(HNM) - Sáng 14-12, dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Ban Chỉ đạo liên ngành trung ương về vệ sinh an toàn thực phẩm đã họp tổng kết công tác an toàn thực phẩm năm 2017, triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2018.
Theo báo cáo của Bộ Y tế, cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo, trong năm 2017, cả nước đã thành lập trên 23.400 đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành, tiến hành kiểm tra tại 625.060 cơ sở, phát hiện 123.914 cơ sở vi phạm, xử lý 32.579 cơ sở, trong đó 19.208 cơ sở bị phạt trên 61 tỷ đồng, 611 cơ sở bị đình chỉ hoạt động, trên 5.000 cơ sở phải tiêu hủy sản phẩm...
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long thừa nhận, hiện nay nếu áp dụng theo Nghị định 178/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm, cơ chế hậu kiểm là chưa xử lý vi phạm được. Nghị định đang được sửa đổi và hình thức xử lý tới đây sẽ nặng hơn rất nhiều.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu cho biết, khi thực hiện Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế, đội ngũ thanh tra viên và kiêm nhiệm của thành phố hiện là 500 người. Năm 2017, số tiền xử phạt về vệ sinh an toàn thực phẩm của thành phố lên đến 36 tỷ đồng (tăng 8 tỷ đồng so với năm 2016). Hà Nội đã đẩy mạnh thực hiện thủ tục cấp giấy bảo đảm an toàn thực phẩm trực tuyến cấp độ 3, 4; xử lý các lỗi vi phạm ngay tại chỗ, tăng tính răn đe; triển khai các đề án về cửa hàng rau, hoa, quả; khuyến khích các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp đăng ký sản phẩm…
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị Ban Chỉ đạo ban hành chương trình sức khỏe Việt Nam, theo Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII), trong đó quy định cả vấn đề về dinh dưỡng, nhất là chương trình sữa học đường, lồng các điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm. Năm 2018, tập trung vào công tác thanh tra, kiểm tra. Thực hiện nghiêm quy định về hậu kiểm nhưng phải bảo đảm quản lý chặt chẽ, những gì không cần thiết phải bỏ theo đúng thông lệ quốc tế.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.