Văn hóa

Xây dựng Hà Nội thực sự là trung tâm hội tụ, kết tinh văn hoá của cả nước

Hương Ly - Ảnh Viết Thành 28/03/2024 21:30

Sau gần 40 năm đổi mới, Thủ đô Hà Nội đã đạt được những thành tựu nổi bật trên lĩnh vực phát triển văn hóa và xây dựng con người.

Đây là đánh giá được nêu tại hội nghị tổng kết một số vấn đề lý luận và thực tiễn về công cuộc đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa trong gần 40 năm qua trên địa bàn Thủ đô, diễn ra ngày 28-3.

40-nam-toan-canh-.jpeg
Hội nghị tổng kết một số vấn đề lý luận và thực tiễn về công cuộc đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa trong gần 40 năm qua trên địa bàn Thủ đô.

Phát huy truyền thống ngàn năm văn hiến, anh hùng

Theo Phó Bí thư Thành uỷ Nguyễn Văn Phong, trong gần 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới, Đảng bộ thành phố đã quán triệt sâu sắc, vận dụng sáng tạo những chủ trương, quan điểm về văn hóa của Trung ương; nhiều nội dung được triển khai sớm với cách làm sáng tạo, hiệu quả, phù hợp. Qua đó, những chủ trương, chính sách của Trung ương và thành phố về văn hóa và con người thực sự đã đi vào thực tiễn cuộc sống.

Qua nhiều nhiệm kỳ đại hội, Đảng bộ thành phố luôn quán triệt sâu sắc và vận dụng linh hoạt, sáng tạo những quan điểm, chủ trương của Đảng về phát triển văn hóa, xây dựng con người phù hợp với điều kiện Thủ đô.

Đại hội XVII Đảng bộ Hà Nội, nhiệm kỳ 2020-2025, tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng của phát triển văn hóa, xây dựng con người Hà Nội, nêu rõ nhiệm vụ trọng tâm và là một trong ba khâu đột phá của nhiệm kỳ: “Chú trọng phát triển văn hóa Hà Nội trên cơ sở phát huy truyền thống ngàn năm văn hiến và anh hùng; Thành phố vì hòa bình, tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại. Xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, phát triển toàn diện với những giá trị nhân văn và tinh thần yêu nước sâu sắc, tôn trọng pháp luật; giàu lòng tự hào dân tộc, ý chí, khát vọng phát triển; coi đây là sức mạnh nội sinh, động lực tinh thần to lớn để phát triển Thủ đô bền vững”; khẳng định quyết tâm “Đưa văn hóa và con người Hà Nội thực sự trở thành giá trị tinh thần to lớn, nguồn lực nội sinh quan trọng quyết định phát triển bền vững Thủ đô”.

a-phong-(1).jpg
Phó Bí thư Thành uỷ Nguyễn Văn Phong phát biểu.

Theo Phó Bí thư Thành uỷ Nguyễn Văn Phong, với vị trí đặc biệt của văn hóa Hà Nội trong tổng thể văn hóa dân tộc, Thủ đô Hà Nội đã khai thác các tiềm năng, lợi thế sẵn có và có các cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển công nghiệp văn hóa. Trong đó, thành phố đã tập trung bảo tồn, phát huy các giá trị di tích, công trình kiến trúc giá trị, trọng tâm là các di sản thế giới, di tích quốc gia; xây dựng các điểm đến di tích gắn với phát triển du lịch.

Thành phố cũng đã hoàn thành tổng kiểm kê, đánh giá, phân loại di tích và bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể với 5.922 di tích và 1.793 di sản văn hóa phi vật thể. Các lễ hội dân gian truyền thống được quan tâm nghiên cứu khá toàn diện. Nhiều lễ hội được phục hồi và bảo tồn đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tâm linh của cộng đồng cư dân. Nhiều loại hình di sản văn hóa phi vật thể đã được nghiên cứu, tư liệu hóa, đã trở thành những tài liệu quý. Đời sống văn hóa các dân tộc thiểu số được cải thiện rõ rệt. Các hủ tục dần được xoá bỏ, nhiều thôn, bản đã có hương ước và được công nhận “Làng văn hoá”.

Thông qua việc triển khai có hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2010-2020, thành phố Hà Nội đã từng bước rút ngắn khoảng cách chênh lệch về hưởng thụ văn hóa trên địa bàn thành phố. Đặc biệt, HĐND thành phố Hà Nội đã ban hành Nghị quyết 02/NQ-HĐND ngày 08-4-2022, phê duyệt tổng số 1.469 dự án đối với lĩnh vực văn hóa, giáo dục và y tế, trong đó 1.310 dự án đầu tư giai đoạn 2021-2025 (227 dự án thành phố đầu tư, 1.083 dự án thành phố hỗ trợ đầu tư) và 159 dự án đầu tư giai đoạn sau năm 2025.

Cùng cả nước xây dựng "nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”

Vận dụng sáng tạo những chủ trương, quan điểm về văn hóa của Trung ương, thành phố Hà Nội đã đa dạng hóa các hình thức huy động vốn đầu tư lĩnh vực văn hóa. Công tác xã hội hóa tu bổ, tôn tạo di tích được đẩy mạnh nhằm phát huy sức mạnh cộng đồng, nâng cao ý thức bảo vệ di sản, chủ yếu tập trung vào các di tích có yếu tố tâm linh, di tích chưa được xếp hạng hoặc đầu tư vào các hạng mục phụ trợ.

Công tác xây dựng và phát triển con người toàn diện được thành phố đặc biệt coi trọng, trở thành nhiệm vụ thường xuyên và trọng tâm của các cấp, ngành, được cả hệ thống chính trị vào cuộc, tạo sức mạnh đồng bộ.

Liên tục, trong nhiều nhiệm kỳ, Đảng bộ thành phố Hà Nội có những chương trình công tác toàn khóa dành cho nhiệm vụ xây dựng con người. Nổi bật là Chương trình số 05-CTr/TU (khóa XIII); Chương trình số 08-CTr/TU (khóa XIV); Chương trình số 04-CTr/TU (khóa XV); Chương trình số 06-CTr/TU (khóa XVII). Phong trào xây dựng “Người Hà Nội thanh lịch, văn minh” đã được thành phố phát động và kiên trì triển khai trong nhiều năm qua đã góp phần tạo chuyển biến tích cực trong nhiệm vụ xây dựng con người Hà Nội…

40-nam-qc.jpeg
Các đồng chí Thường trực Thành uỷ chủ trì hội nghị tổng kết một số vấn đề lý luận và thực tiễn về công cuộc đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa

Tuy nhiên, thực tiễn gần 40 thực hiện công cuộc đổi mới cũng đã bộc lộ những bất cập trong phát triển văn hoá, xã hội của Thủ đô. Đó là việc nền tảng lịch sử - văn hóa của quốc gia hội tụ ở Thủ đô ngàn năm văn hiến chưa được củng cố, phát triển và tích hợp với tinh hoa văn hóa nhân loại để định hình bản sắc, trở thành nguồn lực phát triển mạnh mẽ của Hà Nội trong cuộc cạnh tranh phát triển toàn cầu cùng với cả nước. Một số di sản, giá trị văn hóa tinh thần người Hà Nội đang dần bị mai một. Phát triển công nghiệp văn hóa; quảng bá văn hóa và xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh chưa đạt kết quả như mong muốn…

Để phát triển mạnh mẽ sự nghiệp văn hoá, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, xứng đáng là trung tâm văn hoá của cả nước, trong giai đoạn tới, thành phố Hà Nội đã đề ra 6 mục tiêu, nhiệm vụ cần triển khai thực hiện.

Trong đó, sẽ phát triển văn hoá Thủ đô xứng tầm với truyền thống nghìn năm Thăng Long - Hà Nội; xây dựng Hà Nội thực sự là trung tâm hội tụ, kết tinh văn hoá của cả nước, trở thành nguồn lực phát triển mới cho Thủ đô.

Thành phố cũng sẽ tập trung bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hoá vật thể và phi vật thể, các di tích, công trình kiến trúc có giá trị, trọng tâm là các di sản thế giới, di tích quốc gia; đầu tư xây dựng một số công trình văn hoá, thể thao mới, tiêu biểu của Thủ đô.

Hà Nội cũng đặt mục tiêu trở thành địa phương đi đầu trong việc đề ra các chính sách và hiện thực hóa việc phát triển ngành công nghiệp văn hóa để cùng cả nước xây dựng "nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc”; bảo đảm hài hòa giữa bảo tồn và phát triển, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh…

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng Hà Nội thực sự là trung tâm hội tụ, kết tinh văn hoá của cả nước

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.