Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thỏa thuận về mức thuế tối thiểu: Kỳ vọng ổn định thị trường toàn cầu

Quỳnh Dương| 22/06/2021 06:39

(HNM) - Ngay sau khi các Bộ trưởng Tài chính Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) đạt được thỏa thuận mang tính lịch sử về cải cách hệ thống thuế doanh nghiệp toàn cầu, Liên minh châu Âu (EU) cũng đã bắt tay vào cuộc tìm kiếm tiếng nói chung liên quan tới vấn đề này. Những nỗ lực nói trên được kỳ vọng sẽ giúp đem lại sự ổn định cho hệ thống thuế quan quốc tế.

Chủ tịch Ngân hàng trung ương châu Âu Christine Lagarde (phải) trao đổi với Bộ trưởng Bộ Tài chính Luxembourg Pierre Gramegna trong cuộc họp cuối tuần qua.

Trong 2 ngày cuối tuần qua, các Bộ trưởng Tài chính EU đã nhóm họp tại Luxembourg để thảo luận nhằm chấm dứt “cuộc đua giảm thuế” doanh nghiệp toàn cầu. Hiện, một số quốc gia đang áp dụng mức thuế thấp để thu hút các công ty đa quốc gia đến hoạt động như Ireland, Luxembourg, Ba Lan và Hungary vẫn chưa hoàn toàn nhất trí với đề xuất. Theo Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire, các nhà lãnh đạo EU sẽ tiếp tục có những cuộc thảo luận để thu hẹp bất đồng trước khi hội nghị Bộ trưởng Tài chính của Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) họp tại Venice (Italia) vào tháng 7 tới.

Với mục tiêu bảo đảm một sân chơi bình đẳng, công bằng cho các doanh nghiệp và chấm dứt hiện tượng những tập đoàn lớn mở chi nhánh tại những “thiên đường thuế quan” nhằm tối đa hóa lợi nhuận, G7 đã đề xuất mức thuế tối thiểu là 15%. Thực tế nhiều năm qua cho thấy, mỗi quốc gia có toàn quyền ấn định mức thuế doanh nghiệp, thuế cá nhân, tài chính… Điều này dẫn tới tình trạng nhiều nước cố gắng hạ thấp mức thuế để thu hút doanh nghiệp tới đầu tư; thậm chí, có quốc gia mức thuế doanh nghiệp là 0%.

Theo điều tra của Thời báo The Guardian (Anh), năm ngoái, một chi nhánh của Tập đoàn Microsoft đặt tại Ireland có số lãi đến 315 tỷ USD nhưng không phải trả một đồng thuế nào cho Chính phủ Ireland với lý do: Trụ sở của chi nhánh này đặt tại đảo Bermudes (lãnh thổ hải ngoại của Anh), nơi các doanh nghiệp được miễn thuế. Nếu trụ sở này đặt tại Italia, mức thuế phải nộp là 24%, tại Pháp là 28%. Sự chênh lệch nói trên đã khuyến khích các tập đoàn lớn tìm kiếm các “thiên đường thuế quan” đặt trụ sở. Do đó, có tới 90 công ty trong Danh sách Fortune 500 (Danh sách 500 doanh nghiệp hàng đầu thế giới) không phải nộp một đồng thuế liên bang nào cho Chính phủ Mỹ.

Các nhà lãnh đạo G7 cho rằng, thỏa thuận về mức thuế tối thiểu toàn cầu là cách để chấm dứt "cuộc đua xuống đáy" về thuế doanh nghiệp kéo dài suốt hơn 30 năm qua. Các công ty sẽ không thể né tránh việc nộp thuế bằng cách khai báo lợi nhuận ở những nước có mức thuế thấp hơn. Theo tính toán của các chuyên gia kinh tế, tùy thuộc vào quy mô thu nhập và lợi nhuận của doanh nghiệp, việc áp dụng mức thuế tối thiểu đối với doanh nghiệp toàn cầu có thể giúp các chính phủ thu về từ 50 đến 100 tỷ USD mỗi năm. Điều này sẽ ảnh hưởng đến khoảng 2.300 công ty kỹ thuật số và 8.000 công ty đa quốc gia là nhóm các doanh nghiệp sẽ phải nộp thêm thuế.

Theo kế hoạch, sau cuộc họp các Bộ trưởng Tài chính G20 tại Venice tháng 7 tới, các nhà lãnh đạo G20 sẽ tiếp tục họp vào tháng 10-2021 tại Rome (Italia) để thống nhất các nội dung quy định đánh thuế mới trên phạm vi toàn cầu. Nếu được G20 ủng hộ, đề xuất trên sẽ tiếp tục được đưa ra thảo luận trong nhóm 139 thành viên của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) để thông qua. Nhiều chuyên gia nhận định, từ thỏa thuận đạt được cho tới một mức thuế thống nhất áp dụng rộng rãi trên phạm vi toàn cầu là một chặng đường dài bởi các quốc gia đang áp dụng thuế suất thấp để thu hút doanh nghiệp toàn cầu tới đầu tư sẽ có phản ứng mạnh mẽ; ngoài ra, còn rất nhiều chi tiết cụ thể cần phải bàn thảo để đi đến một hiệp định chung. Tuy nhiên, đây là bước đi quan trọng hướng tới một hệ thống thuế công bằng hơn, góp phần mang tới sự ổn định đối với thị trường toàn cầu trong tương lai.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thỏa thuận về mức thuế tối thiểu: Kỳ vọng ổn định thị trường toàn cầu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.