Lao động - Việc làm

Khẳng định rõ vị trí, vai trò của giai cấp công nhân trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa Thủ đô, đất nước

Đình Hiệp 11/04/2024 13:30

Thu nhập của công nhân, lao động tại Hà Nội đều tăng qua các năm, tiền lương bình quân năm 2008 trên 2 triệu đồng/người/tháng, đến năm 2023 lên mức 6,5 triệu đồng/người/tháng.

Sáng 11-4, Thành ủy Hà Nội tổ chức Hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TƯ ngày 28-1-2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.

d-1.jpg
Các đại biểu Trung ương và thành phố Hà Nội tham dự hội nghị. Ảnh: Đình Hiệp

Tham dự hội nghị, về phía Trung ương có: Phó Trưởng ban Dân vận Trung ương Nguyễn Lam; Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cùng đại diện lãnh đạo các đơn vị liên quan.

Về phía thành phố Hà Nội có: Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong; các Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy: Trưởng ban Nội chính Thành ủy Nguyễn Quang Đức, Trưởng ban Dân vận Thành ủy Đỗ Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Phùng Thị Hồng Hà, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Trọng Đông, Bí thư Quận ủy Thanh Xuân Bùi Huyền Mai cùng đại diện lãnh đạo các đơn vị liên quan của thành phố.

Hà Nội có 270 nghìn doanh nghiệp, trên 2,7 triệu lao động

Báo cáo tại hội nghị, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Thành ủy Vũ Hà cho biết, số doanh nghiệp và số lao động toàn thành phố ngày càng tăng, hiện có khoảng 270 nghìn doanh nghiệp, với trên 2,7 triệu lao động. Sau 15 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TƯ, các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên trên địa bàn thành phố đã nhận thức rõ hơn về vai trò, vị trí của giai cấp công nhân trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

d-2.jpg
Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Thành ủy Vũ Hà trình bày báo cáo. Ảnh: Đình Hiệp

Các chương trình chăm lo phúc lợi cho đoàn viên, người lao động luôn được duy trì hiệu quả, từ nguồn “Quỹ xã hội công đoàn” và ngân sách công đoàn, các cấp công đoàn thành phố đã chi hỗ trợ cho 1,4 triệu lượt đoàn viên, người lao động, với tổng số tiền gần 645 tỷ đồng. Trong đó, tập trung vào các hoạt động như: Tổ chức chương trình “Tết sum vầy”; “Chuyến xe 0 đồng”; “Chợ Tết công đoàn”, các hoạt động chăm lo nhân Tháng công nhân hằng năm…

Việc chăm lo về nhu cầu nhà ở cho công nhân cũng được thành phố quan tâm đầu tư như: Dự án thí điểm xây dựng nhà ở công nhân tại xã Kim Chung, huyện Ðông Anh, với diện tích 20ha, gồm 24 đơn nguyên nhà 5 tầng, 4 tòa nhà 15 tầng, đáp ứng khoảng 12.000 chỗ ở; dự án nhà ở tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc, các khu công nghiệp Thạch Thất, Thăng Long và Phú Nghĩa...

Trong 5 năm (2018-2023) đã có 2.745 ý kiến kiến nghị bằng văn bản và 99 ý kiến, kiến nghị trực tiếp của công nhân lao động, các ý kiến, kiến nghị cũng đã được Chủ tịch UBND thành phố chỉ đạo các cấp, ngành kịp thời giải đáp.

Cùng với đó, công tác tham gia xây dựng Đảng trong công nhân lao động được quan tâm, thực hiện. Trong 15 năm qua, các cấp Công đoàn Thủ đô đã giới thiệu 117.738 đoàn viên ưu tú cho Đảng xem xét, đã có 101.695 đoàn viên công đoàn ưu tú được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam (trong đó, có 12% đoàn viên thuộc doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước được kết nạp Đảng).

Bên cạnh những kết quả đạt được, báo cáo cũng nêu rõ một số tồn tại, hạn chế. Trong đó, có một số cấp ủy Đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên nhận thức chưa đầy đủ về vị trí, vai trò của giai cấp công nhân và tầm quan trọng của Nghị quyết. Việc xây dựng các chương trình, kế hoạch của địa phương, đơn vị nhằm thực hiện Nghị quyết chưa cụ thể, còn chung chung, thiếu kiểm tra, giám sát định kỳ.

Thực tế hiện nay, đời sống công nhân, lao động nhìn chung vẫn còn nhiều khó khăn, thu nhập tuy đảm bảo với mức lương tối thiểu theo quy định nhưng vẫn không đủ trang trải cuộc sống. Một số doanh nghiệp chưa đảm bảo điều kiện vệ sinh môi trường, bảo hộ lao động, thời gian làm việc, thời gian nghỉ ngơi.

Thành ủy Hà Nội đã rút ra 5 bài học kinh nghiệm; đồng thời, đề ra các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết trong thời gian tới, nhằm xây dựng giai cấp công nhân thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

d-7.jpg
Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Đình Hiệp

Tích cực chăm lo đời sống công nhân lao động

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu đánh giá cao kết quả đạt được.

Bày tỏ mong muốn Hà Nội sẽ là địa phương đi đầu trong xây dựng đội ngũ công nhân hiện đại, ông Ngọ Duy Hiểu đề nghị, thời gian tới thành phố tiếp tục chia sẻ, ủng hộ để tổ chức Công đoàn tiếp tục hoạt động hiệu quả hơn. Đồng thời, quan tâm đào tạo cán bộ trưởng thành từ công nhân, công đoàn; quan tâm vấn đề “trí thức hóa” công nhân, giúp người lao động nâng cao kỹ năng, trình độ để có việc làm bền vững.

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong đánh giá cao những kết quả mà thành phố đạt được sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TƯ, đặc biệt trong thời kỳ đất nước cũng như Thủ đô đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế. Trong đó, hệ thống pháp luật liên quan đến quyền lợi và nghĩa vụ của công nhân lao động không ngừng được bổ sung, sửa đổi để phù hợp với tình hình.

d-8.jpg
Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong phát biểu kết luận hội nghị. Ảnh: Đình Hiệp

Thành phố luôn quan tâm xây dựng hệ thống chính trị trong các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước. Trong đó, nổi bật là Nghị quyết 09-NQ/TU ngày 27-2-2012 của Ban Thường vụ Thành ủy về “Tăng cường công tác xây dựng Đảng và các đoàn thể nhân dân trong các doanh nghiệp khu vực ngoài Nhà nước trên địa bàn thành phố Hà Nội, giai đoạn từ nay đến năm 2020” và Kết luận số 67-KL/TU ngày 10-7-2020 về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU giai đoạn 2020-2025. Đồng thời, đẩy mạnh phát triển tổ chức Đảng và các đoàn thể nhân dân, nhất là tổ chức Công đoàn trong doanh nghiệp; tập hợp, thu hút, kết nạp đảng viên, đoàn viên, hội viên là công nhân, lao động trong doanh nghiệp.

Thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, khó khăn sau 15 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TƯ, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong đề nghị Ban Dân vận Thành ủy, Liên đoàn Lao động thành phố tập trung đánh giá kỹ những khó khăn, thách thức trong công tác lãnh đạo của Đảng đối với lực lượng công nhân, lao động trong tình hình mới, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế; phê chuẩn nhiều công ước cơ bản của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO).

Các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội cần tiếp tục quán triệt sâu sắc nội dung Nghị quyết số 20-NQ/TƯ nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân. Trong đó, khẳng định rõ về vị trí, vai trò của giai cấp công nhân trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa Thủ đô, đất nước, đặc biệt trong giai đoạn toàn Đảng bộ thành phố đang triển khai thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 5-5-2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

“Các cấp ủy, chính quyền cần xác định việc chăm lo, phát triển giai cấp công nhân là nhiệm vụ quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, chứ không phải phó mặc cho Công đoàn hay Liên đoàn Lao động” - Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh.

Đồng thời, tiếp tục quan tâm chăm lo cho tổ chức Công đoàn với đủ nguồn lực, cơ chế, điều kiện. Trong đó, Liên đoàn Lao động thành phố chủ động, mạnh dạn hơn trong tham mưu Thành ủy, HĐND, UBND thành phố về quy hoạch, đầu tư các thiết chế cho người lao động, công nhân. Cụ thể, trước khi xây dựng các khu công nghiệp phải hoàn thiện các thiết chế văn hóa, thể thao, y tế, hạ tầng... để đáp ứng nhu cầu của người lao động.

Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong cũng đề nghị, các đơn vị liên quan tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với những lĩnh vực về bảo hiểm, điều kiện làm việc của công nhân, lao động, qua đó góp phần nâng cao đời sống của người lao động. Cùng với đó, chủ động xây dựng các báo cáo đánh giá, nghiên cứu nhằm dự báo được những vấn đề mới phát sinh liên quan đến công đoàn, công nhân, lao động trong tình hình mới.

Phó Bí thư Thành ủy đề nghị, các cấp ủy Đảng, chính quyền tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của tổ chức Công đoàn các cấp, theo hướng sát hơn với thực tiễn, gắn bó hơn với người lao động, tạo được mối quan hệ gắn bó giữa giới chủ và người lao động nhằm bảo vệ quyền của người lao động tốt hơn. Đồng thời, chỉ đạo các cấp Công đoàn thực hiện Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở thực chất nhằm bảo đảm quyền, lợi ích của người lao động.

d-5.jpg
Phó Trưởng ban Dân vận Trung ương Nguyễn Lam và Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong trao tặng Bằng khen của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội cho 10 tập thể. Ảnh: Đình Hiệp
d-6.jpg
Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu; Trưởng ban Dân vận Thành ủy Hà Nội Đỗ Anh Tuấn trao tặng Bằng khen của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội cho 10 cá nhân. Ảnh: Đình Hiệp

Tại hội nghị, Phó Trưởng ban Dân vận Trung ương Nguyễn Lam và Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong trao tặng Bằng khen của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội cho 10 tập thể có thành tích xuất sắc trong triển khai, thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TƯ.

Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu; Trưởng ban Dân vận Thành ủy Hà Nội Đỗ Anh Tuấn trao tặng Bằng khen của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội cho 10 cá nhân có thành tích xuất sắc trong triển khai, thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TƯ.

Phó Chủ tịch Thường trực Liên đoàn Lao động thành phố Lê Đình Hùng:
Đối thoại để giải quyết kiến nghị của người lao động

le-dinh-hung.jpg
Ảnh: Đình Hiệp

Trong 15 năm qua, các cấp Công đoàn Thủ đô đã có những bước tiến mới, quan trọng, mang tính đột phá, quyết liệt trong đổi mới nội dung, phương thức hoạt động. Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở cũng phối hợp với chính quyền đồng cấp tổ chức 145 cuộc đối thoại với công nhân, lao động; có trên 68% công đoàn cơ sở phối hợp với người sử dụng lao động tổ chức đối thoại 3 bên giữa công đoàn - người sử dụng lao động - người lao động để giải quyết kịp thời những kiến nghị, đề xuất của đoàn viên và người lao động. Qua đó, góp phần củng cố niềm tin giữa người lao động với chính quyền và tổ chức Công đoàn.

Ngoài ra, từ nguồn “Quỹ xã hội công đoàn” và ngân sách Công đoàn, các cấp Công đoàn Thủ đô đã chi hỗ trợ cho 1,4 triệu lượt đoàn viên, người lao động, với tổng số tiền gần 645 tỷ đồng. Quỹ trợ vốn công nhân, viên chức, lao động nghèo Thủ đô phát triển kinh tế gia đình đã giải ngân 283,1 tỷ đồng cho 11.500 lượt đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động vay vốn để phát triển kinh tế gia đình, cải thiện cuộc sống.

Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Hồng Dân:
Năm 2023 đã giải quyết việc làm cho 214,3 nghìn lao động

d-3.jpg

Bằng nhiều giải pháp phát triển thị trường lao động, giai đoạn 2008-2023, toàn thành phố đã giải quyết việc làm cho khoảng 2,5 triệu lượt lao động, trung bình mỗi năm thành phố giải quyết việc làm cho khoảng 160 nghìn lượt lao động. Tình hình lao động, việc làm có chuyển biến tích cực, trong năm 2023 đã giải quyết việc làm cho 214,3 nghìn lao động.

Để triển khai hiệu quả nhiệm vụ thời gian tới, cần tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện, thống nhất, đồng bộ, có hiệu quả công tác lao động, tiền lương, giải quyết việc làm, đào tạo nghề, an toàn vệ sinh lao động. Kịp thời nghiên cứu, tham mưu thành phố đề xuất Chính phủ, Hội đồng tiền lương quốc gia tăng tiền lương tối thiểu vùng của người lao động phù hợp với tình hình thực tế; phối hợp với các sở, ngành tham mưu thành phố các chính sách hỗ trợ người lao động, đảm bảo chính sách an sinh trên địa bàn thành phố.

Thực hiện đồng bộ các chính sách phát triển giáo dục nghề nghiệp, giải pháp hỗ trợ tạo việc làm; gắn kết công tác đào tạo nghề với thị trường lao động; tập trung đổi mới mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả giáo dục nghề nghiệp, phát triển thị trường lao động cạnh tranh lành mạnh, hiện đại, đáp ứng yêu cầu của xã hội và hội nhập quốc tế.

Phó Bí thư Thường trực Quận ủy Long Biên Ngô Mạnh Điềm:
Chú trọng giới thiệu đoàn viên công đoàn ưu tú kết nạp Đảng

ngo-manh-diem.jpg
Ảnh: Đình Hiệp

Trong 15 năm qua, quận Long Biên đã phát triển được 63 tổ chức Đảng trong các doanh nghiệp ngoài Nhà nước trên địa bàn quận (năm 2008 có 19, đến nay có 82 tổ chức Đảng). Tổ chức công đoàn từ năm 2008 có 137 tổ chức, đến nay đã phát triển hơn 350 tổ chức, hoàn thành chỉ tiêu được giao về thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TU của Thành ủy (tăng 213 tổ chức), phát triển 15.019 đoàn viên. Từ 2008 đến 2023, giới thiệu 2.226 đoàn viên công đoàn ưu tú để tổ chức Đảng xem xét, kết nạp, trong đó có 2.018 đoàn viên đã chính thức đứng trong hàng ngũ của Đảng (đạt tỷ lệ 90%).

Để phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ công đoàn, cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và ý thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân về vai trò của giai cấp công nhân trong sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa Thủ đô và đất nước. Tiếp tục củng cố, xây dựng và phát triển tổ chức Đảng, tổ chức Công đoàn và các tổ chức đoàn thể trong doanh nghiệp. Chỉ đạo tăng cường công tác thanh, kiểm tra và xử lý nghiêm các doanh nghiệp vi phạm Luật Lao động, Luật Công đoàn, Luật Bảo hiểm xã hội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khẳng định rõ vị trí, vai trò của giai cấp công nhân trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa Thủ đô, đất nước

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.