh sĩ) thiệt mạng. Trung tâm Nhân quyền Palestine (PCHR) vừa công bố một báo cáo cho biết trong chiến dịch tấn công trên bộ tại Dải Gaza được mở rộng vào ngày 20-7, quân đội Israel đang sử dụng đạn "flechette" (đạn pháo tổ ong), có độ sát thương cao trong các cuộc chiếm lĩnh mục tiêu tại Dải Gaza. Theo B'Tselem - một tổ chức nhân quyền của Israel, loại đạn này được bắn từ xe tăng; khi phát nổ sẽ bắn ra hàng nghìn mảnh kim loại hình mũi tên dài 37,5mm trong phạm vi hình nón đủ gây sát thương trên diện tích khoảng 300m2.

Bất kể cuộc đối đầu quân sự này kết thúc như thế nào thì kết quả của cuộc chiến được cho là sẽ không khác nhiều so với những cuộc xung đột trước đây tại vùng đất này, nghĩa là không có kẻ thắng và người thua. Nạn nhân duy nhất trong cuộc chiến đang diễn ra tại Dải Gaza vẫn chính là thường dân vô tội.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tiến trình hòa bình Trung Đông: Mắc kẹt giữa hai làn đạn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.