(HNM) - Hiện nay trên địa bàn thị xã Sơn Tây có một số dự án đã triển khai qua nhiều năm nhưng chưa hoàn thành, gây bức xúc dư luận.
Điển hình nhất có thể kể đến Dự án cải tạo, nâng cấp tuyến phố Tùng Thiện (quốc lộ 21A - đoạn qua phường Trung Sơn Trầm) bị chậm tiến độ bởi khó khăn trong giải phóng mặt bằng đã gây bức xúc dân sinh và ảnh hưởng nghiêm trọng đến giao thông. Dự án được UBND TP Hà Nội phê duyệt tại Quyết định số 5252/QĐ-UBND ngày 22-10-2010, với quy mô chiều dài toàn tuyến 1.919m, thời gian thực hiện từ năm 2011 đến 2014.
Tuy nhiên, đến nay vẫn còn khoảng 200m, đoạn qua các tổ dân phố 1, 2, 5 và 6 (phường Trung Sơn Trầm) bị dở dang dẫn tới tình trạng "thắt cổ chai". Theo UBND thị xã Sơn Tây, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là còn 17 gia đình chưa bàn giao mặt bằng, trong đó có 3 hộ tranh chấp dân sự, đã có đơn khởi kiện và đang được Tòa án nhân dân thị xã Sơn Tây thụ lý; 4 hộ có đơn khiếu nại tới UBND TP Hà Nội về công tác bồi thường; số hộ còn lại phát sinh tranh chấp về quyền nhận tiền bồi thường...
Việc thực hiện dự án di chuyển các hộ dân ra khỏi vùng ảnh hưởng môi trường Khu xử lý rác thải Xuân Sơn cũng đang gặp khó khăn và có nhiều vướng mắc phát sinh phải giải quyết liên quan đến cơ chế, chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư.
Theo đó, dự án triển khai giải phóng mặt bằng 837.872m2 đất từ năm 2010, có 218 trường hợp bị thu hồi đất ở và đất nông nghiệp. Trong số đó, 201 hộ đã nhận tiền và bàn giao mặt bằng, còn lại 17 hộ chưa chấp thuận và tiếp tục có đơn kiến nghị về các cơ chế, chính sách trong giải phóng mặt bằng tới cơ quan chức năng.
Ngoài ra, dự án cấp đất giãn dân ở các thôn: Trung Lạc, Ngõ Bắc (xã Cổ Đông) cũng gây bức xúc trong dư luận nhân dân tới 14 năm nay. Thời điểm năm 2003 và 2006, UBND thị xã Sơn Tây ban hành các quyết định thu hồi đất quỹ II (đất công), khu Bóng Mít - Đồng Trương và Gò Giàng - Nương Củ để chuyển mục đích thành đất ở.
Tuy nhiên, tại khu vực cấp đất giãn dân Đồng Trương, trước đó, một số hộ tự ý xây nhà trên đất nông nghiệp, khiến dự án quy hoạch phân lô cấp đất giãn dân bị ảnh hưởng. Trong quá trình thực hiện, xã Cổ Đông và các cơ quan chức năng thị xã Sơn Tây đã không xử lý dứt điểm vi phạm khiến việc giải phóng mặt bằng ngày càng phức tạp, gây bức xúc trong nhân dân, nhất là những hộ đã nộp tiền cấp đất giãn dân từ năm 2003 nhưng chưa được chính quyền giao đất. Sau thời gian dài chờ đợi, phải đến năm 2016, UBND thị xã Sơn Tây mới chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp với UBND xã Cổ Đông rà soát cụ thể từng trường hợp vi phạm, tìm hướng xử lý.
Trao đổi về khó khăn và hướng giải quyết, Phó Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây Tạ Thanh Phong cho biết, các cấp, các ngành của thị xã đang tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân đồng thuận với các chủ trương, chính sách về giải phóng mặt bằng của Nhà nước để sớm bàn giao mặt bằng cho các dự án. Đối với dự án cấp đất giãn dân ở xã Cổ Đông, trên cơ sở đồng thuận của các hộ dân thôn Trung Lạc, Ngõ Bắc, thị xã đang yêu cầu Tổ công tác, các phòng, ban chức năng và UBND xã Cổ Đông phối hợp chặt chẽ, đẩy nhanh tiến độ, giải quyết dứt điểm những tồn tại, vướng mắc tại dự án.
UBND thị xã đã áp dụng các quy định hiện hành để giải quyết cho những hộ vi phạm được hợp thức hóa sau khi nộp phí theo quy định; những hộ đã nộp tiền nhưng chưa được giao đất sẽ được điều chỉnh quy hoạch phân lô; các trường hợp có công trình vi phạm là nhà tạm sẽ tiếp tục vận động tự tháo dỡ... Phó Chủ tịch UBND xã Cổ Đông Khuất Văn Xuyên cho biết, hiện nay những hộ dân đã xây nhà kiên cố, bị điều chỉnh quy hoạch đều đồng ý phương án của thị xã, bước đầu gỡ “nút thắt” để dự án tiếp tục thực hiện.
Đối với dự án xây dựng tuyến phố Tùng Thiện, theo ông Tạ Thanh Phong, thị xã sẽ tiếp tục tuyên truyền, động viên những hộ có tranh chấp dân sự, trước mắt, nhận tiền bồi thường tài sản trên đất, bàn giao mặt bằng để đẩy nhanh tiến độ thi công. Khi tòa án xét xử xong tranh chấp dân sự, sẽ chi trả nốt tiền mặt bằng...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.