Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tiến độ lập quy hoạch thời kỳ 2021-2030 chậm so với yêu cầu của Quốc hội

Tiến Thành| 30/05/2022 12:01

(HNMO) - Sáng 30-5, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ ba, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Quốc hội thảo luận ở hội trường về việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành.

Quang cảnh phiên họp sáng 30-5.

104/111 quy hoạch chưa hoàn thành lập, phê duyệt

Trình bày báo cáo của đoàn giám sát, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, việc xây dựng và ban hành Luật Quy hoạch là sự nỗ lực, cố gắng lớn của Quốc hội, Chính phủ trong việc thể chế hóa Nghị quyết số 13-NQ/TƯ ngày 16-1-2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI). Sau khi Luật Quy hoạch được thông qua, Quốc hội đã ban hành 7 luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành 1 pháp lệnh; Chính phủ ban hành 43 nghị định; các bộ, ngành ban hành 96 thông tư hướng dẫn.

Công tác lập, thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch cơ bản đã hoàn thành. Trong tổng số 111 quy hoạch được lập theo quy định của Luật Quy hoạch, có 110/111 quy hoạch đã được phê duyệt nhiệm vụ, trong đó 41/42 quy hoạch cấp quốc gia, 6/6 quy hoạch vùng, 63/63 quy hoạch tỉnh. Đến nay, có 7/111 quy hoạch đã được quyết định hoặc phê duyệt, bao gồm: Quy hoạch sử dụng đất quốc gia, 4 quy hoạch ngành quốc gia trong lĩnh vực giao thông vận tải, Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long và Quy hoạch tỉnh Bắc Giang.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, kinh phí lập quy hoạch trong Kế hoạch đầu tư công là 4.368 tỷ đồng, trong đó, vốn của các bộ, ngành là 1.243,63 tỷ đồng; của 56 địa phương là 3.124,36 tỷ đồng. Số vốn đã giải ngân đến 28-2-2022 của các bộ, ngành là 244,68 tỷ đồng (bằng 19,67%); các địa phương là 1.147,45 tỷ đồng (bằng 36,72%).

Tuy nhiên, quá trình triển khai Luật Quy hoạch năm 2017 gặp nhiều khó khăn, vướng mắc do Luật Quy hoạch còn bất cập, có quy định chưa phù hợp, chưa rõ ràng. Hoạt động quy hoạch được điều chỉnh ở nhiều văn bản luật và có nội dung mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập dẫn đến khó khăn trong quá trình áp dụng pháp luật.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo của đoàn giám sát.

Đoàn giám sát cũng cho rằng, tiến độ lập quy hoạch thời kỳ 2021-2030 rất chậm so với yêu cầu của Quốc hội và thực tiễn, đến nay còn 104/111 quy hoạch chưa hoàn thành lập, phê duyệt, ảnh hưởng đến việc thực hiện các mục tiêu của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025. Do tiến độ lập quy hoạch theo Luật Quy hoạch chậm nên phải tiếp tục kéo dài thời hạn và điều chỉnh quy hoạch hiện hành thời kỳ 2011-2020, vì vậy, đang tồn tại song song, đồng thời áp dụng hai loại quy hoạch.

“Trên cơ sở kết quả giám sát, để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác lập quy hoạch, đoàn giám sát kiến nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nói.

Về các giải pháp cần triển khai ngay để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc lập quy hoạch thời kỳ 2021-2030, trong đó cho phép Chính phủ và các cơ quan liên quan được thực hiện các nội dung Luật Quy hoạch và các luật hiện hành chưa quy định hoặc đã quy định nhưng bất cập, vướng mắc thì được thực hiện khác với các luật này.

Về dài hạn, Chính phủ tổng kết, đánh giá toàn diện để kiến nghị sửa đổi, bổ sung Luật Quy hoạch, các luật có liên quan đến quy hoạch nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về công tác quy hoạch, bảo đảm đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.

Việc điều chỉnh quy hoạch phát sinh nhiều bất cập

Thảo luận về việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành, đồng tình và đánh giá cao kết quả đã đạt được của đoàn giám sát, các đại biểu kiến nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch. Đồng thời, các đại biểu Quốc hội cũng đề xuất thực hiện các nội dung Luật Quy hoạch và các luật hiện hành chưa quy định hoặc đã quy định nhưng bất cập, vướng mắc.

Qua khảo sát thực tế, đại biểu Trần Việt Anh (Đoàn Hà Nội) cho biết, các dự án đô thị được điều chỉnh quy hoạch phát sinh nhiều bất cập, trong đó áp lực lớn nhất đặt lên chính quyền địa phương tại khu vực là an ninh trật tự, y tế, giáo dục, thiết chế văn hóa, hạ tầng xã hội.

"Có những dự án sau điều chỉnh khiến dân số tăng thêm gần một phường. Qua đại dịch Covid-19 đã bộc lộ rõ, chúng ta không thể tăng thêm một đồn công an hay một trạm y tế... Gánh nặng sẽ đặt lên chính quyền địa phương, và ngân sách nhà nước sẽ phải đầu tư nhiều năm để khắc phục và bảo đảm quyền lợi cho người dân, trong khi nhà đầu tư được hưởng ngay hạ tầng sẵn có”, đại biểu nêu.

Đồng thời, đại biểu kiến nghị cần có khảo sát đánh giá tác động của dự án đô thị của các khu vực quy hoạch ổn định được điều chỉnh những năm gần đây để có góc nhìn chính xác về việc điều chỉnh quy hoạch.

Đại biểu Nguyễn Thị Lệ (Đoàn thành phố Hồ Chí Minh) thảo luận.

Còn đại biểu Nguyễn Đại Thắng (Đoàn Hưng Yên) nhận định, cần làm tốt công tác quản lý quy hoạch, hạn chế thấp nhất việc phải điều chỉnh quy hoạch. “Việc quy hoạch phải điều chỉnh là minh chứng cho chất lượng quy hoạch chưa được tốt, quy hoạch chưa có tầm nhìn chiến lược dài hạn, chưa phù hợp với nhu cầu thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội".

Để bảo đảm hài hòa giữa yêu cầu phát triển nhanh, bền vững, tăng tính khả thi của các đồ án quy hoạch đô thị, đại biểu Nguyễn Thị Lệ (Đoàn thành phố Hồ Chí Minh) đề xuất Chính phủ ban hành các chính sách phù hợp về nhà, đất đối với người dân trong khu quy hoạch chưa được thực hiện, hạn chế tối đa gây ảnh hưởng đến đời sống, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân trong khu vực quy hoạch.

Nhận định việc thực hiện công bố, công khai thông tin quy hoạch, bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của người dân chưa thực sự được coi trọng, đại biểu Lê Thanh Hoàn (Đoàn Thanh Hóa) cho rằng, đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng nhiễu loạn thông tin, “sốt ảo”, đầu cơ, thao túng, làm bất ổn thị trường đất đai, dẫn đến khiếu kiện về đất đai, gây mất an ninh, trật tự tại một số địa phương.

Từ đó, đại biểu đề nghị trong dự thảo nghị quyết giám sát của Quốc hội cần bổ sung quy định về biện pháp, chế tài xử lý cụ thể với những trường hợp chậm hoặc không công khai thông tin quy hoạch, bảo đảm những quy định của pháp luật về quy hoạch được thực thi nghiêm túc trên thực tế.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành phiên thảo luận.

Kết thúc phiên thảo luận buổi sáng, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, có 21 đại biểu đã phát biểu ý kiến thảo luận tại hội trường.

Buổi chiều, Quốc hội sẽ tiếp tục thảo luận về việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tiến độ lập quy hoạch thời kỳ 2021-2030 chậm so với yêu cầu của Quốc hội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.