Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thị trường giúp việc dịp Tết: Bức tranh tương phản

Kim Vũ - thu hằng| 29/01/2019 06:52

(HNM) - Những ngày này, người dân phải đôn đáo tìm người dọn dẹp công trình, nhà cửa, giúp việc dịp Tết... khiến cung cầu lao động nhộn nhịp.

Tuy nhiên, khảo sát thực tế lại xuất hiện bức tranh tương phản: Cùng cảnh lao động tự phát nhưng cho hai thu nhập khác nhau, một bên đắt khách (giúp việc gia đình, theo giờ); một bên bấp bênh (tại các chợ lao động). Trong khi đó, lao động thông qua các kênh chính thống lại không khan hiếm như những năm trước.

Người lao động tìm việc tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội.


Người làm không hết việc, người ế ẩm

Điểm chung của giúp việc gia đình, theo giờ và tại các chợ lao động đều là lao động phổ thông, không hợp đồng, không ràng buộc. Tuy nhiên, xét về tiền công thì có sự chênh lệch khá lớn. Khảo sát của phóng viên tại một số chợ lao động như Mai Dịch (quận Cầu Giấy), cầu Trung Tự (quận Đống Đa), Vườn hoa Hà Đông, cầu Lủ (quận Hoàng Mai)… cho thấy, công việc chính mà nhiều người có nhu cầu thuê là phụ hồ, bốc vác, lau dọn nhà cửa.

Tại chợ lao động cầu Lủ, hằng ngày có khoảng 15 người túc trực để chờ việc nhưng việc làm bấp bênh. Anh Nguyễn Văn Nam (tỉnh Nam Định) cho biết, có hai cách tính tiền công: Trọn gói từ 1 đến 1,5 triệu đồng/ngày và từ 40 đến 80 nghìn đồng/giờ, tùy tính chất công việc. Với công việc trọn gói, chúng tôi đi theo nhóm 2-3 người để làm, trung bình mỗi người được 300-400 nghìn đồng/ngày.

Mỗi sáng sớm, tại chợ lao động Mai Dịch, hàng chục xe máy dựng ngay ngắn bên lề đường, bên cạnh là người lao động sẵn sàng chờ việc. Theo anh Nguyễn Văn Trường (huyện Phúc Thọ), những người như anh không sợ mưa gió, cực nhọc, mà sợ nhất là không có việc đều. Về công lao động anh cho biết, thường không ổn định, mà tùy thuộc vào sự hào phóng của người thuê, dao động từ 50 đến 80 nghìn đồng/giờ. Tương tự, tại chợ lao động xã Hữu Bằng (huyện Thạch Thất) những ngày này rất đông người đi làm thuê nhưng chỉ có lao động giúp việc, dọn dẹp nhà cửa là đắt khách.

Trái ngược với tình hình trên, lao động giúp việc thời vụ tại các gia đình, chăm sóc bệnh nhân (từ ngày 25 tháng Chạp năm Mậu Tuất đến mùng 5 tháng Giêng năm Kỷ Hợi) lại vô cùng khan hiếm và đắt khách. Chị Nguyễn Thu Trang (huyện Đan Phượng), làm giúp việc theo giờ với giá 90 nghìn đồng/giờ (cao gấp đôi ngày thường); giá trọn gói từ 500 đến 800 nghìn đồng/ngày (làm khoảng 8 tiếng). Anh Lê Văn Chất (tỉnh Phú Thọ) cho biết: Dù đang chăm sóc bệnh nhân ở Bệnh viện Bạch Mai với giá 400 nghìn đồng/ngày nhưng anh giao hẹn với chủ nhà là từ ngày 25 tháng Chạp phải tính giá tiền công 1,2 triệu đồng/ngày. Nếu chủ nhà không chấp nhận anh sẽ xin nghỉ.

Lao động chính thống có nguồn cung dồi dào

Người lao động chờ việc tại chợ lao động xã Hữu Bằng (Thạch Thất).


Tìm hiểu tại các đơn vị cung ứng lao động, nhu cầu cũng rất sôi động và bảo đảm đủ cho thị trường. Có hai hình thức lao động: Ăn ở tại nhà chủ trong dịp Tết có giá 500-700 nghìn đồng/ngày; dọn dẹp nhà cửa từ 8 đến 15 nghìn đồng/m2. Chị Triệu Thị Lan, chuyên viên tư vấn Công ty TNHH Thanh Bình cho biết, hiện có 1.000 người đăng ký làm việc trước và trong Tết. Lượng khách hàng đến thuê lao động cũng ngày càng đông, có người đã trả tiền từ 15 ngày trước. Sau khi giao dịch, công ty sẽ ký hợp đồng 3 bên: Công ty - người lao động - chủ nhà với cam kết không tăng giá, không bỏ việc giữa chừng; bên nào vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định.

Nhu cầu tuyển dụng lao động tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội đến thời điểm này cũng khá nhộn nhịp. Theo bà Vũ Thị Thanh Liễu, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, năm nay các công việc đóng gói sản phẩm, nhân viên giao hàng, vận chuyển... từ các công ty, hệ thống siêu thị… phong phú. Người lao động lại được bảo vệ rất tốt khi ký hợp đồng liên kết ba bên. Nếu chăm chỉ, người lao động có thu nhập tới 10 triệu đồng/tháng.

Bà Vũ Thị Thanh Liễu cho biết, hiện trung tâm đang hướng tới sự kết nối thông suốt hai chiều,: Người lao động và doanh nghiệp để tạo sự bình ổn. Người lao động sẽ tránh được những rủi ro từ sự tự phát như bị tai nạn lao động nhưng không được chi trả bảo hiểm; bị chủ nhà không trả tiền công... Đồng thời, chủ nhà tránh được việc người giúp việc trộm đồ đạc, đánh đập con cái… Hơn nữa, thực tế cho thấy, do nắm được tâm lý cần người giúp việc ngày Tết nên có tình trạng đẩy giá lên cao của một bộ phận người lao động, khiến thị trường trở nên lệch lạc. Trong khi đó, chính mỗi gia đình cũng có thể tự điều chỉnh công việc, sắp xếp hợp lý để không phải thuê lao động. Như trăn trở của chị Trương Vân Thu (quận Thanh Xuân), chị đã nhiều lần đổi người giúp việc do bị ép giá nhưng chất lượng làm việc không tốt. Cực chẳng đã chị đã tự xoay xở việc nhà, hướng dẫn con tự làm việc theo sức của trẻ. Sau một năm kiên trì, gia đình chị đã thoát ra khỏi cái “bóng” của người giúp việc.

Trước thực trạng kể trên, lời khuyên cho các gia đình là nên tự điều chỉnh việc nhà cho phù hợp. Trong trường hợp gấp gáp thì nên tìm đến các đơn vị cung ứng có uy tín để được cung cấp nguồn lao động chính thống, giá cả hợp lý; tránh tự giao dịch, tự thỏa thuận với người lao động tự phát để tạo ra sự bình đẳng trong thị trường lao động.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thị trường giúp việc dịp Tết: Bức tranh tương phản

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.