Lao động - Việc làm

Lao động giúp việc cuối năm: Giá và chất lượng chưa tương xứng?

Nhóm phóng viên 08/01/2024 - 07:20

Càng gần những ngày cuối năm, sát Tết Nguyên đán, nhu cầu thuê người giúp việc nhà càng tăng cao. Nhiều lao động đã tranh thủ thời điểm “vàng” để kiếm thêm thu nhập. Tuy nhiên, nhiều người sử dụng dịch vụ cho rằng, giá cả đắt do vào thời điểm cần kíp chứ chất lượng phục vụ chưa tương xứng.

tai-cac-phien-giao-dich-vie.jpg
Tại các phiên giao dịch việc làm tổ chức tại các quận, huyện, không nhiều người có nhu cầu tìm việc và tìm người giúp việc đến tham khảo thông tin. Ảnh: Ngân Thùy

Rục rịch tăng giá

Sau mấy tháng vất vả xây dựng căn nhà mới, chị Trịnh Thu Huyền (đường Hồng Hà, quận Hoàn Kiếm) quyết định thuê dịch vụ vệ sinh công nghiệp để lau dọn nhà cửa trước khi "nhập trạch". “Bên doanh nghiệp dịch vụ vệ sinh báo giá 80.000 đồng/giờ, họ sẽ cử 2-3 nhân viên đến lau dọn cho đến khi xong việc. Căn nhà hơn 40m2 của tôi lau dọn trong 2 ngày hết gần 3 triệu đồng. Có những hạng mục như vệ sinh cửa kính, sàn nhà họ làm khá tốt nhưng những vị trí góc cạnh hay chỗ khuất như gầm cầu thang, tủ bếp thì họ lau dọn qua loa”, chị Huyền cho biết.

Tranh thủ mấy ngày nghỉ Tết Dương lịch vừa qua, chị Đỗ Thúy Hồng (phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy) đã đăng ký dịch vụ vệ sinh trên ứng dụng giúp việc theo giờ. Cảm nhận sau khi sử dụng dịch vụ là chưa chuyên nghiệp. “Cung cấp dịch vụ vệ sinh công nghiệp trọn gói, nhưng nhân viên làm việc chỉ thao tác ở những bề mặt thông thoáng, không moi móc trong gầm bàn, gầm tủ khiến tôi phải theo sát để nhắc nhở. Khi lau nóc tủ, thay vì vun bụi bẩn vào một chỗ rồi gom gọn cho vào thùng rác thì họ lại hất từ trên cao xuống, vừa mất công quét dọn sàn nhà, vừa làm bụi bặm vương sang các đồ vật khác”, chị Hồng chia sẻ.

Tương tự, chị Trần Thị Thanh (chung cư 62 Nguyễn Huy Tưởng, quận Thanh Xuân) thông tin, chị vẫn thuê giúp việc theo giờ hằng tuần với mức giá 60.000 đồng/giờ. Tuy nhiên, cô giúp việc đã “báo giá” làm ngày Tết tăng thêm 20.000 đồng/giờ cho các công việc không khác thường lệ. Cô giúp việc còn nói: “Chỗ khách quen em lên giá ít thôi, chứ càng gần Tết, mấy bạn giúp việc cùng nhóm đã rủ em đi làm với giá từ 100.000 đến 120.000 đồng/giờ”.

Cần lộ trình đưa vào quản lý

Trong khi nhu cầu tìm người giúp việc chuyên nghiệp rất lớn, thì theo khảo sát tại một số phiên giao dịch việc làm, số doanh nghiệp tuyển người giúp việc nhà rất hạn chế, chỉ 1-2 đơn vị/phiên giao dịch. Người có nhu cầu thuê giúp việc nhà cũng ít tìm đến các phiên giao dịch việc làm mà chỉ liên hệ với các trung tâm môi giới quảng cáo trên mạng xã hội hoặc theo giới thiệu của người quen. Thực tế đang tồn tại tình trạng thiếu lao động giúp việc đã qua đào tạo hay được tập huấn kỹ năng; phần lớn là làm việc theo thói quen hoặc quan điểm, làm nhà mình thế nào thì làm cho khách hàng như vậy.

Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội Vũ Quang Thành cho biết, cách đây khoảng hơn 20 năm (năm 2000) khi giúp việc gia đình chưa được coi là một nghề, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội đã có mô hình đào tạo người giúp việc, từ giặt quần áo, nấu cơm, sử dụng máy giặt. Nhưng sau một thời gian, nhu cầu đào tạo không có nên trung tâm cũng không tổ chức nữa. Đến nay, khi giúp việc đã được coi là một nghề, nhiều đơn vị đã đào tạo người giúp việc để giới thiệu cho cơ quan, gia đình có nhu cầu. Đây là mô hình hay, nếu quản lý tốt về giờ giấc lao động, chất lượng tay nghề, chế độ chính sách được hưởng sẽ đưa công việc này lên tính chuyên nghiệp.

Tuy nhiên, thực tế xã hội đang thuê người giúp việc qua các mối quan hệ họ hàng, quen biết, trao đổi công việc bằng miệng, với mức kinh phí thỏa thuận... Hình thức này ít ràng buộc về pháp lý nên dễ xảy ra mâu thuẫn khó giải quyết. Về lâu dài, lĩnh vực giúp việc gia đình cần có cơ chế quản lý, khuyến khích nhiều đơn vị cung cấp dịch vụ, tuân thủ quy định của pháp luật về lao động, sự quản lý của nhà nước về việc làm.

Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội quận Cầu Giấy Nguyễn Quang Hồng lý giải, vì đặc thù thỏa thuận giữa người đi thuê giúp việc với người giúp việc nên chỉ có người sử dụng lao động mới có thể đánh giá được chất lượng người giúp việc. Qua các đợt kiểm tra trung tâm môi giới việc làm, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội quận đã phát hiện nhiều doanh nghiệp sai phạm. Sai phạm phổ biến nhất là doanh nghiệp chỉ có đăng ký kinh doanh, không có giấy phép cung cấp dịch vụ của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, vì cả người đi tìm việc lẫn người thuê giúp việc đều không quan tâm đến tư cách pháp nhân của đơn vị cung cấp dịch vụ. Hợp đồng ký kết 3 bên, tiền đặt cọc, tiền lương chuyển vào tài khoản cá nhân nên khi xảy ra tranh chấp lao động rất khó xử lý...

Để thị trường lao động trong lĩnh vực này lành mạnh, cả người thuê và người giúp việc phải nâng cao nhận thức về nghề nghiệp cũng như chấp hành các quy định pháp luật. Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội quận cần tăng cường kiểm tra, bảo đảm quản lý các nội dung thỏa thuận phải theo đúng luật.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lao động giúp việc cuối năm: Giá và chất lượng chưa tương xứng?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.