(HNM) - Ngày 23-8, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã thực hiện chuyến thăm chớp nhoáng tới Kiev và có cuộc hội đàm quan trọng với Tổng thống nước chủ nhà Petro Poroschenko.
Mặc dù chỉ kéo dài vài giờ đồng hồ, song sự hiện diện của bà A.Merkel tại Ukraine đặc biệt thu hút mối quan tâm của dư luận thế giới, nhất là khi cuộc khủng hoảng tại quốc gia bên bờ Biển Đen đang đứng trước những diễn biến khó lường.
Thủ tướng Đức A.Merkel có cuộc gặp với Tổng thống Ukraine P.Poroschenko tại Kiev ngày 23-8. |
Ngoài việc tiếp tục khẳng định sự ủng hộ của Berlin và phương Tây đối với Ukraine, sự có mặt của Thủ tướng A.Merkel tại Kiev diễn ra chỉ hai ngày trước thời điểm diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh giữa lãnh đạo Liên minh thuế quan với Tổng thống Ukraine P.Poroschenko và đại diện của Liên minh Châu Âu (EU) tại thủ đô Minsk (Belarus). Sự trùng hợp này mang đến niềm lạc quan khi Đức được xem là đóng vai trò quan trọng trong quá trình giải quyết cuộc khủng hoảng tại Ukraine. Trên thực tế, kể từ khi chiến sự giữa lực lượng chính phủ và phe ly khai thân Nga ở miền Đông nổ ra, đã có nhiều quan chức phương Tây tới Ukraine như Thủ tướng Canada Stephen Harper, Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden, Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Anders Fogh Rasmussen. Tuy nhiên, không chuyến thăm của lãnh đạo nào lại gây được sự chú ý đặc biệt như của bà A.Merkel. Có rất nhiều lý do khiến Berlin được cho là hội tụ nhiều yếu tố để có thể làm trung gian hòa giải những mâu thuẫn Đông - Tây có xu hướng ngày càng leo thang thời gian qua.
|
Với EU, phải nói rằng liên minh này đang rơi vào cuộc khủng hoảng nợ công với những suy thoái nặng nề về kinh tế của các quốc gia thành viên. Tham dự "cuộc đấu" với Nga tại sân chơi Ukraine, EU không ở trong tình trạng "thể lực" sung mãn nhất. Trong khi đó, Đức đang giữ vai trò đầu tàu kinh tế EU, nền kinh tế lớn nhất liên minh đang đóng góp tích cực vào việc bảo vệ sự sống còn của đồng euro. Ngoài ra, Thủ tướng A.Merkel là người có tiếng nói trọng lượng về các vấn đề chính sách ngoại giao tại EU. Cùng với đó, Đức và Nga có một sự giao thoa không chỉ về kinh tế mà cả địa lý. Về kinh tế, 1/3 nhu cầu dầu khí của Berlin được Mátxcơva cung cấp và kim ngạch trao đổi giữa hai nước đạt gần 80 tỷ euro. Đức không thể cắt đứt quan hệ với đối tác thương mại Nga. Và ngược lại, Nga cũng không thể bỏ Đức bởi một nửa ngân sách quốc gia của Nga trông vào xuất khẩu năng lượng. Những nguồn lợi từ công nghiệp Đức cũng khiến Nga phải chịu những sự ràng buộc nhất định. Về địa lý, Đức nằm rất gần Lemberg, thành phố du lịch của Ukraine, bằng cách này Berlin có thể bước một bước là sang phương Đông. Sự bất ổn của Ukraine tương tự như việc ngay sát vách nhà của nước Đức đang có hỏa hoạn. Những điều này cho thấy Nga và Đức đang có những tương tác về lợi ích không dễ có thể từ bỏ. Kéo dài lệnh trừng phạt đồng nghĩa với việc cả hai bên đều phải hứng chịu những thiệt hại nặng nề. Từ các yếu tố kể trên, hoàn toàn có thể hiểu được sự năng nổ của Đức trong quá trình giải quyết khủng hoảng tại Ukraine. Đây không chỉ là nghĩa vụ quốc tế mà còn là những bước đi bảo đảm quyền lợi quốc gia.
Chính vì vậy, ngay trước thềm chuyến thăm Ukraine, Thủ tướng Đức A.Merkel đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin và ông P.Poroschenko nhằm kêu gọi các bên nhanh chóng tiến tới một lệnh ngừng bắn, bảo đảm an ninh biên giới, trong đó nhóm tiếp xúc gồm các đại diện của Tổ chức An ninh và Hợp tác Châu Âu (OSCE), Ukraine và Nga đóng vai trò then chốt. Nhiều nhà phân tích cho rằng, Tổng thống V.Putin và Thủ tướng A.Merkel đã thảo luận các bước đi cụ thể mà hai nước có thể làm nhằm góp phần nhanh chóng chấm dứt giao tranh, thiết lập đối thoại quốc gia ở Ukraine và mục đích quan trọng nhất là đạt được một lệnh ngừng bắn, điều kiện cần có nhằm tiến tới hòa bình ở Ukraine. Bà A.Merkel cũng đề cập tới việc Ukraine phải thắt chặt quản lý đường biên giới với Nga như một bước đi cần thiết nhằm cô lập lực lượng nổi dậy.
Trong bối cảnh căng thẳng như hiện nay, cuộc gặp bốn bên tại Minsk vào ngày 26-8 chưa được kỳ vọng sẽ có thể tìm ra một lối thoát cho tình hình tại Ukraine. Tuy nhiên, có nhiều dấu hiệu cho thấy các bên đã sẵn sàng đưa ra những cách tiếp cận mới để có thể vạch ra một lộ trình ngoại giao rõ ràng để có thể tìm ra một hướng đi tích cực cho hòa bình trong khu vực.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.