Lao động - Việc làm

Chăm lo, bảo vệ quyền lợi công nhân lao động

Hà Phong 02/02/2024 - 07:13

Điểm nổi bật trong 15 năm thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TƯ (ngày 28-1-2008) của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” của các cấp công đoàn Thủ đô là đẩy mạnh công tác chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng, gắn với đào tạo, nâng cao tay nghề cho người lao động; qua đó, góp phần xây dựng đội ngũ công nhân ngày càng vững mạnh.

thi-sinh.jpg
Thí sinh thực hiện phần thi thực hành nội dung phay vạn năng tại Hội thi thợ giỏi thành phố Hà Nội năm 2023. Ảnh: Mai Quý

Chú trọng nâng cao trình độ, tay nghề cho công nhân

Trưởng ban Tuyên giáo Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội Hà Đông cho biết, Liên đoàn Lao động thành phố đã chủ động xây dựng chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TƯ và chỉ đạo các cấp công đoàn tham mưu cho cấp ủy xây dựng chương trình hành động thực hiện nghị quyết. Trong đó, các cấp Công đoàn Thủ đô chú trọng thực hiện nhiệm vụ tham gia đào tạo, nâng cao trình độ học vấn, kỹ năng nghề nghiệp, nâng cao năng suất lao động cho công nhân lao động.

Theo Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội Phạm Quang Thanh, Công đoàn các cấp đã có nhiều cách làm sáng tạo như mở lớp đào tạo nghề, tổ chức thi thợ giỏi gắn với đẩy mạnh các phong trào thi đua. Với mục tiêu: “Năng suất, chất lượng, hiệu quả, cải thiện đời sống người lao động”, gắn với các phong trào thi đua “Lao động giỏi”, “Lao động sáng tạo”, “Công nhân giỏi Thủ đô”... đặc biệt là phong trào “Ôn lý thuyết, luyện tay nghề, thi thợ giỏi trong công nhân lao động Thủ đô" đã trở thành những phong trào thi đua tiêu biểu.

Đơn cử, năm 2023, UBND thành phố và Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội đã tổ chức Hội thi thợ giỏi thành phố Hà Nội năm 2023, thu hút 363 thí sinh đến từ 97 doanh nghiệp tranh tài ở 11 nghề thi, gồm: Tiện vạn năng; phay CNC; tiện CNC; phay vạn năng; hàn điện; hàn CO2; hàn TIG; may công nghiệp; điện công nghiệp; vẽ và thiết kế trên máy tính; công nghệ ô tô.

Thông qua hội thi, công nhân lao động có dịp giao lưu, học hỏi, nâng cao kỹ năng tay nghề, đẩy mạnh áp dụng có hiệu quả các giải pháp kỹ thuật mới vào sản xuất và phục vụ đời sống, góp phần tăng năng suất lao động, giúp doanh nghiệp ngày càng phát triển.

Thích ứng và tự chuyển đổi

Ở cấp cơ sở, tổ chức Công đoàn cũng rất quan tâm đến cải thiện điều kiện làm việc, đầu tư các trang thiết bị hiện đại vào sản xuất để giảm sức lao động cho công nhân lao động, nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm và mức độ an toàn lao động.

Ghi nhận của phóng viên Báo Hànộimới, tại Công ty TNHH Canon Việt Nam (doanh nghiệp chuyên sản xuất về máy in phun, máy in laser, đang thu hút, tạo công ăn việc làm cho nhiều người lao động tại tỉnh Bắc Ninh, thành phố Hà Nội và các vùng lân cận) luôn quan tâm và cải tiến chương trình đào tạo cho công nhân lao động mới.

Đều đặn hằng quý, hằng năm, Công đoàn phối hợp với doanh nghiệp tổ chức thi tay nghề công nhân giỏi ở nhiều lĩnh vực như lắp ráp máy in văn phòng; lắp ráp bản mạch, đúc khuôn; đo đạc chính xác linh kiện... Cùng với đó là tổ chức đào tạo công nhân đa công đoạn để cải thiện và nâng cao tay nghề cho người lao động, từng bước giúp họ trở thành nghệ nhân giỏi.

Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Canon Việt Nam Nguyễn Anh Ngọc cho hay, đã có 465 nghệ nhân đa công đoạn được đào tạo và công nhận tay nghề tại cấp Canon Việt Nam và cấp tập đoàn.

Bên cạnh các điểm sáng, theo khảo sát của Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội, tác động kéo dài của đại dịch Covid-19 ảnh hưởng đến đời sống một bộ phận người lao động. Nhiều ngành thiếu hoặc không có đơn hàng trong những tháng cuối năm, buộc phải cắt giảm công nhân, lương, thưởng. Trong đó, nhiều lao động thuộc các ngành nghề như dệt may, da giày, điện tử, chế biến gỗ bị giảm sâu thưởng Tết.

Về phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới, Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội Phạm Quang Thanh cho biết, tổ chức Công đoàn tiếp tục tham mưu xây dựng chính sách với những ưu tiên trong hỗ trợ công nhân, người lao động. Then chốt là nhanh chóng đào tạo công nhân nâng cao tay nghề, thích ứng với các hoạt động của nền kinh tế. Liên đoàn Lao động thành phố cũng sẽ tăng cường đổi mới nội dung, phương thức hoạt động đáp ứng yêu cầu đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động trong tình hình mới; xây dựng niềm tin, tạo sự gắn kết giữa người lao động với tổ chức Công đoàn, để Công đoàn Thủ đô thực sự là tổ chức của người lao động, do người lao động và vì người lao động.

Theo thống kê, tính từ năm 2008 đến nay có 524.518 lượt đoàn viên, người lao động được học tập nâng cao trình độ kỹ năng nghề nghiệp; 629.645 đoàn viên, người lao động được học tập nâng cao trình độ học vấn. Hằng năm, Công đoàn đã tham mưu tổ chức hội nghị gặp gỡ, đối thoại giữa Chủ tịch UBND thành phố với công nhân lao động. Riêng giai đoạn 2008-2023, đã có 2.745 ý kiến, kiến nghị bằng văn bản và 99 ý kiến, kiến nghị trực tiếp của công nhân lao động được gửi tới lãnh đạo UBND thành phố để được xem xét, giải quyết kịp thời.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chăm lo, bảo vệ quyền lợi công nhân lao động

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.