Chính trị

Thảo luận 8 nhóm nội dung quan trọng về lý luận và thực tiễn công tác đổi mới

Tin, ảnh: Đình Hiệp 15/04/2024 12:15

Sáng 15-4, Ban Chỉ đạo tổng kết một số vấn đề lý luận và thực tiễn về công tác đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa trong 40 năm qua ở Việt Nam tổ chức phiên họp thứ hai.

Đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng ban Tổ chức Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo tổng kết chủ trì phiên họp.

t-4.jpg
Quang cảnh phiên họp thứ hai của Ban Chỉ đạo.

Cùng dự có các Ủy viên Bộ Chính trị: Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng; Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc; Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam Lương Cường; Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên.

Các Bí thư Trung ương Đảng: Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung, Trưởng ban Dân vận Trung ương Bùi Thị Minh Hoài, các Ủy viên Trung ương Đảng và thành viên Ban chỉ đạo cùng tham dự.

Tại phiên họp, đồng chí Tạ Ngọc Tấn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận trung ương, Ủy viên Thường trực Ban Chỉ đạo trình bày báo cáo tình hình triển khai nhiệm vụ tổng kết 40 năm đổi mới. Trong đó, Ban Chỉ đạo đã thành lập 6 nhóm tổng kết ở Trung ương, mỗi nhóm do một đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị hoặc Ủy viên Ban Bí thư làm trưởng nhóm. Các nhóm đã chủ động làm việc, giao các chuyên đề tổng kết, lựa chọn các chuyên gia, nhà khoa học có uy tín thực hiện. Đến tháng 12-2023 đã nghiệm thu 47/47 chuyên đề tổng kết của các nhóm.

Các nhóm đã hoàn thành Báo cáo tổng kết trên 8 nội dung và đang trong thời gian nghiệm thu kết quả nghiên cứu. Cụ thể, nội dung thứ 1: Bối cảnh thế giới, khu vực và trong nước tác động đến Việt Nam qua 40 năm đổi mới và sự phát triển nhận thức của Đảng ta về đường lối đổi mới. Nội dung thứ 2: Những vấn đề về chủ nghĩa xã hội và mô hình chủ nghĩa xã hội Việt Nam qua 40 năm đổi mới. Nội dung thứ 3: Phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

t-1.jpg
Đồng chí Tạ Ngọc Tấn trình bày báo cáo tại phiên họp.

Nội dung thứ 4: Các vấn đề phát triển văn hóa, xã hội và xây dựng con người. Nội dung thứ 5: Các vấn đề về quốc phòng, an ninh, đối ngoại. Nội dung thứ 6: Các vấn đề về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Nội dung thứ 7: Đánh giá tổng quát các vấn đề lý luận và thực tiễn qua 40 năm đổi mới và những vấn đề đặt ra trong giai đoạn mới. Nội dung thứ 8: Dự báo tình hình mới, đề xuất và kiến nghị quan điểm, định hướng, nội dung giải pháp tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới.

Đồng chí Tạ Ngọc Tấn cho biết, các công việc cơ bản bám sát kế hoạch, được Ban Chỉ đạo tổng kết thông qua. Các chuyên đề thuộc các nhóm nhìn chung bảo đảm chất lượng. Các nhóm đang đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện báo cáo theo các nội dung. Các nhóm đã hoàn thành khảo sát tại các địa phương trong năm 2023. Nhìn chung các cuộc khảo sát diễn ra theo kế hoạch, thành phần và có chất lượng tốt. Các nhóm đều có báo cáo đánh giá kết quả khảo sát theo đúng quy định.

Về khảo sát thực tế ở nước ngoài, Hội đồng Lý luận Trung ương - Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo đã xây dựng kế hoạch đi nghiên cứu, khảo sát tại Trung Quốc, qua đó đúc kết những bài học có giá trị tham khảo để góp phần cung cấp cơ sở lý luận và thực tiễn phục vụ tổng kết một số vấn đề lý luận và thực tiễn về công cuộc đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa trong 40 năm qua ở Việt Nam và xây dựng các Văn kiện Đại hội XIV của Đảng Cộng sản Việt Nam.

t-3.jpg
Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng giới thiệu Đề cương chi tiết Báo cáo tổng kết 40 năm đổi mới.

Tại phiên họp, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Phó Trưởng ban Chỉ đạo đã giới thiệu Đề cương chi tiết Báo cáo tổng kết 40 năm đổi mới. Sau đó, các thành viên tập trung thảo luận 8 nhóm nội dung quan trọng về lý luận và thực tiễn về công tác đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa trong 40 năm qua ở Việt Nam.

Phát biểu chỉ đạo tại phiên họp, đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng ban Tổ chức Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo cho biết, theo lộ trình cần hoàn thiện Đề cương này cùng với Đề cương chi tiết Báo cáo chính trị tại Đại hội XIV, để trình Hội nghị Trung ương dự kiến họp vào tháng 5 tới. Vì vậy, các đồng chí trong Ban Chỉ đạo cần tập trung trí tuệ góp ý trên cơ sở nội dung Đề cương chi tiết.

Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai nhấn mạnh, lần tổng kết này chúng ta nhìn lại cả quá trình 40 năm đổi mới. Tuy nhiên, chúng ta đã có các lần tổng kết trước, nhất là tổng kết 30 năm gần đây. Vì thế, lần này chúng ta tập trung vào một số vấn đề lý luận và thực tiễn quan trọng và lựa chọn một số bộ, ngành, địa phương để khảo sát tổng kết. Trong đó, Bộ Chính trị đã xác định khung nội dung 8 vấn đề định hướng tổng kết.

t-2.jpg
Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai phát biểu chỉ đạo tại phiên họp lần thứ hai.

Đồng chí Trương Thị Mai lưu ý, trong lần tổng kết này chúng ta tập trung chủ yếu vào 10 năm gần đây để khái quát, đánh giá chung, rút ra những bài học kinh nghiệm cho cả quá trình 40 năm đổi mới. Đồng thời, nhận diện những vấn đề đặt ra cần tiếp tục nghiên cứu, giải quyết trong thời gian tới.

“Điều đó cũng có nghĩa chúng ta kế thừa các kết quả của các lần tổng kết trước, có những nhận thức gì mới có thể bổ sung, từ đó có những nhận thức, đánh giá chung cho cả quá trình 40 năm đổi mới” - đồng chí Trương Thị Mai cho biết.

Đồng chí Trương Thị Mai khẳng định, lần tổng kết 40 năm đổi mới này rất có ý nghĩa, như đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu chỉ đạo: “Đến năm 2025, trên cơ sở tổng kết 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới, 50 năm thống nhất đất nước, cần hoàn thiện cơ bản hệ thống lý luận về đường lối đổi mới; đến năm 2030, trên cơ sở tổng kết 40 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, tổng kết 100 năm Đảng lãnh đạo cách mạng Việt Nam, có thể bổ sung, phát triển Cương lĩnh, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới; bổ sung, làm phong phú và tiến thêm một số bước để hoàn thiện hơn nền tảng tư tưởng của Đảng; và đến năm 2045, khi nước ta trở thành nước phát triển, có thu nhập cao thì chúng ta sẽ có một hệ thống lý luận hoàn chỉnh, khoa học và hiện đại về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam”.

Do vậy, đồng chí Trương Thị Mai đề nghị, trong tổng kết, đánh giá cần có khái quát hệ thống lý luận về đường lối đổi mới; đề xuất quan điểm, mục tiêu, định hướng giải pháp cho giai đoạn tới và đặc biệt quan trọng là cần có những đề xuất, kiến nghị góp phần xây dựng Văn kiện Đại hội XIV của Đảng.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thảo luận 8 nhóm nội dung quan trọng về lý luận và thực tiễn công tác đổi mới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.