(HNM) - Đi vào lĩnh vực hóc búa, đề tài kén chọn người đọc, nữ tiến sĩ trẻ thể hiện sự dấn thân và tâm huyết. Chị chia sẻ về cơ duyên dẫn chị đến với đề tài nghiên cứu này.
- Tôi tình cờ tiếp xúc với văn bản bộ tuồng “Quần phương tập khánh” (nghĩa là “Muôn loài thảo mộc chầu về chúc tụng” - một bộ tuồng tiêu biểu trong hệ thống văn bản và biểu diễn nghệ thuật tuồng triều Nguyễn) khi khảo sát tại Huế cho khóa luận tốt nghiệp năm 2003. Tôi sưu tập thêm và quyết định chọn nó làm nội dung cho luận án tiến sĩ. Thời gian nghiên cứu ở nước ngoài cho phép tôi có một khoảng cách nhất định để nhìn lại những gì mình đã viết, từ đó xây dựng cuốn sách trên cơ sở tái cấu trúc, bổ sung luận điểm và cập nhật thông tin.
5 năm trước, tôi đã đề nghị một số đơn vị về việc xuất bản trước tiên là bản phiên Nôm, chú thích văn bản tuồng này, nhưng những tính toán về thị trường đã khiến cho dự định đó không thực hiện được. Rất may là sau đó, tôi đã nhận được sự hỗ trợ kinh phí xuất bản của Mạng lưới học giả Việt Nam (Vietnam Scholar Network).
- Chị nghĩ sao về sự tiếp nhận của người đọc?
- In công trình vào thời điểm hiện tại là một quyết định khó khăn. Bất kỳ nhà nghiên cứu nào cũng biết rằng mỗi lần giở bản thảo ra là lại muốn sửa chữa, bổ sung, nhiều khi muốn bỏ đi để viết lại vì nhận ra thiếu sót. Tuy nhiên, in ra cũng là một cách để nâng cao chất lượng công trình bằng sự phản hồi của độc giả. Tôi đã nhận được nhiều phản hồi, phản biện có, đồng thuận cũng có. Điều đó cho thấy quyết định in sách là đúng.
- Theo chị, việc chậm khai thác hệ thống văn bản tuồng cổ đã gây ra những hạn chế gì trong hoạt động nghệ thuật tuồng?
- Qua quan sát về nghệ thuật sân khấu tuồng trong nhiều năm, qua các xuất bản phẩm và qua hoạt động biểu diễn nghệ thuật, tôi thấy văn bản tuồng cổ đang bị coi nhẹ. Sự “cách tân” ít nhiều có tác dụng đưa tuồng cổ lại gần với công chúng hiện đại, song như thế là chưa đủ. Sự hiểu biết không toàn diện về hệ thống tuồng cổ đồ sộ của Việt Nam khiến người làm nghệ thuật dễ rơi vào tình trạng tùy tiện thay đổi câu chữ của tuồng cổ, làm nội dung trở nên vô nghĩa, hoặc thiếu tự tin về độ phong phú của kịch mục và giá trị văn học nghệ thuật sâu sắc của tuồng cổ.
- Vậy, thâm nhập văn bản tuồng cổ có thể bổ khuyết những gì cho giới nghiên cứu, biểu diễn?
- Không chỉ với tuồng hay sân khấu truyền thống mà các lĩnh vực khác thuộc văn hóa, văn học, lịch sử… cũng đang đứng trước yêu cầu phải có nghiên cứu cơ bản và hệ thống dựa trên cơ sở tư liệu và phê phán tư liệu thực chứng. Tuồng cũng vậy, nếu chưa phác họa được một cách cơ bản kho tàng tuồng cổ Việt Nam gồm bao nhiêu kịch mục, mỗi kịch mục có bao nhiêu văn bản, xuất nhập ra sao, được biên soạn hoặc thịnh hành ở thời gian nào, nội dung và giá trị tới đâu… thì chưa thể nói tới những bước nghiên cứu tiếp theo. Trước mắt, những nghiên cứu bước đầu như vậy ít nhất có thể cung cấp chất liệu cho nghiên cứu tuồng, sân khấu truyền thống, làm cơ sở kịch bản cho việc dàn dựng những kịch mục mới phục vụ hoạt động biểu diễn; đồng thời là căn cứ để tái cấu trúc hoặc chỉnh lý những kịch mục đang hiện hành.
- GS Trần Ngọc Vương có ví công trình này như một cái giếng đào vào những vỉa quặng từ quá khứ. Vỉa quặng đó như thế nào trong hình dung và sự khám phá bước đầu của chị?
- Hình ảnh GS Trần Ngọc Vương đưa ra cũng gần gũi với cảm nhận của tôi khi chọn tuồng làm chủ đề nghiên cứu. Lấy một ví dụ, một vở tuồng, ngoài việc tìm kiếm một văn bản hoàn thiện thì còn cần tìm các dị bản, nghiên cứu so sánh đối chiếu các dị bản để tìm ra thiện bản (bản nền), xác định niên đại văn bản, niên đại tác phẩm và tác giả, phiên âm, chú giải, nghiên cứu giá trị về phương diện văn học… Thử tưởng tượng, chỉ với hơn 200 văn bản hiện có, khối lượng công việc sẽ đồ sộ tới mức nào. Thực sự, mỗi một vở tuồng không đơn thuần chỉ là một vở diễn, một tác phẩm văn học nghệ thuật, nó còn có vị trí riêng trong tiến trình lịch sử Việt Nam, và vì vậy có thể tiếp cận chúng từ nhiều góc độ khác nhau, từ các ngành khoa học khác nhau. Đó là còn chưa kể đến vị trí của hoạt động biểu diễn tuồng trong văn hóa và đời sống xã hội Việt Nam quá khứ và hiện tại.
Tham vọng của tôi là tới một ngày nào đó, dù chắc chắn còn rất xa, là có đủ tư liệu để phác họa ở một chừng mực nhất định lịch sử nghệ thuật tuồng Việt Nam
- Xin cảm ơn chị!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.