Theo dự báo, tới năm 2030, châu Á sẽ có quy mô kinh tế và vai trò chiến lược lớn hơn cả châu Âu và Mỹ cộng lại. Số phận của châu lục này sẽ được quyết định bởi ba nước lớn là Trung Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ. Cuộc đua cho vị trí dẫn đầu châu lục đã được khởi động từ lâu song nó sẽ gay cấn hơn trong thời gian tới sau sự chuyển giao quyền lực ở các nước này trong năm vừa qua.
Chạy đua
Năm 2006, khi cuộc chạy đua kinh tế giữa Trung Quốc và Ấn Độ gay cấn, người ta cá cược với nhau nước nào sẽ thắng. Nhưng giờ đây, sau những năm phát triển nhảy vọt, thu nhập đầu người của Trung Quốc đã là 9146 USD, gấp hơn hai lần so với Ấn Độ. Năm 2012, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 7.7% trong khi Ấn Độ chỉ là 5.3%.
Cuộc đua cho vị trí dẫn đầu châu Á lúc này có lẽ chỉ còn hai đối thủ trong tam giác kể trên: Nhật Bản và Trung Quốc.
Tăng trưởng của Trung Quốc năm 2012 đã chậm lại nhưng đó có thể không hẳn là một tín hiệu xấu khi nền kinh tế nước này đang hướng tới mô hình phát triển bền vững và chất lượng hơn. Ưu tiên của nền kinh tế số 2 thế giới trong năm 2013 là tăng trưởng trong ổn định, điều chỉnh phương thức phát triển và kết cấu nền kinh tế nhưng vẫn đạt mức tăng trưởng 8,5% - con số mơ ước đối với các nền kinh tế lớn khác.
Còn Nhật Bản, ngay sau khi trở lại nắm quyền trong những ngày đầu năm 2013, tân Thủ tướng Nhật Shinzo Abe đã công bố chương trình đầy tham vọng nhằm vực dậy nền kinh tế từng là hình mẫu tăng trưởng nhưng không có được sức vươn lên mạnh mẽ hơn 20 năm qua.
Với gói kích thích trị giá 226 tỷ USD, chính phủ Nhật hy vọng sẽ nâng GDP thêm 2%, tạo ra khoảng 600.000 việc làm. Trước đó, ngày 15/01/13, Nội các của Thủ tướng Abe đã thông qua ngân sách bổ sung trị giá 13.100 tỷ Yen (khoảng 147 tỷ USD) cho gói kích thích kinh tế mới.
Đối đầu
Trong khu vực Đông Bắc Á, Hàn Quốc thể hiện tương đối rõ sức ảnh hưởng và cạnh tranh giữa hai nước Trung – Nhật. Năm 2012, xuất khẩu của Hàn Quốc sang Trung Quốc đạt hơn 130 tỷ USD, chiếm tới 25% tổng giá trị xuất khẩu và cao hơn 3.4 lần so với giá trị xuất sang Nhật.
Tranh chấp biển đảo Hàn - Nhật đã khiến quan hệ giữa hai nước xấu đi nhanh chóng kể từ mùa hè năm 2012. Ngay sau khi lên nắm quyền, tân Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-Hye đã cử đặc phái viên tới thăm Trung Quốc trước tiên.
Trước đây, khi các tổng thống Hàn trúng cử đều cử người tới tiếp kiến Đại sứ Mỹ đầu tiên, tiếp đến là Nhật Bản, sau đó mới tới Trung Quốc. Hàn Quốc ngày nay khi nhắc đến trật tự các nước chủ yếu thường nói Mỹ, Trung Quốc, Nhật trong khi trước đây trật tự này là Mỹ, Nhật, Trung. Seoul cũng đã công khai việc sẽ thiết lập quan hệ vững chắc hơn với Bắc Kinh và dự định sẽ đưa quan hệ hai nước thành đối tác hợp tác chiến lược.
Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng nhanh chóng |
Trên lĩnh vực điện hạt nhân, Trung Quốc là nước đi sau nhưng đã có những bước tiến nhảy vọt và đang chào hàng công nghệ của mình cho các nước láng giềng, cạnh tranh gay gắt với Nhật vốn còn chưa thoát khỏi dư chấn sau thảm họa kép hồi tháng 10/2011.
Gần đây nhất, ngày 22/01/2013, Bắc Kinh đã quyết định khởi động lại việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân sau hai năm tạm dừng do thảm họa tại Nhật. Đây là nhà máy điện hạt nhân thế hệ thứ tư đầu tiên trên thế giới do nước này tự nghiên cứu, thiết kế mang tên Thạch Đảo Loan và sẽ được đặt tại tỉnh Sơn Đông. Dự báo tới năm 2026, Trung Quốc sẽ vượt Mỹ trở thành quốc gia sản xuất điện hạt nhân nhiều nhất thế giới. Năm 2030, mức sản xuất năng lượng hạt nhân của nước này sẽ chiếm 30% tổng nguồn năng lượng hạt nhân của thế giới.
Về phía Nhật, rất nhanh sau khi trở lại nắm quyền, Thủ tướng theo đường lối cứng rắn Abe tuyên bố sẽ xem xét lại chính sách hạt nhân, tái khởi động các lò phản ứng hạt nhân đã bị đóng cửa trên cơ sở đảm bảo an toàn và sự đồng thuận của người dân. Ông muốn đưa năng lượng hạt nhân trở thành nguồn năng lượng chính của đất nước Mặt trời mọc.
Nhật Bản là một trong những quốc gia đi đầu trong công nghệ hạt nhân khi đã đầu tư hàng tỷ đô la vào phát triển điện hạt nhân từ những năm 60 của thế kỷ trước. Tuy nhiên, chỉ còn 2 trong tổng số 50 nhà máy điện hạt nhân của nước này còn hoạt động do lo ngại về sự an toàn của người dân sau thảm họa Fukushima.
Sức ảnh hưởng của Trung Quốc còn vươn tới cả các quốc đảo nhỏ bé ở Tây Thái Bình Dương. Bằng chứng là các khoản vay mềm của nước này dành cho khu vực đã tăng từ 23 triệu USD năm 2005 lên 183 triệu năm 2009, đưa Trung Quốc trở thành nhà đầu tư lớn thứ ba cho các quốc đảo sau Mỹ và Úc. Còn Nhật Bản lại có cách tiếp cận khác từ khía cạnh an ninh, nguồn tin từ các hãng thông tấn của Đài Loan cho hay Nhật dự định cung cấp kỹ thuật chế tạo tàu ngầm thuộc hạng tuyệt mật cho Úc, giúp Úc phát triển một loại tàu ngầm mới.
Trong khi người Ấn còn chưa khai thác hiệu quả các nguồn lực của mình, Nhật Bản chưa tìm ra lối thoát khỏi tình trạng suy thoái kéo dài cùng nền chính trị thiếu ổn định, Trung Quốc đang thắt chặt quan hệ kinh tế với các đối tác và dường như đang nắm thế chủ động trên bàn cờ khu vực.
Quan hệ Trung - Ấn - Nhật và quan hệ giữa ba nước này với Mỹ sẽ chi phối hòa bình và sự thịnh vượng của khu vực. Đây sẽ là những nhân tố mà các nhà hoạch định chính sách cần phải tính tới khi xây dựng chiến lược phát triển của quốc gia mình trong năm 2013.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.