Các nhà khoa học Trung Quốc đã giảm một nửa chu kỳ tăng trưởng của giống lúa thông thường được trồng trong nhà kính sa mạc ở Tân Cương.
Đây được coi là sự đổi mới nông nghiệp đáng hoan nghênh đối với Bắc Kinh khi nước này đang tìm kiếm các phương pháp mới để đảm bảo an ninh lương thực trong nước.
Đài truyền hình nhà nước CCTV đưa tin, thử nghiệm này là thành công đầu tiên của kỹ thuật mới trong môi trường kiểm soát khí hậu ở sa mạc, mở đường cho hy vọng canh tác nhanh chóng ở vùng khô hạn quanh năm.
Thành tựu này là một phần trong nỗ lực của Trung Quốc nhằm tăng cường khả năng tự cung cấp lương thực, ưu tiên quốc gia khi biến đổi khí hậu ngày càng gây tác động nghiêm trọng và thương mại toàn cầu biến động nhanh chóng. Nỗ lực trồng trọt ở những khu vực cằn cỗi hoặc bị bỏ hoang đang trở nên cần thiết hơn, vì Trung Quốc có diện tích đất canh tác nhỏ hơn so với tỷ lệ dân số.
Theo các nhà nghiên cứu tại Viện Khoa học nông nghiệp Trung Quốc, thử nghiệm này được thực hiện nhờ phương pháp canh tác không dùng đất, kiểm soát nhiệt độ và chiếu sáng nhân tạo. Kết quả cho thấy, giống lúa truyền thống đã sẵn sàng cho thu hoạch chỉ 60 ngày. Thử nghiệm diễn ra ở Hotan, một huyện phía Tây Nam khu tự trị Duy Ngô Nhĩ Tân Cương.
Trong khi đó, với các biện pháp canh tác thông thường, quá trình này sẽ mất từ 120 đến 150 ngày ở các vùng trồng lúa lớn ở phía Nam hoặc Đông Bắc.
Cây lúa tăng trưởng với tốc độ này từng được ghi nhận ở các cơ sở thí nghiệm ngay từ năm 2021, nhưng thành công trong thử nghiệm ở Tân Cương mang lại khả năng ứng dụng rộng rãi hơn vì chi phí xây dựng và trang bị cơ sở ở nơi này ít hơn, khu vực này cũng có ngày dài hơn và sự chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm rõ ràng hơn.
Ông Yang Qichang, người đứng đầu dự án và là nhà khoa học trưởng của Khoa Nông nghiệp Đô thị thuộc Viện Khoa học nông nghiệp Trung Quốc cho biết, các công trình ở Hotan có chi phí 350 nhân dân tệ (48 USD)/m2, chỉ bằng 1/3 chi phí nhà kính ở Hà Lan.
Ông cho biết, thử nghiệm ở Hotan cũng tiêu thụ 1/4 năng lượng mà một nhà kính tiêu chuẩn ở Hà Lan tiêu thụ.
“Sau khi hội nhập trong tương lai với nguồn năng lượng mới, cơ giới hóa và công nghệ thông minh, chi phí xây dựng và vận hành sẽ giảm đáng kể. Những nhà kính này sẽ có tính cạnh tranh mạnh mẽ”, ông nói.
Các phương pháp canh tác mới đang được thử nghiệm thường xuyên hơn ở khu vực Tân Cương khi Bắc Kinh tìm cách mở rộng sản xuất lương thực ở nhiều khu vực hơn.
Tháng 10-2023, các nhà nghiên cứu đã công bố cánh đồng thử nghiệm rộng lớn ở rìa sa mạc Taklimakan trồng giống lúa chịu mặn có năng suất cao hơn nhiều so với lúa chịu mặn được trồng ở nơi khác.
Hai tháng trước đó, các phương tiện truyền thông cũng đưa tin về bước đột phá công nghệ nuôi trồng thủy sản trong khu vực, với cá nước ngọt, tôm sú, bào ngư và tôm hùm được nuôi tại ngư trường địa phương.
Tại Tân Cương, bông thường chiếm phần lớn sản lượng nông nghiệp, nên lúa hiếm khi được trồng do điều kiện thiếu nước. Khu vực này chủ yếu trồng cây lương thực là lúa mì và ngô.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.