Theo dõi Báo Hànộimới trên

Trầm bổng điệu tuồng cổ Ngự Câu

Thúy Hằng| 06/05/2023 06:30

(HNM) - Ai đến Ngự Câu (xã An Thượng, huyện Hoài Đức), nếu được nghe những diễn viên không chuyên ở đây cất lên giọng ca tuồng cổ, có lẽ sẽ không thể quên. Mảnh đất này là nơi lưu giữ, lan tỏa làn điệu tuồng cổ của dân tộc theo suốt chiều dài lịch sử. Ngưng tay cày, tay cuốc, các nghệ sĩ, diễn viên, nhạc công quần chúng của gánh hát tuồng Ngự Câu lại ngân nga, trầm bổng các làn điệu tuồng cổ với niềm đam mê bất tận, để rồi tình yêu ấy ngày càng thấm đẫm trong mỗi người, giúp họ nuôi dưỡng, phát triển những giá trị nghệ thuật truyền thống cho quê hương.

Một buổi sinh hoạt của các thành viên Câu lạc bộ Tuồng Ngự Câu (xã An Thượng, huyện Hoài Đức).

Khi diễn viên quần chúng lên sân khấu

Chúng tôi đến thăm Câu lạc bộ Tuồng Ngự Câu đúng dịp câu lạc bộ sinh hoạt thường kỳ. Dù không đủ đầy các thành viên do người bận đi thăm con cháu, người đi du lịch, người thì ốm đau, nhưng không khí buổi sinh hoạt vẫn rất vui vẻ, đầm ấm. Thi thoảng những làn điệu tuồng cổ lại được các thành viên cất lên hòa trong tiếng vỗ tay làm cho buổi sinh hoạt càng thêm sôi động.

Rót chén trà mời khách, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Tuồng Ngự Câu Đào Văn Tiến chia sẻ: “Câu lạc bộ hiện có hơn 20 thành viên. Không đi biểu diễn thường xuyên như trước, nhưng các anh chị em diễn viên chúng tôi vẫn duy trì sinh hoạt đều đặn. Cũng bởi ngọn lửa đam mê tuồng luôn rực cháy, nên chúng tôi, dù đều đã ở độ tuổi “xưa nay hiếm” nhưng luôn giữ gìn, phát huy và tiếp tục lan tỏa bộ môn nghệ thuật cổ truyền của dân tộc. Vinh dự và tự hào nhất là cuối năm 2022, Ngự Câu có 3 diễn viên tuồng được Nhà nước trao tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú, là các bà: Đào Thị Huê, Nguyễn Thị Kim Tép, Nguyễn Thị Tân”.

Tiếp mạch chuyện, Trưởng thôn Ngự Câu Nguyễn Đăng Hùng nhớ lại, các cụ cao niên làng Ngự Câu kể rằng, cách đây hơn 100 năm, làng đã có gánh hát tuồng cổ với dàn diễn viên, nhạc công quần chúng xuất sắc, thường xuyên đi biểu diễn, giao lưu trong và ngoài địa phương. Cao điểm, đoàn có hơn 50 diễn viên, nhạc công, chia thành 2 đội. Nhiều gia đình yêu tuồng nối tiếp các thế hệ tham gia gánh hát. Vào những đêm hội làng, tiếng trống chầu, tiếng kèn và những làn điệu tuồng cổ vang lên rộn rã cả vùng quê, người người nô nức rủ nhau ra đình làng nghe hát. Một số diễn viên có khả năng diễn xuất đạt tới trình độ nghệ nhân, làm lay động trái tim đông đảo khán giả. Trong đó, phải kể đến thế hệ diễn viên gạo cội như: Nguyễn Viết Hoan, Vũ Thị Khánh, Nguyễn Xuân Khề, Đào Văn Bài, Nguyễn Cơ Xốm, Nguyễn Thị Hoa, Nguyễn Thị Vồi…

Tuy nhiên, phải đến đầu những năm 1960, hoạt động của gánh hát tuồng làng Ngự Câu mới thực sự phát triển, tăng về số lượng diễn viên và chất lượng nghệ thuật. Những năm đó, Ngự Câu vinh dự được đón các thầy, cô giáo gồm: Nghệ sĩ nhân dân Ngô Thị Liễu, Nghệ sĩ nhân dân Ngô Xuân Huyền, Nghệ sĩ ưu tú Lê Bá Tùng của Nhà hát Tuồng Đào Tấn về thực hành, trình diễn và truyền dạy bài bản cho người yêu tuồng trong làng.

Là lớp học trò đầu tiên được học hát tuồng một cách bài bản từ các thầy, cô ở Nhà hát Tuồng Đào Tấn truyền dạy, Nghệ sĩ ưu tú Nguyễn Thị Tân chia sẻ: “Được các nghệ sĩ chuyên nghiệp truyền dạy tỉ mỉ từng làn điệu, cách diễn xuất, động tác múa, rồi cách hóa trang… cánh trẻ chúng tôi lúc đó "vỡ" ra rất nhiều. Có nền tảng kiến thức về tuồng do thế hệ đi trước truyền dạy, sau đó lại được học bài bản từ nghệ sĩ chuyên nghiệp, các diễn viên tuồng làng Ngự Câu ngày đêm hăng say tập luyện, hóa thân vào những vai diễn trên sân khấu, để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng khán giả”.

Tiếp tục ngược dòng thời gian, ông Đào Văn Tiến tự hào kể, trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Ban Chỉ huy quân sự huyện Hoài Đức đã cử gánh tuồng Ngự Câu làm đội văn nghệ xung kích phục vụ bộ đội chiến đấu ở một số trận địa. Những làn điệu tuồng cổ hùng tráng, mạnh mẽ và dứt khoát của diễn viên qua các vở diễn: Trần Bình Trọng, Trưng Vương khởi nghĩa, Ngọn lửa Hồng Sơn… đã cổ vũ tinh thần chiến đấu của quân và dân huyện Hoài Đức, góp phần làm nên thắng lợi của cuộc kháng chiến thống nhất đất nước. Hòa bình lập lại, đoàn tuồng làng Ngự Câu tiếp tục đi biểu diễn cổ vũ, khích lệ nhân dân trong và ngoài địa phương hăng say lao động, sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội. Đoàn đi đến đâu cũng được nhân dân yêu mến, nhiệt tình đón tiếp.

Còn đó những trăn trở

Dày công tập luyện, cộng với ngọn lửa đam mê tuồng cổ luôn rực cháy, các diễn viên, nghệ sĩ tuồng Ngự Câu đã gặt hái được không ít thành công khi tham gia liên hoan nghệ thuật tuồng do thành phố Hà Nội và các đơn vị tổ chức. Đặc biệt, tại “Liên hoan tác phẩm sân khấu của tác giả Tổng Phước Phổ” do Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam tổ chức tại thành phố Đà Nẵng năm 2015, gánh tuồng Ngự Câu đã đoạt giải Nhất toàn đoàn và 4 giải cá nhân (2 Huy chương Vàng, 2 Huy chương Bạc). Tại Liên hoan sân khấu truyền thống không chuyên Hà Nội năm 2016, đoàn đoạt giải A1 với vở “Sáng mãi niềm tin”.

Những đóng góp của gánh hát tuồng Ngự Câu trước đây, nay là Câu lạc bộ Tuồng Ngự Câu luôn được cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương ghi nhận. Tuy nhiên, tuồng là bộ môn nghệ thuật khó, kén người học, trong khi người thưởng thức cũng ngày càng mai một nên các thành viên Câu lạc bộ Tuồng Ngự Câu luôn trăn trở tìm giải pháp để bảo tồn, gìn giữ bộ môn nghệ thuật truyền thống. Chưa kể, kinh phí hoạt động của câu lạc bộ hoàn toàn do các thành viên đóng góp nên gặp không ít khó khăn trong việc mua sắm, thuê trang phục, đạo cụ, chi phí đi lại mỗi khi biểu diễn.

Nghệ sĩ ưu tú Đào Thị Huê bộc bạch: “Chúng tôi luôn có trách nhiệm thực hành, trình diễn và truyền dạy bộ môn tuồng cho thế hệ trẻ trong làng. Nhưng khó nhất hiện nay là các cháu đều bận học tập, làm ăn nên không có thời gian học hát, biểu diễn. Một số cháu trước đây đã được học, biết hát, múa nhưng khi xây dựng gia đình cũng không còn tiếp tục biểu diễn được với câu lạc bộ. Khó khăn là vậy, nhưng câu lạc bộ vẫn tiếp tục tuyển chọn những diễn viên mới thực sự yêu tuồng để truyền dạy, góp phần phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể của quốc gia nói chung và truyền thống của quê hương Ngự Câu nói riêng”.

Trân trọng hoạt động của Câu lạc bộ Tuồng Ngự Câu, Chủ tịch UBND xã An Thượng Cao Văn Tâm đánh giá, các diễn viên trong câu lạc bộ đã và đang góp phần quan trọng trong việc tạo môi trường văn hóa lành mạnh, thúc đẩy những giá trị văn hóa nghệ thuật truyền thống bền vững tại địa phương. Tuy nhiên, trước thực tế kinh phí hoạt động, biểu diễn của câu lạc bộ chủ yếu là xã hội hóa và đóng góp của các thành viên, việc truyền dạy cho thế hệ kế cận gặp khó khăn do lớp trẻ không mặn mà... thời gian tới xã sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, giới thiệu về hoạt động của câu lạc bộ để nhân dân trong và ngoài địa phương hiểu sâu hơn, đặc biệt với người trẻ nhằm duy trì, phát huy giá trị bộ môn nghệ thuật độc đáo của thôn Ngự Câu, từ đó huy động thêm sự hỗ trợ cả về vật chất và tinh thần cho câu lạc bộ. “Chúng tôi sẽ tạo môi trường để câu lạc bộ tham gia biểu diễn trong những dịp lễ, Tết, giao lưu văn nghệ của địa phương. Qua đó, tạo thêm “đất diễn” cho câu lạc bộ, đồng thời cũng để bộ môn này đến gần hơn với khán giả mọi lứa tuổi”, ông Cao Văn Tâm nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trầm bổng điệu tuồng cổ Ngự Câu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.